Xây dựng y tế cơ sở một cách bền vững

(BKTO) - Bộ Y tế đang tập trung triển khai thí điểm mô hình trạm y tế (TYT) xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tại 26 TYT, tiến tới nhân rộng trên toàn quốc. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế nhằm đổi mới hoạt động và nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở, hướng đến xây dựng y tế cơ sở một cách bền vững, coi y tế xã, phường như một cửa ngõ ban đầu, là nền tảng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.



Hồi sinh hệ thống y tế cơ sở

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng nhiều lần khẳng định, với một mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp toàn quốc, việc xây dựng mô hình TYT theo nguyên lý y học gia đình là cần thiết, vì có đến 70 - 80% dân số sống ở nông thôn. TYT sẽ là nơi gần nhất, tốt nhất để người dân tiếp cận một cách dễ dàng, thuận tiện, góp phần đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Đây cũng chính là một trong những giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 20/NQ-TW đặt ra với ngành y tế là phải bảo đảm "y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”.

Do đó, ngành y tế đang triển khai thí điểm mô hình tích hợp này tại 26 TYT xã, phường thuộc 8 tỉnh, thành trên cả nước. Mục tiêu đặt ra là năm 2019, mỗi tỉnh triển khai ít nhất 15% số TYT xã, phường, thị trấn theo nguyên lý y học gia đình. Giai đoạn 2019-2020 triển khai ít nhất 30% số TYT và 10 năm tới sẽ phải hình thành mạng lưới y tế cơ sở theo nguyên lý y học gia đình phủ khắp toàn quốc.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Đổi mới hoạt động và nâng cao chất lượng TYT xã, phường theo nguyên lý y học gia đình” diễn ra mới đây, bà Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết: Nguyên lý y học gia đình là chăm sóc toàn diện liên tục, phối hợp và lấy bệnh nhân làm trung tâm, hướng tới dự phòng cho cộng đồng, với 6 nguyên lý cơ bản: Toàn diện - Phối hợp - Lồng ghép - Cộng đồng - Dự phòng - Gia đình.

Việc cung ứng chăm sóc sức khỏe theo nguyên lý y học gia đình mang lại rất nhiều lợi ích. Theo đó, cộng đồng dân cư được chăm sóc sức khỏe với chi phí hợp lý, tiện lợi, bệnh lý, cá nhân người bệnh và cả yếu tố môi trường xã hội, mối tương quan giữa cộng đồng, gia đình. Vì vậy, ngoài việc chăm sóc toàn diện, việc cung ứng chăm sóc sức khỏe theo nguyên lý y học gia đình còn thể hiện sự gần gũi, thân thiện, người bệnh được chăm sóc hiệu quả bởi dịch vụ chăm sóc ban đầu kỹ thuật đơn giản và ít tốn kém. “Nội tại hệ thống y tế sẽ mang lại sự hồi sinh cho hệ thống y tế cơ sở, giúp sàng lọc bệnh nhân và giảm lượng bệnh nhân lên tuyến trên. Đây là chiến lược rất quan trọng để đối phó với thách thức về tỷ lệ già hóa, sự tăng nhanh chóng của bệnh tật do tàn phế; đồng thời góp phần đảm bảo bền vững tài chính, đảm bảo bình ổn Quỹ Bảo hiểm y tế….” - bà Hằng nói.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, chúng ta đang bị tác động mạnh do biến đổi khí hậu nên nguyên lý y tế gia đình giúp ngăn chặn bệnh tật và phòng ngừa các dịch bệnh ngay từ cơ sở, các bệnh không lây nhiễm, lây nhiễm. Đây chính là giải quyết gốc rễ của vấn đề chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Đầu tư cơ sở vật chất, tái cơ cấu tài chính cho y tế cơ sở…

Tuy nhiên, việc triển khai và cung ứng dịch vụ y tế theo nguyên lý y học gia đình tại TYT hiện nay còn nhiều khó khăn, bất cập. Kết quả khảo sát y tế cho thấy, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, nhân lực y tế còn nhiều khó khăn, bất cập, phương thức cung ứng dịch vụ y tế còn chưa đáp ứng được, tài chính y tế còn rất nhiều nút thắt.

Ông Bùi Sỹ Lợi chỉ ra thực tế, 70% số người đi khám, chữa bệnh BHYT tại tuyến y tế cơ sở nhưng chi BHYT chỉ chiếm 30% kinh phí; 20% khám, chữa bệnh ở tuyến xã nhưng kinh phí chi BHYT từ 2,6 - 2,8%, đó là nghịch lý. Theo ông Lợi, để giải bài toán này, phải tập trung giải 2 nút thắt. Đó là đào tạo cấp bách để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị cho cơ sở tuyến xã. Bên cạnh đó, phải cơ cấu lại tài chính y tế cho cơ sở. “Y tế dự phòng tuyến cơ sở không có tỉnh nào đạt được 30% tổng kinh phí đầu tư cho y tế. Đây là một bài toán mà chúng ta cần phải xử lý ngay. Bộ Y tế cần tham mưu cho Chính phủ cơ cấu lại tài chính y tế, tập trung đầu tư cho y tế cơ sở, đặc biệt là các xã đồng bào dân tộc miền núi vùng cao, vùng sâu, vùng xa để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân” - ông Lợi lưu ý.

Để đổi mới hoạt động của y tế cơ sở, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch để sửa chữa nhà trạm, bố trí các phòng công năng cho hợp lý; mua sắm trang thiết bị, trong đó có những thiết bị y tế lần đầu tiên có mặt tại TYT xã (như máy thử tiểu đường); xây dựng kế hoạch đào tạo cho tất cả các chức danh của TYT và đào tạo nâng cao năng lực quản lý quản trị cho đội ngũ trưởng TYT; tiếp tục cập nhật bổ sung hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật liên quan đến cung ứng dịch vụ y tế theo nguyên lý y học gia đình như hướng dẫn về quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng TYT xã. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ làm việc với cơ quan Bảo hiểm xã hội để hỗ trợ thanh toán BHYT tốt nhất đối với các hoạt động tại TYT.

Về nguồn nhân lực y tế cơ sở, ngành y tế sẽ cải cách toàn diện lĩnh vực đào tạo theo hướng chuyên biệt y học gia đình; tăng cường các hoạt động hỗ trợ về kỹ thuật trên thực địa và trực tuyến; thực hiện các chính sách phi đào tạo, hoàn thiện các chính sách sử dụng cán bộ y tế theo hướng khuyến khích, nâng cao vị thế, vai trò của cán bộ, làm sao giữ chân cán bộ y tế tuyến cơ sở yên tâm công tác…

Đ. KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 48 ra ngày 29-11-2018
Cùng chuyên mục
Xây dựng y tế cơ sở một cách bền vững