Thúc đẩy bao phủ bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên

(BKTO) - Trong lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc toàn dân, học sinh, sinh viên (HSSV) được lựa chọn là nhóm đối tượng cần sớm được bao phủ BHYT bởi nhóm đối tượng này có tỷ lệ khá ổn định, chiếm khoảng 20% dân số cả nước. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong tổ chức triển khai thực hiện, đặc biệt là vai trò của mỗi nhà trường và toàn ngành giáo dục trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức để HSSV tích cực tham gia BHYT, đồng thời thực hiện tốt công tác y tế học đường.



Nguồn kinh phí chủ yếu cho y tế trường học

Với mục tiêu đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân để mọi người dân được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe thông qua BHYT, đặc biệt là bảo đảm để thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước được phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể chất, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (có hiệu lực từ ngày 01/01/2015) quy định rõ: BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc toàn dân, trong đó, HSSV là nhóm được NSNN hỗ trợ mức đóng (Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, chỉ phải đóng 70% còn lại).

Trong những năm gần đây, cùng với sự tích cực tham gia BHYT của nhóm đối tượng HSSV thể hiện qua tỷ lệ tham gia ngày càng tăng, công tác y tế trường học cũng từng bước phát triển. Kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV trích từ Quỹ BHYT liên tục tăng qua các năm. Nếu như năm 2010, số kinh phí trích lại là hơn 200 tỷ đồng thì đến các năm gần đây, con số này đã tăng hơn gấp 3 lần, đạt khoảng 600 tỷ đồng. Đây là nguồn kinh phí chủ yếu cho hoạt động của y tế nhà trường, góp phần quan trọng vào việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ban đầu cho HSSV.

Bên cạnh đó, quyền lợi khám, chữa bệnh của nhân dân nói chung và HSSV nói riêng khi tham gia BHYT cũng được mở rộng. Đặc biệt từ ngày 01/01/2016, quy định thông tuyến huyện đã tạo nhiều thuận lợi cho việc khám, chữa bệnh đối với người tham gia BHYT, trong đó có HSSV. Thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, nhiều học sinh không may bị ốm đau, bệnh tật, tai nạn… đã được Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lên đến hàng trăm triệu đồng như các trường hợp điều trị ung thư, chạy thận nhân tạo; phẫu thuật tim mạch; không ít trường hợp được thanh toán tới trên dưới 1 tỷ đồng mỗi năm.

Đề cao vai trò củangành giáo dục

Việc thực hiện BHYT với HSSV trong hơn hai thập kỷ qua đã chứng minh tính đúng đắn, sự cần thiết, là giải pháp hữu hiệu giúp cho thế hệ trẻ đủ sức khỏe để học tập, rèn luyện, là một nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị; trong đó, ngành giáo dục, đào tạo, hệ thống trường học các cấp có vai trò nòng cốt. Luật BHYT năm 2014 quy định các cơ sở giáo dục có trách nhiệm lập danh sách HSSV tham gia BHYT. Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn thực hiện BHYT quy định: Cơ sở giáo dục thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của HSSV 6 tháng hoặc 1 năm/lần nộp vào Quỹ BHYT.

Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định trích lại cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế mua thuốc, vật tư y tế tiêu hao, trang thiết bị và dụng cụ y tế thông thường để tổ chức thực hiện trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em, HSSV, với mức trích bằng 5% tổng thu Quỹ BHYT tính trên tổng số HSSV đang theo học tại cơ sở giáo dục có tham gia BHYT (kể cả HSSV tham gia BHYT theo nhóm đối tượng khác). Như vậy, ngoài trách nhiệm phải thu BHYT HSSV, các nhà trường còn có trách nhiệm bảo đảm sử dụng 5% tổng thu Quỹ BHYT tính trên tổng số HSSV đang theo học để tổ chức thực hiện công tác y tế học đường theo quy định.

Thực tế cho thấy, trước thềm năm học mới hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có công văn quán triệt, chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố, cơ sở giáo dục triển khai nghiêm túc BHYT HSSV. Trong đó, nhà trường phối hợp với cơ quan BHXH tại địa phương vận động, hướng dẫn HSSV và cha mẹ học sinh tham gia BHYT và cấp Thẻ BHYT theo đúng quy định; đảm bảo 100% HSSV tham gia BHYT; thực hiện nghiêm việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí trích lại của Quỹ BHYT cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu…

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu bao phủ BHYT HSSV một cách bền vững, công tác truyền thông phải được chú trọng thường xuyên, liên tục, có hình thức truyền thông phù hợp, chất lượng, hiệu quả. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, công tác tuyên truyền, vận động để HSSV nhận thức đúng ý nghĩa của BHYT vẫn là giải pháp quan trọng nhất, trong đó, phải đặc biệt gắn quyền lợi và trách nhiệm thực hiện pháp luật của công dân đối với mỗi HSSV. Nhà trường và cơ quan BHXH, cơ quan y tế cần tổ chức đối thoại, trao đổi trực tiếp để lắng nghe những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng của các em, đồng thời tuyên truyền, vận động để các em nhận thức đầy đủ rằng, tham gia BHYT trước hết là trách nhiệm bảo đảm sức khỏe đối với chính bản thân của mỗi người và sau đó là trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng, xã hội.

ĐĂNG KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 14 ra ngày 04-4-2019
Cùng chuyên mục
Thúc đẩy bao phủ bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên