Thông điệp K=K: Công cụ mới giúp xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV

(BKTO)- Sáng 28/11, tại Hà Nội, nhân Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS (1/12), Trường Đại học Y Hà Nội và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Việt Nam) - PEPFAR Việt Nam tổ chức sự kiện “Không phát hiện = Không lây truyền” (K=K) với thông điệp “Tôi dương tính nhưng chắc chắn anh thì không”, nhằm chia sẻ thông tin đến cộng đồng người sống chung với HIV (PLHIV), cộng đồng người chuyển giới (LGBT) và các cán bộ y tế tại Việt Nam.



“Không phát hiện = Không lây truyền” được dịch từ tiếng Anh U=U (Undetectable = Untransmittable), là một thông điệp mới về lợi ích điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) với người nhiễm HIV. Tuyên bố đồng thuận U=U đã được hơn 782 tổ chức y tế tại hơn 95 quốc gia trên thế giới công nhận và thông qua.
                
   

Đại diện nhóm cộng đồng được tôn vinh chia sẻ về thông điệp K=K- Ảnh: Đ.KHOA

   
Thông điệp này dựa trên bằng chứng khoa học và nhấn mạnh rằng, một người sống chung với HIV nếu được điều trị bằng thuốc ARV và khi đạt tải lượng vi rút ở ngưỡng không phát hiện được trong máu thì nguy cơ lây truyền HIV sang người khác qua đường tình dục từ không đáng kể đến không có nguy cơ. Tải lượng vi rút không phát hiện được trong máu được định nghĩa là khi có dưới 200 bản sao/ml máu. Điều này có ý nghĩa rằng, một người có HIV được điều trị ARV khi có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện sẽ vừa bảo vệ sức khoẻ cho bản thân mình và ngăn ngừa lây nhiễm HIV sang bạn tình. Thông điệp này làm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV và khuyến khích những người có HIV tuân thủ điều trị.

PGS, TS Lê Minh Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu về lạm dụng chất và HIV, Trường Đại học Y chia sẻ: Tại Việt Nam, việc nâng cao nhận thức về K=K đối với những người sống chung với HIV, những người cung cấp dịch vụ y tế và cộng đồng có rất nhiều lợi ích. Những người không nhiễm HIV sẽ có thêm công cụ mới, phương tiện mới để phòng chống HIV, bên cạnh những biện pháp trước đây là bao cao su, thuốc dự phòng lây nhiễm. Nếu những người nhiễm HIV được điều trị đầy đủ, liên tục thì khả năng lây nhiễm sang những người không nhiễm HIV gần như bằng không.

Đối với những người không lây nhiễm HIV, việc hiểu biết về thông điệp này là công cụ tốt để có thể dự phòng. Điều quan trọng là họ cần phải động viên, khuyến khích, hợp tác với những người đang sống với HIV để họ điều trị thật tốt. Bởi những người sống chung với HIV có thể hoàn toàn sống khỏe mạnh, có đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội vì bản thân họ không phải là nguồn lây nhiễm.

Trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực đánh giá chương trình và hệ thống y tế hỗ trợ cho công tác dự phòng, điều trị và chăm sóc HIV ở Việt Nam”, Trường Đại học Y Hà Nội đã hỗ trợ cho 10 tổ chức cộng đồng tại TP. HCM, Cần Thơ, Điện Biên và Hà Nội để thực hiện các sáng kiến của chính họ, nhằm truyền bá thông điệp K=K tới cộng đồng. Bằng nỗ lực của mình, các nhóm cộng đồng đã lên ý tưởng và triển khai các sáng kiến từ tháng 8-10/2018. Hai tổ chức cộng đồng có hoạt động xuất sắc nhất trong phong trào quảng bá thông điệp K=K là nhóm AloBoy và nhóm Kết nối trẻ đã được tôn vinh tại sự kiện.

Ông Todd Pollack- đại diện Tổ chức Hợp tác phát triển Việt Nam (HANVN) cho biết: Bộ công cụ K=K với thông điệp “Tôi dương tính nhưng chắc chắn anh thì không” gồm: logo, các áp-phích, phim ngắn và sổ tay hướng dẫn. Thông điệp K=K sẽ được chia sẻ rộng rãi đến cộng đồng từ hôm nay (28/11) trong sự kiện “Ngày hội không phát hiện 2018” để kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (112) và có vai trò hiệu quả trong xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

ĐĂNG KHOA
Cùng chuyên mục
Thông điệp K=K: Công cụ mới giúp xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV