Thêm nguồn cung nước sát khuẩn phòng dịch nCoV-2019

(BKTO)- Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) vừa công bố đã sản xuất thành công nước rửa tay khô sát khuẩn (cồn gel diệt khuẩn, VPI-gel) có khả năng diệt khuẩn tới 99,99%.



                
   

Cán bộ nghiên cứu của VPI thực hiện pha chế cồn gel diệt khuẩn. Nguồn: VPI

   

Xác định công tác phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona mới (nCoV-2019) rất cấp bách, bên cạnh việc trang bị máy đo nhiệt độ cơ thể, phát khẩu trang y tế, VPI đã pha chế thành công VPI-gel.

VPI-gel được đóng chai 30ml, 50ml, 70ml, 500ml dạng bình xịt, bay hơi ngay sau khi sử dụng nên có thể mang theo người, không cần nơi cấp và thoát nước như khi rửa tay bằng xà phòng. VPI-gel hỗ trợ đề phòng dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona mới trong tình trạng thị trường đang khan hiếm sản phẩm dung dịch sát khuẩn khô.

Sản phẩm VPI-gel đã được Viện Pasteur TP. HCM kiểm nghiệm và công nhận có khả năng tiêu diệt nhanh và hiệu quả tới 99,99% các loại vi sinh vật phổ biến như: Salmonella typhi ATCC 14028, Staphylococcus aureus ATCC 25923 và Escherichia coli ATCC 2592.

Không chỉ có khả năng diệt khuẩn, VPI-gel còn bổ sung các chất dưỡng ẩm, chống lão hóa cho da tay. So với các sản phẩm nhập ngoại có mặt trên thị trường, như Germ-X, Purell, EO Hand Sanitizer, Dr. Bronner, Aesop Resurrection, VPI-gel có các chỉ tiêu chất lượng và tính chất tương đương.
                
   

Bộ sản phẩm VPI-gel có khả năng diệt khuẩn tới 99,99%. Nguồn: VPI

   

Hiện VPI đang làm việc với các công ty dược để triển khai sản xuất VPI-gel ở quy mô lớn, đáp ứng các quy định pháp luật về sản xuất và phân phối sản phẩm, cũng như ghi nhận ý kiến người dùng về mùi hương, màu sắc để hoàn thiện sản phẩm. VPI đang thử nghiệm các chủng loại cồn gel diệt khuẩn mới phù hợp cho từng loại dịch bệnh và mục đích sử dụng. Ngoài ra, VPI đang phát triển sản phẩm VPI-gel dạng viên nang/màng bao sinh học để thuận tiện cho người sử dụng, hướng tới việc bảo vệ môi trường.

Q.ANH
Cùng chuyên mục
Thêm nguồn cung nước sát khuẩn phòng dịch nCoV-2019