Nhiều địa phương quyết liệt chống dịch viêm hô hấp cấp

(BKTO) - Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm hô hấp cấp do virus nCorona, nhiều địa phương trong cả nước đã tập trung nhân lực theo dõi, sẵn sàng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.




Lực lượng Biên phòng Quảng Ninh kiểm tra giấy phép thông hành của hành khách nhập cảnh vào Việt Nam tại cửa khẩu Móng Cái (thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) -Ảnh: TTXVN

Quảng Ninh phun khử trùng cửa khẩu 2 lần/ngày

Trước tình hình dịch viêm hô hấp cấp do virus nCorona diễn biến phức tạp ở Trung Quốc, ngay trong ngày Mùng 1 Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 (ngày 25/1), thành phố Móng Cái, nơi vùng biên giới giáp Trung Quốc, đã tăng cường lực lượng gần 30 người, bổ sung thêm máy đo thân nhiệt từ xa và thực hiện phun khử trùng 2 lần/ngày tại cửa khẩu Móng Cái.

Ông Nguyễn Trọng Diện - Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết:Khi phát hiện bệnh nhân nghi ngờ mắc các triệu chứng của bệnh viêm hô hấp cấp, Sở Y tế sẽ tiến hành báo động đỏ trên toàn tỉnh. Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh Quảng Ninh (CDC)có trách nhiệm liên hệ với trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế và đến trung tâm y tế của địa phương để khoanh vùng cách ly người bệnh, tránh dịch bệnh lây lan trên diện rộng”.

Hiện tại, Quảng Ninh đã lắp đặt 14 máy quét thân nhiệt tại các cửa khẩu, đặc biệt tại cửa khẩu Móng Cái, bố trí ca trực gồm 3-4 nhân viên tại các cửa nhập cảnh. Tại các trung tâm y tế, bệnh viện lập ít nhất 2 kíp cấp cứu vận chuyển bệnh nhân mắc bệnh, cập nhật thường xuyên tình hình dịch bệnh.

Ngoài ra toàn tỉnh Quảng Ninh đã chuẩn bị được 500 bộ quần áo và khẩu trang N95 để phòng chống dịch, khoảng 4 tấn hóa chất khử trùng bề mặt trên diện rộng nếu như bệnh dịch xuất hiện tại các địa phương trong tỉnh.

Ngoài ra, lãnh đạo sở y tế khuyến cáo người dân vệ sinh thân thể thường xuyên và không nên tụ tập ở những nơi có đông người. Người dân có biểu hiện sốt cao hoặc đi từ các vùng có dịch cần theo dõi chặt chẽ và đến ngay trung tâm y tế gần nhất để có biện pháp cách ly, theo dõi.

Trước đó, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch khẩn cấp chủ động ứng phó với bệnh viêm hô hấpcấp có thể truyền nhiễm từ khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam qua các cửa khẩu ở biên giới.

UBND TP. Hải Phòng phát công văn hoả tốc

UBND TP. Hải Phòng vừa phát đi công văn hỏa tốc yêu cầu Sở Y tế và các sở, ban ngành liên quan quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch viêm hô hấp cấp do virus nCorona.

Trong đó, Sở Y tế TP. Hải Phòng thường xuyên cập nhật thông tin từ Bộ Y tế, tổng hợp kịp thời tình hình dịch trong nước và quốc tế, báo cáo về UBND TP. Hải Phòng và các đơn vị liên quan. Bên cạnh đó, Sở Y tế triển khai kế hoạch đáp ứng phòng chống dịch bệnh với 3 tình huống diễn biến dịch tới các địa phương theo kế hoạch ban hành tại Quyết định số 156/QĐ-BYT ngày 20/1/2020 của Bộ Y tế.

Sở Y tế TP. Hải Phòng đồng thời chỉ đạo Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế thực hiện quyết liệt việc giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu quốc tế, đặc biệt tổ chức giám sát chặt chẽ bằng máy đo thân nhiệt từ xa và quan sát tình trạng sức khỏe đối với các hành khách nhập cảnh từ thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) và các vùng có dịch. Khi phát hiện trường hợp có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh cần thực hiện ngay việc cách ly, khám sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm và quản lý đối với các trường hợp nghi ngờ theo quy định để hạn chế bệnh lây lan ra cộng đồng.

UBND TP. Hải Phòng cũng yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo công tác điều tra dịch tễ, lấy máu, bảo quản, vận chuyển mẫu để đảm bảo an toàn sinh học, chất lượng mẫu. Đảm bảo giám sát, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; giám sát, theo dõi tình trạng sức khỏe của những người có tiếp xúc gần với trường hợp bệnh trong vòng 14 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối cùng.

Sở Y tế TP. Hải Phòng chỉ đạo các bệnh viện tuyến thành phố, trước mắt là Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng khu vực cách ly, phân khu điều trị, cơ số thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; chuyển tuyến kịp thời và khi cần thiết để hạn chế thấp nhất mức độ lây lan của dịch bệnh; xây dựng phương án mở rộng điều trị trong trường hợp dịch lan rộng.

Theo đánh giá của UBND TP. Hải Phòng, nguy cơ xâm nhập dịch bệnh rất lớn thông qua khách du lịch, người lao động nhập cảnh từ thành phố Vũ Hán, và vùng có dịch về hàng ngày tại cửa khẩu hàng không quốc tế. Đặc biệt, trong thời điểm Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 có sự gia tăng đi lại giữa các khu vực, các quốc gia cùng với điều kiện khí hậu mùa đông xuân lạnh ẩm, rất thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát sinh và phát triển.

Trước đó, vào sáng 24/1, Sở Y tế Hải Phòng đã tổ chức họp khẩn các đơn vị trong ngành để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona.Sở Y tế Hải Phòng cũng công bố 2 số điện thoại tiếp nhận thông tin liên quan đến bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona là 0902210218 và 0978789499.

Đà Nẵng:Trung tâm kiểm soát bệnh tật của thành phố luôn phải đặt trong tình trạng báo động, để xử lý kịp thời

Trưa 24/1 (30 Tết), Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã chủ trì cuộc họp khẩn với các sở, ngành liên quan bàn phương án phòng chống dịch bệnh viêm phổi do cấp do virus corona đang diễn biến phức tạp tại Vũ Hán (Trung Quốc).

Đà Nẵng họp khẩn bàn phương án phòng chống dịch viêm phổi cấp -Ảnh VGP/Lưu Hương

Báo cáo tại cuộc họp, bà Ngô Thị Kim Yến - Giám đốc Sở Y tếTP. Đà Nẵng cho biết, ngay từ khi nhận được chỉ đạo của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona, Sở Y tế TP đã chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực, hệ thống xét nghiệm và các phương án sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xâm nhập vào thành phố. Đồng thời, Sở Y tế cũng ban hành kế hoạch hành động, quy trình giám sát xử lý dịch bệnh nhóm A và các bệnh nguy hiểm truyền nhiễm xâm nhập vào TP. Đà Nẵng.

Giám đốc Sở Y tếTP. Đà Nẵng cho biết thêm, ngày 14/1, hai trường hợp nghi ngờ đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam qua cửa khẩu cảng Sân bay quốc tế Đà Nẵng, ngành y tế thành phố đã xử lý kịp thời. Kết quả xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân âm tính với chủng virus corona.

Tính đến 10h ngày 24/1, Đà Nẵng chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới xuất hiện tại Vũ Hán (Trung Quốc).

Bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, ngày 22/1, có chuyến bay từ Vũ Hán đến Đà Nẵng chở theo 218 hành khách. Hiện những vị khách này sẽ lưu trú tại Đà Nẵng đến hết ngày 25/1 và chưa có dấu hiệu gì. Từ ngày 30 Tết đến mùng 5 Tết, có 93 chuyến bay từ các tỉnh, thành khác của Trung Quốc đến Đà Nẵng. Để phòng chống dịch bệnh, Sở Du lịch Đà Nẵng đã thông báo cho các khách sạn khi khách có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh thì báo về Sở Y tế. “TP cần có đường dây nóng để các khách sạn kết nối với ngành y tế trong công tác phòng chống dịch”, Bà Hạnh đề nghị.

Bác sĩ LêĐức Nhân - Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho hay, bệnh viện đã có quy trình tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân mắc viêm phổi cấp do virus corona. “Hiện bệnh viện đang bố trí tầng 4 của Khoa Y học nhiệt đới để tiếp nhận và điều trị cho những bệnh nhân mắc bệnh viêm phổi cấp do virus corona. Trong trường hợp, nếu số lượng bệnh nhân tăng lên, các bệnh nhân của Khoa y học nhiệt đới sẽ được chuyển qua các khoa khác và dành riêng khoa Y học nhiệt đới cho công tác điều trị, phòng chống dịch”, BS Lê Đức Nhân cho biết.

BS LêĐức Nhân cũng đề xuất thành phố bố trí một trung tâm hoặc một bệnh viện tách riêng để triển khai công tác điều trị nếu bệnh nhân tăng cao.

Tại cuộc họp, đại diện Cảng hàng không quốc tếĐà Nẵng cho biết, hiện nay đơn vị đã bố trí vị tríđỗ biệt lập cho các chuyến bay từ Vũ Hán đến. Tại ga hành khách T2 đã bố trí 2 phòng cách ly với diện tích 35m2. Nhà ga T1 cũng đã bố trí vị trí dự phòng nếu nhà ga T2 quá tải.

Sau khi lắng nghe ý kiến từ các sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố phải nâng cao tinh thần cảnh giác, không được chủ quan, lơ là; rà soát toàn bộ quy trình phòng chống dịch. “Khâu quan trọng nhất là giám sát tại các cửa khẩu, thực hiện quy trình phòng chống dịch chặt chẽ 24/24. Trung tâm kiểm soát bệnh tật của thành phố luôn phải đặt trong tình trạng báo động, để xử lý kịp thời”.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng giao Sở Y tế rà soát, triển khai phương án chọn một bệnh viện riêng biệt đểđiều trị bệnh nhân khi số bệnh nhân tăng cao.

PHÙNG NGUYÊN (tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Nhiều địa phương quyết liệt chống dịch viêm hô hấp cấp