Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam 01/7: Khẳng định vai trò trụ cột của chính sách bảo hiểm y tế trong hệ thống an sinh xã hội

(BKTO) - Tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) được xem là một hình thức tiết kiệm “đóng góp khi lành, để dành khi ốm”, nhằm giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tật, kể cả những bệnh hiểm nghèo, chi phí lớn...



                
   

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định: Việc tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách BHYT đã từng bước hiện thực hóa mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, Quỹ BHYT đã góp phần thay thế hiệu quả cơ chế tài chính về y tế. Ảnh: BHXH Việt Nam

   

Tấm “thẻ hộ mệnh” không thể thiếu

BHYT là chính sách an sinh xã hội ưu việt của Đảng và Nhà nước, mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. BHYT do Nhà nước tổ chức thực hiện không vì mục đích lợi nhuận, nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người dân khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn...

Cùng với sự phát triển và ngày càng hoàn thiện của chính sách BHYT, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng dần qua các năm, từng bước hiện thực hóa mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân. Quỹ BHYT đã góp phần thay thế hiệu quả cơ chế tài chính về y tế. Nếu như các năm 2009, 2015 độ bao phủ BHYT lần lượt đạt 57% và 74,7% dân số, thì đến hết năm 2021, độ bao phủ đã đạt khoảng 91% dân số.

Song song đó, việc đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh (KCB) cho người có thẻ BHYT đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ. Hằng năm, có hơn 100 triệu lượt người KCB BHYT được đảm bảo quyền lợi. Năm 2020-2021 do tác động của dịch Covid-19, Quỹ BHYT đã cùng NSNN góp phần không nhỏ trong công tác khắc phục hậu quả và phòng, chống dịch Covid-19, tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia.

Quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia ngày càng được mở rộng ở cả phạm vi và mức hưởng BHYT. Khi tham gia BHYT, người dân sẽ được Quỹ BHYT thanh toán đầy đủ các chi phí KCB BHYT theo quy định, không bị giới hạn về tuổi tác, số ngày điều trị và tổng chi phí KCB BHYT.

Danh mục thuốc được Quỹ BHYT thanh toán đáp ứng nhu cầu KCB của người có thẻ BHYT. Trong đó, có nhiều thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị bệnh hiếm, thuốc điều trị bệnh máu không đông, thuốc tim mạch đa dạng… người bệnh được chỉ định sử dụng dài ngày, có thuốc dùng suốt đời cho quá trình điều trị bệnh.

Ngoài ra, người tham gia BHYT còn được Quỹ BHYT chi trả các chi phí dịch vụ kỹ thuật (với hơn 9.000 dịch vụ), vật tư y tế (337 loại, mỗi loại có rất nhiều chủng loại theo tên thương mại). Trong đó có các phẫu thuật, thủ thuật cao, chi phí lớn; một số loại vật tư y tế được Quỹ BHYT thanh toán có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.

Đáng lưu ý, hiện nay, Quỹ BHYT thực hiện chi trả chi phí điều trị cho tất cả các bệnh hiểm nghèo như nhóm bệnh về: tim mạch, ung thư, bệnh hiếm… Đây là các nhóm bệnh sẽ phải điều trị dài ngày hoặc suốt đời, có chi phí điều trị lớn.

Thời gian qua, nhiều người có thẻ BHYT bị mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng đã được Quỹ BHYT chi trả hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng chi phí KCB BHYT. Tấm thẻ BHYT đã giúp nhiều người bệnh có thêm động lực, niềm tin tiếp tục điều trị bệnh, giúp nhiều gia đình không bị tái nghèo do không phải chi trả các khoản chi phí KCB khổng lồ.

Huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân tham gia BHYT

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực và khẳng định vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội, song việc thực hiện chính sách BHYT tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức khi diện bao phủ còn thiếu tính bền vững. Đặc biệt, trong năm 2022, việc phát triển người tham gia BHYT gặp nhiều thách thức do có khoảng 1.946 xã với khoảng 4,9 triệu người không còn thuộc đối tượng hỗ trợ BHYT theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi đó, Quyết định số 546/QĐ-TTg đặt chỉ tiêu, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc năm 2022 đạt 92,6%; năm 2023 là 93,2%; năm 2024 là 94,1%; năm 2025 là 95,15%. Đây là thách thức rất lớn cho BHXH Việt Nam trong thực hiện chỉ tiêu bao phủ BHYT toàn dân.
                
   

Cán bộ BHXH tỉnh Quảng Bình chia sẻ về chính sách BHYT đến người dân. Ảnh: Đ. KHOA

   

Để đạt mục tiêu hơn 92% dân số tham gia BHYT trong năm 2022, mới đây Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan xây dựng kế hoạch, giải pháp triển khai thực hiện chỉ tiêu được giao. Đồng thời, trình HĐND bố trí ngân sách địa phương, huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ thêm cho người dân tham gia BHYT. Cụ thể là, tập trung hỗ trợ người thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình nghèo đa chiều không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, Khoản 9, Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ, bảo đảm đạt mục tiêu 100% đối tượng này tham gia BHYT; hỗ trợ người thuộc hộ gia đình nông- lâm- ngư- diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên để tăng tỷ lệ tham gia BHYT…

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã khẳng định tính ưu việt của chính sách BHYT, đồng thời đề nghị Chính phủ cần quan tâm đánh giá tình hình và sớm có giải pháp hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện hiệu quả và nâng cao tính hấp dẫn của chính sách BHYT, cần tập trung tăng cường năng lực y tế cơ sở, đảm bảo chất lượng dịch vụ KCB, đồng thời với nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu; triển khai việc quản lý sức khỏe cá nhân thông qua lập hồ sơ quản lý sức khỏe do Quỹ BHYT chi trả; tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính theo hướng đầu tư trực tiếp cho người thụ hưởng dịch vụ y tế thông qua hình thức hỗ trợ tham gia BHYT…
         
Ngày 16/6/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTg về việc lấy ngày 01/7 hằng năm là Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam. Đây là dịp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay, góp sức thực hiện tốt Luật BHYT với lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội, vì an sinh đất nước. Đây cũng là dịp để quán triệt sâu sắc và nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của chính sách BHYT - một bộ phận quan trọng trong chính sách tài chính y tế quốc gia, một trong những phương thức xã hội hóa công tác y tế thông qua việc huy động đóng góp của người dân cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, tạo nguồn tài chính cho hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam 01/7: Khẳng định vai trò trụ cột của chính sách bảo hiểm y tế trong hệ thống an sinh xã hội