Nâng cao trách nhiệm, đẩy mạnh công tác mua sắm thuốc, vật tư y tế đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh

(BKTO) - Nhận diện tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh (KCB) chủ yếu do nguyên nhân chủ quan, Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đơn vị phải chủ động tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hoá, dịch vụ. Các đơn vị phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế phục vụ cho công tác KCB và phòng, chống bệnh dịch.



                
   

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế gây ảnh hưởng đến công tác KCB và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ảnh minh họa: TTXVN

   

Chậm triển khai công tác đấu thầu

Thời gian gần đây, qua phản ánh của các cơ quan báo chí và báo cáo của địa phương, đơn vị cho thấy, thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang diễn ra, gây ảnh hưởng đến công tác KCB và chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung, công tác phòng, chống dịch bệnh nói riêng.

Tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Y tế với các bệnh viện trực thuộc Bộ và Sở Y tế các tỉnh, thành phố về thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các địa phương, diễn ra mới đây, ông Nguyễn Hoàng Long - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, thống kê từ 34/63 sở y tế, 21/39 bệnh viện tuyến Trung ương và 2 bệnh viện trực thuộc trường đại học cho thấy: 28/34 sở y tế báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương, 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại đơn vị.

Bên cạnh đó, có 26/34 sở y tế và 15/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất; trong đó chủ yếu là thiếu hóa chất dùng xét nghiệm. Có 14/34 sở y tế và 8/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế như: Thiết bị phòng mổ, thiết bị chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm chuyên sâu.

Đáng chú ý, tại TP. HCM thời điểm này dịch sốt xuất huyết đang diễn biến hết sức phức tạp với số ca mắc gia tăng nhanh thì một số loại thuốc sử dụng trong điều trị sốt xuất huyết cũng bị thiếu, đứt nguồn cung, gây ra không ít khó khăn cho các cơ sở y tế. Tại buổi làm việc với Đoàn công tác Bộ Y tế mới đây, các cơ sở y tế trên địa bàn TP. HCM phản ánh, tình trạng thiếu dung dịch cao phân tử trong điều trị sốt xuất huyết như HES 200, Dextran 40, Dextran 70 và các thuốc vận mạch (như Dopamin) diễn ra tại nhiều nơi. Hiện các bệnh viện đang sử dụng một số thuốc thay thế nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn…

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, một phần do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng. Bên cạnh đó, một số nước áp dụng các biện pháp chống lạm phát… đã gây ảnh hưởng đến việc cung ứng và giá thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân chủ quan là chính. Đó là việc tổ chức đấu thầu tập trung chậm được triển khai; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế thị trường; chậm gia hạn đăng ký thuốc; công tác kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa tích cực, quyết liệt; sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ; một số cán bộ, ngành, địa phương thiếu mạnh mẽ, sợ trách nhiệm, không dám làm…

Quyết liệt triển khai các giải pháp

Chỉ đạo giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế mới đây, Thường trực Chính phủ yêu cầu, Bộ Y tế khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan hữu quan rà soát tổng thể các quy định hiện hành liên quan đến hoạt động mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, chủ trương xã hội hoá, hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế để ban hành trước ngày 4/7/2022 các quy định, hướng dẫn theo thẩm quyền nhằm khắc phục ngay tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế tại nhiều cơ sở KCB hiện nay, đáp ứng yêu cầu KCB cho người dân; kịp thời đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Đồng thời, khẩn trương tổ chức thực hiện đấu thầu tập trung thuốc ở Trung ương; chỉ đạo các tỉnh, thành phố, các cơ sở y tế khẩn trương tổ chức đấu thầu thuốc theo đúng quy định, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm.

Với tinh thần đó, Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị các địa phương, đơn vị phải chủ động tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hoá, dịch vụ, xử lý tình huống theo thẩm quyền, tuân thủ đúng quy định và các văn bản hướng dẫn hiện hành về công tác đấu thầu. Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế phục vụ cho công tác KCB và phòng, chống bệnh dịch.

Bộ Y tế cũng yêu cầu Trung tâm Mua sắm tập trung Quốc gia khẩn trương hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc thuộc Danh mục đấu thầu tập trung cấp Quốc gia, Danh mục đàm phán giá đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Các đơn vị thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu và đăng tải kết quả đấu thầu theo quy định.

“Trong thời gian chưa có kết quả đấu thầu tập trung cấp Quốc gia và đàm phán giá, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và y tế các Bộ, ngành thực hiện tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập” – Bộ Y tế nêu rõ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, cùng với việc chủ động đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị tăng cường năng lực, hiệu quả công tác đấu thầu, mua sắm, Bộ Y tế cũng đang tập trung đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá thuốc và trang thiết bị y tế… Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành cho 963 thuốc. Đồng thời tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận đăng ký thuốc, giải quyết các hồ sơ tồn đọng theo đúng quy định; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện để ban hành các văn bản liên quan đến đẩy mạnh cấp phép lưu hành.

Bộ Y tế thực hiện cấp phép nhanh nhất khi có đề nghị của các cơ sở nhập khẩu, cơ sở KCB đối với các thuốc hiếm về nguồn cung, sử dụng cho bệnh hiếm, nhu cầu điều trị của bệnh viện. Đối với một số thuốc hiếm, nguồn cung ít, Bộ Y tế làm việc trực tiếp với cơ sở KCB và các nhà sản xuất, cung cấp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc...

Từ góc độ cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm cao nhất để phối hợp chặt chẽ với ngành y tế đảm bảo ngay việc cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ cho công tác KCB BHYT; tuyệt đối không để người bệnh BHYT phải tự mua các thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục được hưởng.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Nâng cao trách nhiệm, đẩy mạnh công tác mua sắm thuốc, vật tư y tế đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh