Lời cảnh báo từ WHO: Virus SARS CoV-2 có thể sẽ không bao giờ biến mất

(BKTO) - Chuyên gia khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đưa ra lời cảnh báo, có nhiều khả năng virus Corona mới sẽ giống như HIV - không thể tiêu diệt và nhân loại sẽ phải học cách sống chung với nó.



Lời cảnh báo được Giám đốc điều hành và là người đứng đầu Chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới Mike Ryan đưa ra trong cuộc họp báo tại trụ sở của tổ chức này tại Geneva, Thụy Sỹ.

Theo ông Mike Ryan, virus SARS CoV-2 có thể sẽ trở thành một virus tồn tại mãi với con người, như virus HIV xuất hiện cách đây hơn 30 năm.

“Virus SARS CoV-2 này có thể sẽ trở thành một loại virus mãn tính trong cộng đồng chúng ta và sẽ không bao giờ biến mất. Virus HIV cũng không biến mất nhưng chúng ta đã hiểu biết về nó và đã tìm ra các phương pháp điều trị, các biện pháp phòng ngừa và mọi người không còn cảm thấy quá sợ hãi như trước kia. Tôi không muốn so sánh hai loại dịch bệnh, nhưng điều quan trọng là phải thực tế. Tôi nghĩ không có ai và có cách nào dự đoán được khi nào thì dịch bệnh này sẽ biến mất”- ông Mike Ryan nói.
                
   

Hình ảnh quét kính hiển vi điện tử của virus Corona mới

   

Bệnh dịch đang dần được kiểm soát

Dù các ca bệnh vẫn tăng lên mỗi ngày, nhưng WHO nhận định, thế giới đã kiểm soát được cách đối phó với Covid-19.

Hơn 100 loại vaccine tiềm năng đang được phát triển, bao gồm một số thử nghiệm lâm sàng, tuy nhiên các chuyên gia cũng nhấn mạnh những khó khăn trong việc tìm kiếm vaccine có hiệu quả chống lại coronavirus.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chia sẻ, ban đầu tổ chức này chỉ dám nghĩ đến việc có được vaccine phòng ngừa virus chết người SARS-CoV-2 sau từ 12-18 tháng. Tuy nhiên, những nỗ lực tăng tốc đang được tiến hành khi vào tuần trước, giới lãnh đạo đến từ 40 quốc gia, các tổ chức và ngân hàng đã cam kết hỗ trợ 8 tỷ USD để nghiên cứu, thử nghiệm tìm ra vaccine ngừa Covid-19.

Theo ông Tedros, 8 tỷ USD là không đủ và sẽ cần thêm để tăng tốc độ chế tạo vaccine, nhưng quan trọng hơn là phải sản xuất đủ số lượng để đảm bảo vaccine có thể đến được với tất cả mọi người, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tổng giám đốc WHO cũng nhấn mạnh: "trước khi vaccine được chế tạo thành công, tất cả chúng ta đều cần có ý thức góp phần ngăn chặn đại dịch này. Dù đang có những chuyển biến tích cực, nhưng chúng ta vẫn cần phải kiểm soát rất chặt chẽ và cẩn thận đánh giá các rủi ro có thể xảy ra”.

Bài toán khó dành cho chính phủ

Đến thời điểm hiện tại, cách ly xã hội đang là biện pháp duy nhất và hữu hiệu trong việc phòng chống virus, tuy nhiên cách ly xã hội cũng khiến nền kinh tế toàn cầu bị đóng băng, hàng triệu người mất việc làm. Chính phủ các nước trên thế giới vẫn đang vật lộn với câu hỏi làm thế nào để mở cửa lại nền kinh tế trong khi virus vẫn tiếp tục lây lan. Theo thống kê của Reuters, Covid-19 đã lây nhiễm cho hơn 4,4 triệu người với hơn 297.000 ca tử vong.

Liên minh châu Âu mới đây đã đưa ra các quyết định nới lỏng dãn cách xã hội và mở lại dần đường biên giới giữa các nước trong khối đã bị đóng cửa suốt thời gian qua vì đại dịch, với hi vọng rằng vẫn chưa quá muộn để cứu vãn ngành du lịch.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế công cộng cho rằng, cần hết sức thận trọng để tránh những đợt bùng phát mới. "Chúng ta cần phải xác định rằng sẽ mất một khoảng thời gian dài để có thể thoát khỏi đại dịch này", nhà dịch tễ học của WHO Maria van Kerkhove nói trong cuộc họp, “mức độ rủi ro của Covid-19 hiện nay vẫn là rất cao ở cả cấp độ quốc gia, khu vực và thế giới".

Giám đốc điều hành WHO Mike Ryan cũng đánh giá, nếu các nước phải ứng phó với một đợt bùng phát thứ 2 của dịch Covid-19 thì hậu quả sẽ lớn hơn so với đợt bùng phát đầu tiên vì khi đó sẽ kéo theo vòng xoáy khủng hoảng y tế-kinh tế trầm trọng hơn.

Bên cạnh đó, Tổng giám đốc WHO Tedros cũng nhấn mạnh rằng trong khi cần tiếp tục đưa ra các phản ứng mang tính cấp bách đối phó với đại dịch Covid-19, các quốc gia cũng cần phải đặt nền móng cho một thế giới lành mạnh, an toàn và công bằng hơn.

Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Amina Mohammed nhất trí với quan điểm cho rằng các quốc gia phải cùng nhau hợp tác trong việc ứng phó với đại dịch bởi các nước đều có liên kết với nhau. Tuy nhiên, trước mắt phải dành sự ưu tiên cho các quốc gia, cộng đồng người dễ bị tổn thương nhất.

Bà Amina Mohammed kêu gọi một chương trình xóa nợ cho các nước dễ bị tổn thương, qua đó giúp nền kinh tế của họ có thể phục hồi. Theo Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, các biện pháp bảo vệ và kích thích nền kinh tế nên nhằm vào đối tượng là phụ nữ - đối tượng chiếm phần đông trong số những người trong nền kinh tế phi chính thức chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
AN CHI (theo https://www.trtworld.com)
Cùng chuyên mục
  • Sẽ ra sao nếu không bao giờ có vaccine ngừa Covid-19?
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Khi nhiều quốc gia vẫn đang tiếp tục bị phong tỏa bởi đại dịch Covid-19 và hàng tỷ người dân mất việc làm, cả thế giới đang hy vọng một bước đột phá khoa học sẽ đánh dấu sự kết thúc của đại dịch Covid-19, đó là nghiên cứu và điều chế thành công vaccine. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra khi vaccine ngừa SARS-CoV-2- virus đã lây nhiễm cho hơn 4 triệu người trên toàn cầu - sẽ không được điều chế thành công?
  • Nhiều đề xuất mới trong quy chế đào tạo trình độ đại học
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Quy chế đào tạo trình độ đại học, trong đó có bổ sung nhiều đề xuất mới.
  • Đổi mới phương thức quản lý hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ 4 và vấn đề số hóa đối với lao động di cư, việc sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là yêu cầu cấp thiết nhằm đổi mới một cách căn bản phương thức quản lý hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, để phù hợp với những tiến bộ mới về khoa học công nghệ, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân.
  • Tuyên truyền kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Công tác tuyên truyền kỷ niệm cần đa dạng, phong phú, có sức lan tỏa sâu rộng, tương xứng với tầm vóc lịch sử, thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn với tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ, sự kiện lịch sử, chính trị quan trọng của đất nước, góp phần tạo nên không khí phấn khởi thi đua và sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của các cấp, ngành, đoàn thể từ Trung ương tới địa phương, cơ sở.
  • Trên 3,8 triệu ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6 giờ sáng 7/5 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 3.810.774 ca mắc Covid-19. Như vậy, chỉ trong 24 giờ qua đã có thêm 84.734 người mắc bệnh và 5.870 người chết trên toàn thế giới. Trong khi đó, Việt Nam cùng 4 quốc gia khác đã tạo nên kỳ tích trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 nhờ việc áp dụng nhiều biện pháp hiệu quả.
Lời cảnh báo từ WHO: Virus SARS CoV-2 có thể sẽ không bao giờ biến mất