KTNN đề nghị điều tra làm rõ hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Sở Y tế tỉnh Bình Dương

(BKTO) - Ngày 26/11, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã có văn bản số 1330/KTNN-CNVII gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra- Bộ Công an đề nghị điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Sở Y tế tỉnh Bình Dương.




Hình ảnh minh họa

Văn bản nêu rõ, thực hiện Kế hoạch kiểm toán năm 2018, KTNN đã tiến hành kiểm toán chuyên đề về việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2017 và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Qua kiểm toán Quỹ BHYT tại Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Bình Dương, KTNN đã phát hiện một số sai phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Sở Y tế tỉnh Bình Dương (Chủ đầu tư) trong việc đấu thầu thuốc và vật tư y tế đã thực hiện năm 2017.

Lựa chọn hình thức mua sắm trực tiếp trái quy định

Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã thực hiện lựa chọn nhà thầu bằng hình thức mua sắm trực tiếp mà không qua đấu thầu rộng rãi đối với 02 gói thầu: Gói thầu mua sắm trực tiếp thuốc chữa bệnh cho các cơ sở y tế công lập và các cơ sở y tế ngoài công lập theo Quyết định số 3685/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND tỉnh Bình Dương; Gói thầu mua sắm trực tiếp thuốc từ dược liệu, thuốc đông y và thuốc y học cổ truyền theo Quyết định số 3701/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND tỉnh Bình Dương với tổng giá trị là 679.147.125.430 đồng, trái quy định tại khoản 3, Điều 29 Thông tư số 11/2016/TT-BYT ngày 11/05/2016 của Bộ Y tế.

Sở Y tế tỉnh Bình Dương cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt hình thức lựa chọn nhà thầu cung cấp vật tư y tế thuộc Gói thầu mua sắm trực tiếp vật tư y tế tiêu hao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương theo Quyết định số 2671/QĐ-UBND ngày 4/10/2017 của UBND tỉnh Bình Dương với tổng giá trị là 2.225.820.130 đồng bằng hình thức mua sắm trực tiếp, trái quy định tại khoản 2, Điều 24 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13.

Theo quy định hình thức mua sắm trực tiếp chỉ được áp dụng khi nhà thầu đã trúng thầu thông qua đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế và đã ký hợp đồng thực hiện gói thầu trước đó. Thời hạn từ khi ký hợp đồng của gói thầu trước đến ngày phê duyệt kết quả mua sắm trực tiếp không quá 12 tháng. Trong khi, trong vòng 12 tháng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương không thực hiện đấu thầu các gói thầu tương tự, không ký hợp đồng mà sử dụng kết quả mức giá trúng thầu vật tư y tế của các bệnh viện khác trên địa bàn để áp dụng giá mua sắm trực tiếp vật tư y tế năm 2017.

Sở Y tế tỉnh Bình Dương cũng đã lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đánh giá, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu không mời BHXH tỉnh Bình Dương tham gia là vi phạm khoản 3, Điều 77 Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã tổ chức chấm thầu và lựa chọn nhà thầu cung cấp 224 mặt hàng thuốc trái quy định, có giá cao hơn nhiều so với giá thuốc quy định tại hồ sơ thầu dẫn đến thiệt hại cho Quỹ BHYT khoảng 4.883.597.772 đồng (theo tính toán của BHXH tỉnh Bình Dương), cụ thể: Khi chấm thầu không thực hiện việc kiểm tra, so sánh giá thuốc dự thầu của các nhà thầu với giá trúng thầu tại các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ theo quy định của hồ sơ thầu.

Lựa chọn loại thuốc đấu thầu có dấu hiệu vi phạm Luật Đấu thầu

Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã tham mưu cho UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt lựa chọn đưa vào kế hoạch đấu thầu nhiều loại thuốc có hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp, thành phần hoạt chất không phổ biến trên thị trường có giá cao trái quy định tại khoản 2, Điều 12, Nghị định số 63/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu: “Trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”. Nếu so sánh với giá thuốc có tác dụng tương đương phổ biến trên thị trường cao hơn 9.352.944.000 đồng, làm thiệt hại lớn cho Quỹ BHYT.

Ngoài ra, Sở Y tế tỉnh Bình Dương lựa chọn đấu thầu và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu một số loại thuốc với giá trị khoảng 2.680.869.000 đồng trái với cảnh báo của Cục Quản lý dược- Bộ Y tế về tính an toàn và hiệu quả.

KTNN nhận định, những sai phạm trên là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Sở Y tế tỉnh Bình Dương được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán việc quản lý và sử dụng quỹ BHYT tại tỉnh Bình Dương. KTNN đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra- Bộ Công an điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo cho KTNN biết kết quả điều tra, xử lý.

ĐỨC HIẾU
Cùng chuyên mục
  • Hà Nội mở rộng xét nghiệm HIV tới 95% xã, phường
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 27/11, bà Lã Thị Lan- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Thành phố Hà Nội cho biết, năm 2018, ngành y tế đã mở rộng các cơ sở xét nghiệm HIV đến tất cả các quận, huyện và 95% xã phường.
  • Bệnh viện Việt Đức khám, tư vấn miễn phí cho nam giới mắc vô sinh
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Với mục tiêu chung tay cùng cộng đồng nâng cao nhận thức về vô sinh, hiếm muộn trong bối cảnh tỷ lệ người mắc phải đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam, vào ngày 15/12, Trung tâm Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ tổ chức chương trình Khám, tư vấn và siêu âm miễn phí vô sinh hiếm muộn cho nam giới.
  • Phòng chống bệnh đái tháo đường cần sự tham gia của mọi người dân
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại Hội nghị cấp bộ trưởng về Phòng chống bệnh đái tháo đường được tổ chức tại Singapore ngày 26 và 27/11.
  • Hỗ trợ 12.000 trẻ cải thiện suy dinh dưỡng, thấp còi
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Với mong muốn giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi, cải thiện tầm vóc trẻ em Việt Nam, Hội Nhi Khoa Việt Nam phối hợp cùng nhãn hàng Vinamilk Dielac Grow Plus triển khai “Hành trình giúp trẻ thoát nhanh suy dinh dưỡng, thấp còi, tăng cân sau 3 tháng”.
  • Phát hiện sớm và quản lý bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại cộng đồng
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Hen và bệnh phối tắc nghẽn mạn tính (COPD) đang là các bệnh hô hấp mạn tính đứng hàng đầu trong mô hình bệnh tật và đang là gánh nặng cho y tế và xã hội. Là một trong những nước có có tỷ lệ mắc, tử vong, chịu gánh nặng bệnh tật do Hen và COPD cao nhất trên thế giới nhưng hiện nay ở Việt Nam, rất nhiều bệnh nhân không điều trị dự phòng kiểm soát hen mà chỉ tập trung điều trị đợt cấp khiến chi phí điều trị cao và có thể gây lên những biến chứng.
KTNN đề nghị điều tra làm rõ hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Sở Y tế tỉnh Bình Dương