Khẩn trương rà soát các quy định về mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế

(BKTO) - Yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các Bộ, ngành về các giải pháp bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư y tế và bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế, chiều 23/6.



                
   

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Chính phủ

   

Sau khi lắng nghe các ý kiến, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế là vấn đề nghiêm trọng, đang diễn ra tại nhiều nơi, khiến người dân lo lắng. Chính phủ đã nắm được qua các báo cáo, phản ánh của người dân, các cơ quan báo chí và đã nhiều lần chỉ đạo Bộ Y tế thống kê, đánh giá một cách khoa học, thực tiễn, khách quan, trung thực và có hướng khắc phục kịp thời. Thủ tướng cũng đã giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo xử lý vấn đề này.

Trước tình hình còn nghiêm trọng, cuộc họp hôm nay tiếp tục đánh giá sát tình hình, diễn biến, phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, thảo luận các giải pháp, thúc đẩy các công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Các ý kiến tại cuộc họp đã phân tích kỹ các nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế ở một số nơi.

Với mục tiêu chăm sóc, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết, trước hết, Thủ tướng đề nghị trước mắt Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, các Bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát tổng thể các quy định hiện hành liên quan tới việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, trên cơ sở đó chủ động, tích cực xử lý, ban hành các văn bản theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền, chỉ rõ các nội dung vướng mắc, nằm ở đâu, ai giải quyết.

Bộ Y tế khẩn trương triển khai các nội dung dành cho ngành y tế trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với kinh phí khoảng 14.000 tỷ đồng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo Bộ Y tế và các Bộ triển khai theo đúng tinh thần các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ các nội dung vượt thẩm quyền, xây dựng Dự thảo Nghị quyết để Chính phủ có nghị quyết chỉ đạo ngay về vấn đề này.

Bộ Y tế rà soát, cùng các cơ quan tổ chức thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về đấu thầu tập trung tại Trung ương và địa phương, nếu có vướng mắc thì tham khảo ý kiến các Bộ, ngành, bảo đảm cung ứng thuốc đầy đủ cho các cơ sở y tế, trên tinh thần công khai, minh bạch, rõ ràng, chống tiêu cực.

Bộ Y tế rà soát lại, chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước tại các đơn vị liên quan tới lĩnh vực dược, bảo đảm không chậm trễ cấp phép thuốc, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định, cắt giảm, đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính, trên tinh thần "bảo đảm an toàn cho người dân, người bệnh là trên hết, trước hết", theo các quy luật của cơ chế thị trường, góp phần giảm chi phí đầu vào, giá thành sản phẩm.

Bộ Y tế, các cơ quan đẩy mạnh phân cấp mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế trên cơ sở ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát; quy định rõ ràng, minh bạch danh mục mua sắm tập trung và mua sắm phân cấp để các cấp, các đơn vị liên quan dễ thực hiện.

Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, các Bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ Y tế xem xét, bổ sung các văn bản, quy định liên quan theo thẩm quyền và quy định của pháp luật như quy định về đấu thầu, giá cả… hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ để người thực hiện yên tâm, khuyến khích người dám nghĩ dám làm và xử lý nghiêm người trục lợi; vận dụng hết công cụ quản lý giá để phục vụ mua sắm, đấu thầu và chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Về tình trạng một số cán bộ, nhân viên cơ sở y tế công lập xin nghỉ việc, Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề nhân lực ngành y phải có giải pháp đồng bộ, tổng thể, toàn diện, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, cân đối, hài hòa với các lĩnh vực, ngành nghề khác.

Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp rà soát quy định về số lượng người làm việc, cơ cấu, tổ chức, bộ máy của các đơn vị trong ngành y; hoàn thiện các chính sách, xây dựng khung pháp lý rõ ràng hơn cho hợp tác công tư, đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, thu hút y tế tư nhân tham gia nhiều hơn vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân; củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở.

Khẩn trương thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy định; sớm rà soát, tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bộ Y tế, Bộ Nội vụ khẩn trương hướng dẫn thành lập các trạm y tế theo kết luận của Bộ Chính trị là không tổ chức trạm y tế theo đơn vị hành chính, mà theo quy mô dân số, khi số dân của một số phường tương đương một huyện.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế sớm đánh giá tình trạng mất cân đối về nhân lực, dự báo nhu cầu sắp tới, có phương án chủ động phù hợp để cân đối giữa các địa bàn, giữa các tuyến xã, huyện, tỉnh, giữa khám chữa bệnh và y tế dự phòng, giữa các chuyên ngành khác nhau…

Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nội vụ bố trí đủ người làm việc đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, nguyên tắc là "ở đâu có bệnh nhân ở đó phải có người chữa bệnh" trên cơ sở tính toán khoa học, hợp lý, hiệu quả.

Thủ tướng giao các cơ quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định số 56/2011/NĐ-CP về chế độ phụ cấp ưu đãi cho công chức, viên chức ngành y tế, bảo đảm tuân thủ quy định của Đảng; sớm ban hành chính sách hỗ trợ nhân viên y tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Bộ Y tế xây dựng phương án tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế để tăng nguồn thu cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, trên cơ sở khoa học và thực tiễn, tầm nhìn dài hạn…/.

HỒNG NHUNG


Cùng chuyên mục
  • Nhiều bất cập trong dự toán thu, chi NSNN năm 2020
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Tình trạng dự toán thu NSNN chưa sát với thực tế, chưa bao quát hết nguồn thu tiếp tục diễn ra; dự toán chi phải điều chỉnh nhiều lần do xây dựng kế hoạch vốn chưa chính xác. Cùng với vấn đề nổi cộm là giao kế hoạch vốn chậm thì những bất cập như bố trí vốn cho dự án không có trong kế hoạch, phân bổ vốn vượt kế hoạch, vượt mức quy định, không đúng đối tượng, không đúng tính chất nguồn vốn… đã được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra qua kiểm toán quyết toán NSNN năm 2020.
  • Lãnh đạo Việt Nam và Campuchia trao đổi Thư mừng kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Campuchia (24/6/1967 - 24/6/2022) và chào mừng Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã trao đổi Thư mừng.
  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Chống tham nhũng phải kiên trì, nhân văn, bài bản và thuyết phục
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Ngày 23/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội - Đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc cử tri các quận: Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng, sau Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.
  • Thật sự là đại biểu chân chính của nhân dân
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị luôn tìm mọi cách phá hoại cách mạng Việt Nam, trong đó, Quốc hội là một mục tiêu chống phá quyết liệt của chúng. Chúng dùng nhiều thủ đoạn vu khống, xuyên tạc, nói xấu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Chúng xuyên tạc: Đảng lập ra Quốc hội là: “Chỉ để cho có vẻ khác với chế độ phong kiến” và “gây tốn tiền dân”. Chúng nói bừa rằng: Đại biểu Quốc hội “kém chất lượng, không đại diện cho dân”. Thậm chí, chúng còn trắng trợn vu cáo “đại biểu Quốc hội đều tham nhũng và hủ bại như nhau”…
  • Thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Mozambique
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Sáng 22/6, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Chủ tịch Quốc hội Mozambique Esperanca Laurinda Francisco Nhiuane Bias.
Khẩn trương rà soát các quy định về mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế