Hướng đến mục tiêu già hóa khỏe mạnh

(BKTO) - Nhờ những thành quả tích cực của phát triển kinh tế, chăm sóc y tế và phúc lợi xã hội, tuổi thọ người dân và tỷ lệ người cao tuổi (NCT) ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, việc tăng quá nhanh số NCT đang là thách thức đối với hệ thống y tế trong việc phải bảo đảm quyền, khả năng tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội và an toàn cho NCT.



Người cao tuổi thường mắc từ 3-5 bệnh

Theo Báo cáo tổng quan ngành y tế năm 2016 với chủ đề “Hướng tới mục tiêu già hóa khỏe mạnh ở Việt Nam”, trong hơn 50 năm qua, nhờ tuổi thọ được nâng cao, từ 44,4 tuổi năm 1960 lên 73,2 tuổi năm 2014 và mức sinh giảm rõ rệt tương ứng từ 7 con xuống 2,09 con nên quy mô và cơ cấu tuổi của dân số Việt Nam đã có những biến động mạnh mẽ. Trong giai đoạn 1979- 2015, dân số tăng từ 53,7 triệu lên 91,5 triệu người; đồng thời, số NCT tăng tương ứng từ dưới 4 triệu (6,9% dân số) lên 10,35 triệu (11,3% dân số).

Từ năm 2012, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già khi số người từ 60 tuổi trở lên chiếm đến 10,2% tổng dân số và dự báo sẽ trở thành nước có dân số rất già năm 2038 với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt 20,1%. Dự báo đến năm 2049, tỷ lệ NCT sẽ chiếm khoảng 25% dân số, tức là cứ 4 người dân có một người cao tuổi. Khi đó, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động (15 - 59) sẽ giảm từ 65% năm 2015 xuống còn 57% năm 2049.

Chỉ số già hóa của dân số Việt Nam đã tăng mạnh lên gấp hơn 2,8 lần trong giai đoạn 1979 - 2015, từ 17 lên đến 47. Đến năm 2049, chỉ số già hóa sẽ tăng lên tới 138, tức là cứ 100 trẻ em dưới 15 tuổi sẽ có 138 người 60 tuổi trở lên.

Tuy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng cao, song theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chênh lệch giữa tuổi thọ và tuổi thọ khỏe mạnh ở Việt Nam, tức là số năm trung bình sống có bệnh tật, tương đối cao so với các nước khác. Ở Việt Nam, nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm.

Nguyên nhân gánh nặng bệnh tật có thể chia thành ba nhóm lớn: bệnh truyền nhiễm và rối loạn dinh dưỡng, bệnh không lây nhiễm (BKLN) và tai nạn, chấn thương. Mỗi người NCT thường mắc từ 3-5 bệnh, trong đó, các bệnh không lây nhiễm có tỷ lệ lớn. Các bệnh này gây tỷ lệ tử vong cao, để lại nhiều di chứng, gánh nặng cho gia đình, xã hội với 4 nhóm bệnh chính. Theo đó, 49,7% NCT mắc các bệnh lý cơ xương khớp (loãng xương, viêm khớp, gout…); khoảng 25% người trên 60 tuổi mắc bệnh lý tim mạch, nổi bật là tăng huyết áp với sự gia tăng nhanh chóng về tỷ lệ mắc. Ngoài ra, có tới 25% NCT mắc đái tháo đường. Bệnh này khi kèm tăng huyết áp, trong nhóm bệnh rối loạn chuyển hoá gây nhiều biến chứng nặng nề; 24% NCT sống chung với ung thư. Các bệnh lý hô hấp NCT cũng hay mắc phải như: bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản… cũng chiếm tới 11%. Bên cạnh đó, NCT khi sức khoẻ, đề kháng, miễn dịch suy giảm, cũng rất hay mắc các bệnh lý nhiễm trùng như viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu, tiêu hoá…
                
   

Cần quan tâm đến công tác sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật ở NCT để điều trị kịp thời- Ảnh: Đ. Khoa

   
Theo nghiên cứu, các bệnh không lây nhiễm ở NCT chủ yếu là các bệnh mạn tính, phải điều trị kéo dài, thậm chí suốt đời, cần một khoản chi phí khá lớn. Tuy nhiên, hiện nay, không phải NCT nào cũng tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT), trừ những đối tượng được Nhà nước hỗ trợ. Với hai phần ba số người cao tuổi với NCT sống ở nông thôn, đời sống còn nhiều khó khăn, nếu không có BHYT sẽ rất khó đảm bảo cho quá trình điều trị bệnh.

Những vấn đề cần ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Cũng theo Báo cáo tổng quan ngành y tế năm 2016, với gánh nặng bệnh tật, nhu cầu sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của NCT hiện nay là rất lớn, chủ yếu ở tuyến cơ sở, tập trung vào việc dự phòng, nâng cao sức khoẻ, sàng lọc, phát hiện, quản lý điều trị, phục hồi chức năng với các bệnh không lây nhiễm và các tình trạng giảm chức năng.

Tuy nhiên, hiện nay quy mô tổ chức của mạng lưới lão khoa còn hết sức khiêm tốn, nguồn nhân lực còn rất hạn chế. Trong khi đó, tổ chức và cơ chế hoạt động của hệ thống y tế còn thiếu sự kết nối ảnh hưởng đến khả năng chăm sóc sức khoẻ toàn diện, liên tục cho NCT. Y tế cơ sở và y tế dự phòng chưa được chuẩn bị đầy đủ để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ngày càng tăng của NCT; chưa được đào tạo kiến thức và kỹ năng về chăm sóc sức khỏe cho NCT; năng lực trong việc cung cấp các dịch vụ dự phòng, khám sức khoẻ định kỳ, khám sàng lọc phát hiện và quản lý điều trị nhằm kiểm soát các bệnh không lây nhiễm nói chung còn hạn chế. Một số dịch vụ chăm sóc sức khỏe đặc thù cho NCT như PHCN tại cộng đồng, chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc cuối đời, chăm sóc tại nhà chưa được quan tâm đúng mức.

Vì vậy, các chuyên gia y tế cho rằng, để đạt mục tiêu già hóa khỏe mạnh, Việt Nam cần lựa chọn một số vấn đề sức khoẻ ưu tiên ở NCT cần quan tâm giải quyết. Việc lựa chọn các vấn đề ưu tiên dựa trên thực trạng về mô hình bệnh tật và suy giảm chức năng ở NCT, bao gồm: các vấn đề sức khỏe có thể dự phòng được; các vấn đề sức khỏe có thể phát hiện sớm và quản lý có hiệu quả để giảm tác hại của bệnh; các vấn đề sức khỏe gây giảm năng lực lớn cần tác động đảo ngược hoặc làm chậm sự tiến triển; các bệnh mạn tính đã tiến triển làm giảm năng lực nghiêm trọng, cần chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc cuối đời.

Công tác chăm sóc sức khỏe NCT cần tập trung vào việc phát hiện sớm, điều trị bệnh kịp thời, giúp cho việc điều trị bệnh thuận lợi hơn đồng thời làm giảm các biến chứng do bệnh gây ra. Trong nhiệm vụ này, nỗ lực chính tập trung vào việc sàng lọc, kiểm soát, quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng để đối phó với sự gia tăng nhanh của bệnh không lây nhiễm, làm giảm nguy cơ xuất hiện các cơn cấp tính; ngăn ngừa, phát hiện biến chứng của bệnh. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tư vấn sức khỏe và phục hồi chức năng tại cộng đồng góp phần làm giảm gánh nặng bệnh tật, tăng chất lượng cuộc sống.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
  • Công tác dân số đạt nhiều thành tựu nổi bật
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Việt Nam hiện đang là một trong 5 nước đang phát triển có mức tử vong bà mẹ, trẻ em giảm nhanh nhất trên thế giới; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm nhanh; tuổi thọ bình quân của người dân tăng lên… Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng dân số thì các chuyên gia cho rằng Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức trước mắt, đặc biệt là các biện pháp kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ).
  • Hơn 97% phụ nữ có thai được quản lý thai nghén
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản năm 2018 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 do Vụ Sức khỏe Bà mẹ- Trẻ em (Bộ Y tế) tổ chức mới đây.
  • Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong công tác phòng, chống bệnh Lao
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bệnh Lao là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất ở Việt Nam. Tuy nhiên, được sự quan tâm và ủng hộ cho các nỗ lực trong việc quản lý bệnh Lao một cách có chiến lược, Việt Nam đã tăng cường hệ thống chẩn đoán và chăm sóc bệnh Lao, với tỷ lệ bao phủ điều trị Lao đạt 82% trong năm 2017 tiến gần đến mục tiêu đạt 90% vào năm 2022.
  • Năm 2025, Khu du lịch Đankia- Suối Vàng hướng đến mục tiêu doanh thu trên 1200 tỷ đồng
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Đây là một trong những nội dung trong Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Đankia- Suối Vàng, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành.
  • Dành hơn 362 tỷ đồng tặng quà Tết cho người có công
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý ủy quyền Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch nước xem xét tặng quà cho đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 như đề nghị của Bộ.
Hướng đến mục tiêu già hóa khỏe mạnh