Dự án quân dân y kết hợp: Góp phần nâng cao năng lực y tế cơ sở tuyến biển đảo, biên giới

(BKTO) - Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng vừa tổ chức Hội nghị sơ kết giữa kỳ Dự án Quân dân y kết hợp thuộc chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020. Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Dự án, Hội nghị đã đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện để đạt các mục tiêu Dự án đã được Chính phủ giao.



Nhiều kết quả đáng khích lệ

Dự án Quân dân y kết hợp là một trong 8 dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu Y tế- Dân số giai đoạn 2016 -2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu chung của Dự án là tạo điều kiện cho người dân sinh sống ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo, vùng trọng điểm quốc phòng- an ninh được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng ngày càng cao và tăng cường khả năng đáp ứng của ngành y tế trong các tình huống khẩn cấp.
                
   

Quang cảnh Hội nghị - Ảnh: N. Thuý

   
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, từ năm 2016 đến nay, việc thực hiện Dự án đã đạt được những kết quả quan trọng, như: Hoàn thiện Ban quân dân y cấp Bộ, cấp quân khu và tuyến tỉnh; thành lập trung tâm y tế quân dân y các huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Cô Tô, Bệnh xá Quân dân y Đảo Thổ Chu; xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 2016-2020 cùng các kế hoạch triển khai hằng năm và hướng dẫn các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện; nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở; tổ chức các tổ, đội cơ động theo hướng gọn nhẹ, chuyên nghiệp, sẵn sàng phản ứng nhanh tham gia khắc phục giảm nhẹ tổn thất do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và các tình huống khẩn cấp.

Điển hình như tại Trung tâm Y tế quân dân y huyện đảo Bạch Long Vĩ, sau hai năm thành lập, Trung tâm đã khám cho khoảng 11.700 lượt người, điều trị nội trú cho gần 1.500 người, ngoại trú gần 10.300 người. Đặc biệt, Trung tâm đã cấp cứu thành công nhiều ca bệnh nặng và khó, như: chửa ngoài tử cung; vỡ, thủng dạ dày; vết thương thấu tạng; đa vết thương; viêm ruột thừa cấp; đứt rời cánh tay…

Cùng với đó, Ban quân dân y các quân khu, tỉnh, thành phố đã chỉ đạo tổ chức hàng trăm phân đội quân y, quân dân y tổ chức cấp cứu, vận chuyển và điều trị, xử lý vệ sinh phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường sau thiên tai lũ lụt; hỗ trợ hoạt động của ban quân dân y quân khu, rà soát xây dựng đơn vị y tế dự bị động viên, hỗ trợ diễn tập khu vực phòng thủ; thực hiện công tác dân vận, các hoạt động nhân đạo, thực hiện chính sách xã hội, tổ chức hàng trăm lượt đoàn y, bác sĩ tới vùng sâu, vùng xa khám chữa bệnh miễn phí cho hàng chục nghìn lượt người dân khu vực vùng sâu, vùng xa, góp phần bảo đảm an ninh khu vực biên giới, hải đảo.

Hỗ trợ kinh phí đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho hơn 1.200 học viên lực lượng quân dân y tại chỗ về kiến thức y học gia đình nhằm đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân và lực lượng vũ trang khu vực biên giới, hải đảo…

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn khẳng định, Dự án đã đánh giá đúng vai trò, tầm quan trọng và thể hiện sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế đối với công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, bộ đội, trong thời kỳ mới.

Trong 03 năm qua, mặc dù kinh phí chưa đáp ứng nhiệm vụ, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân tăng cao, tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm và với những kinh nghiệm của lực lượng quân dân y trên toàn quốc đã bảo đảm cho Dự án được thực hiện hiệu quả, đạt được một số chỉ tiêu quan trọng, đặc biệt trên lĩnh vực hỗ trợ, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở tuyến biển đảo, biên giới và thực hiện chính sách xã hội đối với đồng bào dân tộc, người có công với cách mạng, người nghèo…

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thành mục tiêu Dự án

Bên cạnh những kết quả đạt được, các ý kiến tại Hội nghị cũng nêu lên một số khó khăn, bất cập trong thực hiện Dự án Quân dân y kết hợp. Đó là khả năng đáp ứng của ngành y tế với khu vực biên giới, hải đảo còn hạn chế; nhiều cơ sở y tế xuống cấp; trang thiết bị cũ, lạc hậu, không đồng bộ. Việc đầu tư chuyên sâu của ngành y tế về nhân lực, trang bị cho nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa còn khó khăn, thiếu tính chuyên nghiệp; kinh phí đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; vấn đề triển khai thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) đối với quân nhân cũng còn một số vướng mắc...

Để hoàn thành các chỉ tiêu Chính phủ giao cho Dự án và phát huy hơn nữa sức mạnh tổng hợp của cả quân y và dân y trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho bộ đội và nhân dân, xây dựng tiềm lực y tế - quốc phòng, sẵn sàng đáp ứng khi có các tình huống cần thiết trong thời bình cũng như trong chiến tranh, Hội nghị đã thống nhất trong thời gian tới cần tiếp tục đầu tư cho y tế cơ sở, chú trọng các xã, huyện đảo; đào tạo, tăng cường năng lực quản lý các nhóm bệnh cho tuyến y tế cơ sở, trên cơ sở đào tạo liên tục kiến thức về y học gia đình; đào tạo cập nhật kiến thức về y học thảm họa cho y tế cơ sở và tuyến trung đoàn, sư đoàn; đào tạo kiến thức y tế cho lực lượng dân quân tự vệ...

Đặc biệt, để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong thực hiện Dự án, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn yêu cầu các đơn vị, cơ quan liên quan nghiên cứu, báo cáo điều chỉnh bổ sung ngân sách cho dự án kết hợp quân dân y trong giai đoạn 2019-2020, từ nguồn ngân sách dự phòng của Chương trình; ban hành tiêu chí và quy hoạch hệ thống các phòng khám quân dân y, bệnh xá quân dân y thuộc khu vực biển đảo, biên giới; xin chủ trương việc thành lập Hội quân dân y Việt Nam; phối hợp nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành chính sách thanh toán BHYT cho các cơ sở y tế trên biển, đảo và các phòng khám quân dân y khu vực biên giới….
         
Ngày 12/9/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Nghị định số 118/2018/NĐ-CP quy định về công tác kết hợp quân dân y. Theo đó, Nghị định quy định rõ về công tác kết hợp quân dân y và trách nhiệm thực hiện công tác kết hợp quân dân y trong: phòng chống dịch bệnh; khám, chữa bệnh và thực hiện các chương trình y tế; đảm bảo y tế phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm hoạ; xây dựng lực lượng dự bị động viên và lực lượng huy động ngành y tế. Theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, sự ra đời của Nghị định 118 đánh dấu bước tiến quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của công tác kết hợp quân dân y.
Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Dự án quân dân y kết hợp: Góp phần nâng cao năng lực y tế cơ sở tuyến biển đảo, biên giới