Đẩy mạnh thanh, kiểm tra, xử lý nợ đọng Bảo hiểm xã hội

(BKTO) - Trong khi việc khởi kiện các DN chây ỳ, trốn, nợ đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) đang rơi vào bế tắc, cơ quan BHXH đã tập trung nguồn lực đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc đóng BHXH nhằm kéo giảm tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động.



Truy đóng hơn 6,5 tỷ đồng tiền BHXH cho người lao động

Số liệu của BHXH Việt Nam cho biết, tính đến cuối tháng 4/2018, số nợ BHXH là trên 10.000 tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng 3 và tăng 4,8% so với kế hoạch thu năm 2018. Theo đại diện BHXH Việt Nam, nợ đọng BHXH thường tăng trong những tháng đầu năm, bởi các DN ưu tiên chi tiêu cho thưởng Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, việc một số DN gặp khó khăn, chưa ký được đơn hàng trong những tháng đầu năm và đặc biệt, việc chuyển sang hình thức khoán trong kinh doanh cũng gây khó khăn cho công tác thu hồi nợ.

Mặc dù nợ đọng BHXH thời điểm này gia tăng về số tuyệt đối nhưng theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, tỷ lệ nợ thấp hơn so với cuối năm 2017 (trên 5%) và thực hiện thu nợ tốt hơn. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2018, cơ quan BHXH đã thu được gần 100.000 tỷ đồng, đạt 29% kế hoạch thu năm 2018 Thủ tướng Chính phủ giao.

Để hạn chế tình trạng nợ đọng BHXH, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã triển khai công tác thanh tra, xử phạt nghiêm ngặt, đồng thời định kỳ thông báo tới những đơn vị nợ trong vòng 15 ngày phải trả nợ. BHXH Việt Nam cũng đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tập trung mọi nguồn lực để đôn đốc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH.

Tính đến hết tháng 3/2018, tổng số đơn vị sử dụng lao động được thanh tra, kiểm tra của toàn ngành là 943 đơn vị, trong đó, số đơn vị được thanh tra chuyên ngành là 443 đơn vị, số đơn vị được thanh, kiểm tra liên ngành là 348 đơn vị, số đơn vị được kiểm tra là 152 đơn vị. Qua đó, cơ quan thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 1.487 lao động chưa đóng, đóng thiếu thời gian phải tham gia, với số tiền truy đóng là hơn 6,5 tỷ đồng; đồng thời, lập biên bản 67 đơn vị vi phạm hành chính, với mức tiền xử phạt là hơn 2 tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều đơn vị khi có quyết định thanh tra đã chủ động trả nợ, số tiền nộp trong thời gian thanh, kiểm tra là hơn 72,7 tỷ đồng, số tiền nộp khi thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra là 53,6 tỷ đồng.

Cùng với việc đẩy mạnh thanh, kiểm tra, xử phạt, ông Mai Đức Thắng - Phó Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) - cho biết, những DN cố tình chây ỳ sẽ bị chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra khởi tố hình sự theo quy định của pháp luật.

Bảo vệ quyền lợi người lao động trong các doanh nghiệp phá sản, chủ bỏ trốn

Một vấn đề đáng lo ngại hiện nay là số tiền nợ đọng BHXH, BHYT tăng còn do tích tụ từ những khoản nợ trước đây. Theo ông Mai Đức Thắng, hiện có khoảng 2.000 tỷ đồng nợ đọng, đây là khoản nợ mà BHXH Việt Nam đánh giá là rất khó đòi, thậm chí không có khả năng thu hồi.

Bên cạnh đó, tình trạng một số DN nước ngoài có chủ bỏ trốn cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của hàng nghìn người lao động. Thống kê đến hết năm 2017, đã có hơn 100 DN FDI có chủ bỏ trốn về nước. Việc thu hồi nợ BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp của cơ quan BHXH với các đơn vị này đang gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, các khoản nợ BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp lại không thuộc diện ưu tiên khi thanh lý tài sản của các DN này.

Để quản lý chặt chẽ tiền đóng BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp và đảm bảo quyền lợi cho người lao động, với những khoản nợ trên 10 tỷ đồng của các DN FDI, cơ quan BHXH tiến hành thanh tra, kiểm tra, đồng thời phối hợp lực lượng hải quan kiểm soát trường hợp chủ DN nợ muốn xuất cảnh. Biện pháp này cũng hạn chế được rất nhiều chủ bỏ trốn. Tuy nhiên, với những DN nợ BHXH và có dấu hiệu bỏ trốn, cơ quan BHXH cũng chỉ có thể theo dõi và đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chặt chẽ, không có quyền thu hồi giấy phép hoạt động của DN...

Trước thực trạng này, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ đang xây dựng dự thảo trình Chính phủ đề xuất phương án bảo vệ quyền lợi của người lao động trong các DN giải thể, phá sản, nợ tiền đóng BHXH. Trong đó, Bộ cũng đề xuất sửa đổi một số quy định pháp luật có liên quan theo hướng, khi thanh lý tài sản của các DN giải thể, phá sản thì tiền đóng BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp được ưu tiên trước khi thanh toán các khoản khác.

Đ. KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 19 ra ngày 10/5/2018
Cùng chuyên mục
  • Đề án Cải cách chính sách tiền lương: Trả lương theo vị trí việc làm, chức danh, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Đề án “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN” (gọi chung là Đề án) là 1 trong 3 đề án được thảo luận tại Hội nghị T.Ư 7 khóa XII (diễn ra từ ngày 07 - 12/5). Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ Nguyễn Quang Dũng - Thường trực Tổ Biên tập Đề án - đã trao đổi với báo chí về những nội dung mới cũng như tác động của chính sách quan trọng này.
  • Khai mạc Triển lãm “60 năm Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Phủ Chủ tịch”
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Triển lãm do Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức sáng nay tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh (TP. Hà Nội). Sự kiện là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2018).
  • An sinh bền vững cho người lao động
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Đề án Cải cách chính sách BHXH sẽ được trình Hội nghị T.Ư 7 sắp tới. Đây được coi là giải pháp cần thiết nhằm đảm bảo cho “trụ cột” của hệ thống an sinh xã hội phát triển bền vững, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
  • Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975: Dấu ấn từ công tác tham mưu - tác chiến
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã trở thành trang sử vẻ vang của dân tộc. Thắng lợi này là sự hội tụ của nhiều yếu tố, trong đó có công tác tham mưu - tác chiến. Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu) đã xúc động kể cho chúng tôi về những dấu ấn của đơn vị tác chiến trong ngày tháng hào hùng ấy.
  • Gắn bảo tồn Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với phát triển du lịch
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã đi vào trong tâm thức của người dân Việt Nam từ bao đời nay. Sức hút vốn có của loại hình tín ngưỡng này, cùng với những thắng cảnh và văn hóa độc đáo của vùng đất Tổ, định hướng phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn di sản được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều kết quả khả quan.
Đẩy mạnh thanh, kiểm tra, xử lý nợ đọng Bảo hiểm xã hội