Công tác dân số đạt nhiều thành tựu nổi bật

(BKTO) - Việt Nam hiện đang là một trong 5 nước đang phát triển có mức tử vong bà mẹ, trẻ em giảm nhanh nhất trên thế giới; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm nhanh; tuổi thọ bình quân của người dân tăng lên… Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng dân số thì các chuyên gia cho rằng Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức trước mắt, đặc biệt là các biện pháp kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ).



Việt Nam bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”

Công tác Dân số - KHHGĐ là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước; là một trong những vấn đề kinh tế xã hội hàng đầu của nước ta; là một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và từng xã hội…

Những năm qua, Việt Nam đã đạt những thành tựu rất đáng tự hào. Từ việc trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có 6,4 con năm 1960 giảm xuống còn 2,09 con năm 2006 (đạt mức sinh thay thế) và duy trì liên tục đến nay. Tỷ suất chết mẹ giảm xuống còn 58,3 trên 100.000 trẻ đẻ sống năm 2015; Tỷ suất chết trẻ em dưới 01 tuổi giảm khá nhanh, xuống còn 14,73 phần nghìn; Tỷ suất chết trẻ em dưới 05 tuổi giảm xuống 22,12 phần nghìn, đưa Việt Nam thành một trong 5 nước đang phát triển có mức tử vong bà mẹ, trẻ em giảm nhanh nhất trên thế giới.

Những kết quả quan trọng này đã đóng góp đáng kể vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ đổi mới, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tốc độ tăng dân số quá nhanh về cơ bản đã được khống chế, nhờ đó áp lực của quy mô dân số đối với sự phát triển kinh tế xã hội đã được gảm nhiều. Nhờ giảm tốc độ gia tăng dân số, chúng ta đã tiết kiệm được một khối lượng lớn các nguồn lực mà lẽ ra phải chi cho ăn, mặc ở, đi lại, giáo dục, y tế và giải quyết công ăn việc làm…
                
   

Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong công tác Dân số- KHHGĐ- Ảnh: ST

   
Từ những thành công của Chương trình Dân số - KHHGĐ, Việt Nam đã khép lại thời kỳ cơ cấu “dân số trẻ” bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”. Đây là cơ hội có một không hai trong lịch sử phát triển nhân khẩu học của mỗi quốc gia. Hiện tại, với quy mô dân số trên 93 triệu người, Việt Nam là nước đông dân thứ 14 trên thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 khu vực Đông Nam Á; trong đó có hơn 64 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm trên 68% dân số).

Những thách thức trong giai đoạn mới

Tuy nhiên, nếu xét toàn diện về công tác Dân số trên 3 mặt: quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số thì vẫn còn nhiều thách thức, như: số người sinh con thứ 3 tăng; tỷ suất sinh hàng năm vượt qua con số dự kiến kế hoạch và tỷ lệ tỷ vong ngày càng tăng; tuổi thọ bình quân có chiều hướng giảm do số người chết do tai nạn giao thông và chết do các tệ nạn xã hội ngày nhiều. Đây là những vấn đề mà công tác Dân số - KHHGĐ cần quan tâm.

Bên cạnh đó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dân số - KHHGĐ Nguyễn Doãn Tú cho biết, mặc dù Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế và duy trì liên tục trong 12 năm nhưng vẫn có sự biến động với biên độ lớn giữa các tỉnh. Các tỉnh phía Nam như Đồng Tháp, Hậu Giang, TP. Hồ Chí Minh mức sinh có xu hướng liên tục giảm xuống mức rất thấp, dưới 1,5 con thì ngược lại, nhiều tỉnh phía Bắc mức sinh không ổn định, một số tỉnh như Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị đã tăng cao trở lại với mức sinh trên 3 con.

Đặc biệt, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với mất cân bằng giới tính khi sinh đang phát triển với tốc độ nhanh và ngày càng lan rộng. Theo điều tra biến động DS-KHHGĐ năm 2015, có 98,1% bà mẹ biết giới tính trước khi sinh qua siêu âm. Việc lựa chọn giới tính thai nhi là nguyên nhân chính của trình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. “Nếu không có những biện pháp can thiệp quyết liệt, nước ta sẽ thiếu khoảng 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ vào năm 2050, gây nhiều hệ lụy cho sự phát triển bền vững” - ông Tú cho hay.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, công tác dân số hầu như mới chỉ tập trung vào KHHGĐ, chưa chủ động triển khai đầy đủ các lĩnh vực khác như kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, thích ứng với già hóa dân số, tận dụng lợi thế cơ cấu dân số vàng và những nội dung về dân số và phát triển. Đây là một thách thức đối với công tác dân số trong tình hình mới.

Đưa ra những giải pháp trong tình hình mới, ông Nguyễn Doãn Tú nhấn mạnh: Ngành dân số cần phải tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về dân số và phát triển trong tình hình mới. Điều này đòi hỏi phải có sự vào cuộc của chính quyền các cấp, đổi mới nội dung tập huấn cho cán bộ dân số, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ dân số các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu chuyển hướng sang chính sách dân số và phát triển. Đặc biệt, phải nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số toàn diện về quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân số; tiếp tục củng cố mạng lưới dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và thực hiện các biện pháp sàng lọc trước sinh, sơ sinh, phát triển mạnh hệ thống chuyên ngành lão khoa trong các cơ sở y tế…

LONG HOÀNG
Cùng chuyên mục
  • Hơn 97% phụ nữ có thai được quản lý thai nghén
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản năm 2018 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 do Vụ Sức khỏe Bà mẹ- Trẻ em (Bộ Y tế) tổ chức mới đây.
  • Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong công tác phòng, chống bệnh Lao
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bệnh Lao là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất ở Việt Nam. Tuy nhiên, được sự quan tâm và ủng hộ cho các nỗ lực trong việc quản lý bệnh Lao một cách có chiến lược, Việt Nam đã tăng cường hệ thống chẩn đoán và chăm sóc bệnh Lao, với tỷ lệ bao phủ điều trị Lao đạt 82% trong năm 2017 tiến gần đến mục tiêu đạt 90% vào năm 2022.
  • Năm 2025, Khu du lịch Đankia- Suối Vàng hướng đến mục tiêu doanh thu trên 1200 tỷ đồng
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Đây là một trong những nội dung trong Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Đankia- Suối Vàng, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành.
  • Dành hơn 362 tỷ đồng tặng quà Tết cho người có công
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý ủy quyền Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch nước xem xét tặng quà cho đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 như đề nghị của Bộ.
  • Lao động nữ di cư đang chịu nhiều thiệt thòi
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Đây là thông tin được công bố trong báo cáo nghiên cứu “Quyền an sinh xã hội của lao động nữ di cư ở Việt Nam” do Cục Bảo trợ xã hội phối hợp với Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) thực hiện.
Công tác dân số đạt nhiều thành tựu nổi bật