Bảo hiểm y tế - nguồn tài chính bền vững cho điều trị HIV/AIDS

(BKTO) - Trong bối cảnh các nguồn viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm, Việt Nam là nước đi đầu trong việc sử dụng nguồn lực trong nước thông qua bảo hiểm y tế (BHYT) để hỗ trợ các dịch vụ điều trị HIV cho người dân. Với cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, sự nỗ lực của các Bộ, ngành chức năng, BHYT sẽ là nguồn lực tài chính bền vững để Việt Nam thực hiện các mục tiêu kiểm soát dịch HIV.



Giảm gánh nặng tài chínhcho người có HIV

Trong thời gian vừa qua, Quỹ BHYT đã chi trả các chi phí điều trị nhiễm trùng cơ hội, các xét nghiệm khác cho người bệnh nhiễm HIV có Thẻ BHYT. Đặc biệt, từ ngày 08/3/2019, đồng loạt 188 cơ sở điều trị thuốc kháng vi rút HIV (ARV) trên toàn quốc bắt đầu điều trị ARV cho bệnh nhân thông qua BHYT. Đây cũng là khởi đầu quan trọng để Việt Nam từng bước mở rộng điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS thông qua BHYT.

Theo ông Lê Văn Phúc - Trưởng ban Dược - Vật tư y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam): Mục tiêu của Chính phủ đề ra là đến năm 2030, Việt Nam sẽ chấm dứt đại dịch HIV/AIDS. Chính vì vậy, khi các nguồn viện trợ cho điều trị không còn, Việt Nam vẫn phải đảm bảo nguồn lực để thực hiện mục tiêu đã đề ra. Một trong những giải pháp đảm bảo nguồn lực tài chính bền vững cho người nhiễm HIV được tiếp cận thuốc ARV chính là từ Quỹ BHYT. Ngày 15/11/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2188/QĐ-TTg quy định việc thanh toán thuốc ARV được mua sắm tập trung cấp quốc gia từ nguồn quỹ khám, chữa bệnh BHYT. “Theo thống kê, năm 2019, có khoảng 48.000 người nhiễm HIV có Thẻ BHYT sử dụng thuốc ARV. Đến năm 2020, số người nhiễm HIV còn lại sẽ được cấp thuốc ARV từ Quỹ BHYT. Trong điều kiện nguồn viện trợ quốc tế không còn, BHYT sẽ góp phần cùng với nguồn tài chính khác của Nhà nước nhằm đảm bảo việc cung cấp thuốc điều trị thường xuyên cho những người không may nhiễm HIV” - ông Phúc cho biết.

Các chuyên gia y tế đánh giá, HIV/AIDS là căn bệnh mãn tính, phải điều trị liên tục, suốt đời với chi phí lớn. BHYT sẽ chi trả tiền thuốc ARV, các xét nghiệm phục vụ điều trị và các dịch vụ đặc thù theo phạm vi, mức hưởng của người tham gia BHYT, giúp người nhiễm HIV giảm gánh nặng về tài chính cho chăm sóc sức khỏe và đảm bảo điều trị liên tục, lâu dài.

Ông Lê Văn Phúc cho biết, theo tính toán, mỗi năm, chi phí khám, chữa bệnh cho một bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS sẽ hết khoảng 6 triệu đồng (gồm thuốc và xét nghiệm). Với hơn 100.000 bệnh nhân, chúng ta cần hơn 600 tỷ đồng để điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS mỗi năm.

Tạo thuận lợi cho người nhiễm HIV tiếp cận bảo hiểm y tế

Để đảm bảo quyền lợi cho người nhiễm HIV có Thẻ BHYT được thực hiện tốt nhất, không bị gián đoạn điều trị khi chuyển nguồn từ viện trợ sang điều trị BHYT, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã tích cực phối hợp với Bộ Y tế xây dựng các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện; kiện toàn và ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với các cơ sở điều trị HIV/AIDS; xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc ARV nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị ARV.

BHXH Việt Nam cũng phối hợp với Bộ Y tế xác định nhu cầu, đấu thầu mua thuốc, cung ứng thuốc ARV đến cơ sở điều trị, sử dụng thuốc, thanh quyết toán với mục tiêu điều trị tốt nhất cho người nhiễm HIV có Thẻ BHYT và bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người bệnh. Phác đồ ARV được lựa chọn để mua bằng Quỹ BHYT là phác đồ Bậc 1, với những thuốc thông dụng và có sẵn ở Việt Nam. Để chuẩn bị cho nguồn thuốc ARV năm 2019, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia tổ chức đấu thầu thuốc ARV với kết quả tốt, giá cạnh tranh. Các đơn vị trúng thầu thực hiện cung cấp, giao hàng cho các cơ sở điều trị trong tháng 02/2019, theo đúng tiến độ.

Đặc biệt, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế tháo gỡ từng vướng mắc, tạo điều kiện tối đa để người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận với BHYT như: người nhiễm HIV/AIDS không phải tham gia BHYT theo hộ gia đình, giải pháp khắc phục trường hợp không có giấy tờ tùy thân,… Qua đó, người nhiễm HIV/AIDS có Thẻ BHYT tăng theo từng năm, nhiều tỉnh, thành đã đạt độ bao phủ BHYT 100% cho người nhiễm HIV/AIDS.

Tuy nhiên, tại một số tỉnh, thành phố, độ bao phủ BHYT cho đối tượng này còn thấp do tâm lý sợ lộ thông tin của người bệnh. Nhiều người nhiễm HIV/AIDS lo bị kỳ thị, phân biệt đối xử nên không muốn cung cấp thông tin để tham gia BHYT. Đặc biệt, một số bệnh nhân tuy có Thẻ BHYT nhưng vẫn bỏ tiền túi ra khám, chữa bệnh hoặc đến nơi không được hưởng BHYT để che giấu tình trạng bệnh. Cũng có nhiều người nhiễm HIV chưa sẵn sàng mua Thẻ BHYT do còn trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc các dự án. Vì vậy, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp cùng Bộ Y tế tăng cường công tác truyền thông cho những người nhiễm HIV, người đang điều trị bằng ARV về tầm quan trọng của BHYT; tham mưu xây dựng cơ chế, nguồn tài chính để hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia BHYT; triển khai chống kỳ thị, phân biệt đối xử tại các cơ sở khám, chữa bệnh để người nhiễm HIV yên tâm đến điều trị. “Để chương trình phát triển bền vững, chúng tôi mong muốn các ngành chức năng cần tiếp tục cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS, tạo môi trường thân thiện thông qua thay đổi thái độ, kỹ năng tư vấn, truyền thông của nhân viên y tế với người bệnh…” - ông Lê Văn Phúc nhấn mạnh.

Đ. KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 13 ra ngày 28-3-2019
Cùng chuyên mục
  • Giải pháp cho tranh chấp Quỹ Bảo trì chung cư
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tranh chấp tại các chung cư, đặc biệt là tranh chấp Quỹ Bảo trì là câu chuyện chưa bao giờ hết nóng. Dù quy trình thu, quản lý và sử dụng khoản phí này đã được hướng dẫn ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhưng việc tranh chấp giữa chủ đầu tư và ban quản trị (BQT) tòa nhà về Quỹ Bảo trì vẫn diễn ra phổ biến.
  • Nợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp gia tăng
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Ngày 26/3, tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) tháng 3/2019, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, số nợ BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong những tháng đầu năm 2019 có xu hướng tăng.
  • Tranh chấp quản lý vận hành chung cư:  Thiếu chế tài xử lý
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tranh chấp, khiếu kiện trong quản lý vận hành chung cư từ lâu đã trở thành một vấn đề gây bức xúc trong dư luận. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp tháo gỡ, tránh để mâu thuẫn kéo dài, phức tạp, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
  • Cấm xe máy vào nội đô:  Cần thiết nhưng không nên nóng vội
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Việc hạn chế xe máy tại Hà Nội và TP. HCM được các ngành chức năng đề xướng là biện pháp nhằm giải quyết ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giao thông, ý tưởng đó khó khả thi vì biện pháp này sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống, công việc của hàng triệu người dân đang sử dụng xe máy làm phương tiện lưu thông.
  • Chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động nước ngoài  tại Việt Nam:  Góp phần tạo môi trường  kinh doanh thuận lợi
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Chỉ sau hơn 3 tháng thực hiện, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc cho người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thực hiện BHXH bắt buộc cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút lao động nhân lực cao đến Việt Nam.
Bảo hiểm y tế - nguồn tài chính bền vững cho điều trị HIV/AIDS