Bảo hiểm xã hội Việt Nam cải cách tạo sự minh bạch, rõ ràng trong quản lý điều hành

(BKTO) - Tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, khảo sát thực tế triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và kết quả tổ chức thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, sáng 18/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá, ngành BHXH đã làm rất tốt công tác cải cách hành chính cũng như xây dựng được nền tảng CNTT vững chắc.



Cơ bản đạt được các mục tiêu về CNTT

Trong chương trình làm việc, Tổ công tác đã khảo sát tại Trung tâm Điều hành Hệ thống CNTT của BHXH Việt Nam.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, đến nay, Ngành đã cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra cho năm 2020 về ứng dụng CNTT. Nhờ đó, đã giảm mạnh thời gian nộp BHXH của các DN từ 335 giờ/năm trước đây xuống còn 45 giờ, giảm từ 115 bộ thủ tục hành chính xuống còn 28 bộ.

BHXH Việt Nam đã đưa vào vận hành và sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành trong phạm vi toàn Ngành. Từ ngày 01/3/2018, toàn bộ văn bản đến, văn bản đi (trừ một số văn bản bắt buộc phải sử dụng văn bản giấy theo quy định) đều được số hóa, sử dụng chữ ký số cá nhân (4.200 chứng thư) và chữ ký số cơ quan (992 chứng thư) do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp.

Tổ Công tác của Thủ tướng khảo sát Trung tâm điều hành CNTT của BHXH Việt Nam- Ảnh: Tuệ Anh

Ngành BHXH đã xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung toàn Ngành trên cơ sở dữ liệu hộ gia đình, dữ liệu quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT của BHXH các tỉnh, thành phố; Hệ thống cấp mã số BHXH - mã số định danh cá nhân duy nhất để quản lý người tham gia BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp thống nhất trên phạm vi toàn quốc; Hệ thống giao dịch điện tử; Hệ thống thông tin giám định BHYT; triển khai, vận hành có hiệu quả Trung tâm Điều hành Hệ thống CNTT và Trung tâm dịch vụ khách hàng.

Đến nay, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiện có 19 dịch vụ; số hồ sơ điện tử phát sinh trên hệ thống là 104,5 triệu; đã giải quyết là 95,2 triệu hồ sơ.

Đặc biệt, hệ thống Thông tin giám định BHYT đã kết nối tới hơn 12.000 (gần 100%) cơ sở khám, chữa bệnh BHYT từ tuyến xã đến Trung ương, mang lại hiệu quả lớn trong quản lý khám chữa bệnh, kiểm soát việc sử dụng Quỹ BHYT và tạo lập cơ sở dữ liệu quan trọng để đánh giá, điều chỉnh chính sách…

“Theo xếp hạng sẵn sàng về ứng dụng CNTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành BHXH đang đứng thứ 2, riêng hạ tầng kỹ thuật đứng thứ nhất. Theo đánh giá của World Bank trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam, BHXH là lĩnh vực thăng hạng nhiều nhất, tới 81 bậc, đạt vị trí 86/190 nền kinh tế trong năm 2018”- Báo cáo nêu rõ.

Tạo sự công khai, minh bạch

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, BHXH là cột trụ rất quan trọng của quốc gia về an sinh xã hội, được Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chuyển lời khen ngợi, đánh giá cao của Thủ tướng về những kết quả tích cực mà BHXH đạt được.

Theo đó, BHXH là một trong những đơn vị cải cách sớm nhất, sớm đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, chia sẻ thông tin, giám sát việc thanh toán, chi trả bảo hiểm. “Quan trọng nhất là ngành BHXH đã tạo minh bạch, rõ ràng trong quản lý điều hành và đặc biệt mang tính chất phục vụ với người dân, người tham gia các chính sách BHXH, kiểm soát cơ sở khám chữa bệnh để chống những kẽ hở có thể lợi dụng trong thanh toán chi phí KCB BHYT”- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Ngành BHXH cũng đã có nhiều giải pháp mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp. Năm 2017, có 13,9 triệu người tham gia BHXH, 79,9 triệu người tham gia BHYT, tăng 5% so với năm 2016; 11,8 triệu người tham gia BH thất nghiệp. Hết 9 tháng đầu năm 2018, con số tương ứng đã tăng lên 14,34 triệu người, 82 triệu người và 12 triệu người.

Công tác thanh tra chuyên ngành đạt nhiều kết quả, nhất là trong phát hiện, xử lý các đơn vị nợ đọng về BHXH, BHYT. Công tác thanh tra chuyên ngành đạt nhiều kết quả, nhất là trong phát hiện, xử lý các đơn vị nợ đọng BHXH, tỷ lệ nợ BHXH giảm nhiều, hiện nay chỉ còn khoảng 2,9% là con số rất đáng khích lệ. Công tác thực hiện chính sách BHYT có nhiều chuyển biến, phát hiện kịp thời các vi phạm trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT được mở rộng với trên 11.000 đại lý trên cả nước.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tư tưởng cải cách cũng như biện pháp và hiệu quả cải cách của ngành BHXH đã tác động rõ rệt tới kinh tế xã hội đất nước, tạo tính công khai, minh bạch, rõ ràng giữa các cơ quan nhà nước, cơ quan BHXH và người dân được hưởng các chế độ. Cách chi trả hiện nay của Ngành BHXH cũng rất tốt, nhanh và tiện lợi cho người dân.

Đánh giá ngành BHXH đã làm rất tốt công tác cải cách hành chính cũng như xây dựng được nền tảng CNTT vững chắc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị, ngành BHXH cần thực hiện tốt hơn Nghị quyết 28-NQ/TW của Trung ương về cải cách chính sách BHXH, đặc biệt là về sắp xếp bộ máy, ứng dụng CNTT, cung cấp hơn nữa nhiều dịch vụ công trực tuyến với chất lượng tốt hơn. Đồng thời, phát triển rộng hơn nữa đối tượng tham gia BHXH, tích cực tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quản lý Quỹ BHXH; kiểm soát, giám sát tự động trong chi BHXH, BHYT, giảm tiêu cực, gian lận, trục lợi và cần làm tốt hơn nữa; bảo đảm công khai, bình đẳng, minh bạch giữa các cơ sở y tế công lập và tư nhân, giữa các bệnh nhân trong thực hiện chính sách BHYT.

Tại buổi làm việc, các thành viên Tổ công tác cũng đánh giá cao những nỗ lực, kết quả mà BHXH đã đạt được trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Các đại biểu cũng đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; giúp đỡ, hỗ trợ DN trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

TUỆ ANH
Cùng chuyên mục
  • Tiêm bổ sung vắc xin Sởi - Rubella cho trẻ 1-5 tuổi
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bộ Y tế vừa phê duyệt kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Sởi - Rubella (MR) cho trẻ 1-5 tuổi năm 2018- 2019, góp phần tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh Sởi, Rubella trong cộng đồng. Chiến dịch được triển khai tại 418 huyện của 57 tỉnh, thành phố, với hơn 4,2 triệu trẻ từ 1-5 tuổi sẽ được tiêm 1 mũi vắc xin MR.
  • PVN ủng hộ 250 tỷ đồng cho đồng bào nghèo trong năm 2018
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo- không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động và triển khai tháng cao điểm “Vì người nghèo”, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên đã đăng ký với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia công tác an sinh xã hội đối với địa phương, tổ chức, cá nhân trong cả nước năm 2018 với kinh phí 250 tỷ đồng.
  • Gần 46% dân số thế giới đang sống với thu nhập dưới 5,5 USD/ngày
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tiến bộ kinh tế toàn cầu đồng nghĩa với việc dù số người nghèo cùng cực giảm đi nhưng gần một nửa dân số thế giới, tức là 3,4 tỷ người, vẫn đang chật vật để đáp ứng các nhu cầu cơ bản.
  • Ra mắt Ngân hàng mô đầu tiên tại Việt Nam
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Chiều 16/10, tại Hà Nội, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khai trương Ngân hàng mô và khu khám bệnh theo yêu cầu. Đây là Ngân hàng mô đầu tiên được cấp phép và đi vào hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác số 75/2006/QH11 và Nghị định 118/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của ngân hàng mô.
  • Lần đầu tiên cứu sống bệnh nhân nhược cơ nặng bằng kỹ thuật thay huyết tương
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Ngày 16/10, thông tin từ Bệnh viện K cho biết, lần đầu tiên các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện đã thực hiện thành công kỹ thuật thay huyết tương điều trị cho một nam bệnh nhân bị nhược cơ nặng do u tuyến ức di căn màng phổi.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cải cách tạo sự minh bạch, rõ ràng trong quản lý điều hành