Tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp ngành văn hóa, thể thao và du lịch: Chặng đường nhiều chông gai

(BKTO) - Thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã mạnh dạn đổi mới và có đơn vị đã gặt hái được thành quả. Tuy nhiên, số đơn vị nói trên vẫn quá ít ỏi và nhìn chung, quá trình này diễn ra còn chậm, kém hiệu quả.



Chưa nhiều điểm sáng

Trong số hàng chục ĐVSNCL được giao quyền tự chủ của ngành văn hóa theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với ĐVSNCL (Nghị định số 43, nay là Nghị định số 16/2015/NĐ-CP), chỉ vài cái tên được nhắc đến là mang lại hiệu quả, như: Khu Liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình (LHTTQG), Nhà hát lớn Hà Nội, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia.... Đây cũng là các đơn vị được giao tự chủ về tài chính ở mức độ tự đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên từ năm 2012.

Từ chỗ là đơn vị thụ hưởng 100% NSNN, mỗi năm được cấp 20 - 25 tỷ đồng, phần lớn dành cho nhiệm vụ chi thường xuyên, đến nay, Khu LHTTQG đã không còn lệ thuộc nguồn ngân sách cấp. Doanh thu hằng năm của đơn vị tăng lên từ 15 - 20%. Nếu năm đầu tiên thực hiện tự chủ, đơn vị thu được 27 tỷ đồng thì tới năm 2017, con số này là 55 tỷ đồng. Trong hơn 5 năm tự chủ, Khu LHTTQG đã mang về doanh thu 240 tỷ đồng… Đáng lưu ý, nguồn chi cho duy tu bảo dưỡng từ 2 - 4 tỷ đồng trước đây giờ đã tăng lên gấp 10 lần, nhiều dự án đầu tư không phải sử dụng tiền từ ngân sách.

Việc thực hiện tự chủ tại các đơn vị nghệ thuật truyền thống gặp khó khăn do thiếu nguồn thu. Ảnh: Hồng Gấm

Bắt đầu công cuộc “ra riêng” năm 2012, với cơ sở vật chất, trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đã huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư nâng cấp phòng chiếu, đáp ứng công nghệ chiếu phim hiện đại nhất hiện nay. Sự đầu tư vào Trung tâm đã đạt hiệu quả rất đáng ghi nhận. Năm đầu tiên thực hiện tự chủ, Trung tâm đã đón 1,9 triệu lượt khán giả, đón hơn 2,1 triệu lượt năm 2015 và 2,3 triệu lượt khán giả năm 2017.

Tuy nhiên, những kết quả trên chưa phản ánh được diện mạo tự chủ của các ĐVSNCL thuộc Bộ VH,TT&DL. Theo báo cáo từ Bộ này, đến nay, mới có 15/74 ĐVSNCL thuộc Bộ thực hiện tự chủ 30 - 100% kinh phí hoạt động. Trong số đó, nhiều đơn vị vẫn đang loay hoay tìm kiếm hướng đi để thích nghi với cơ chế mới.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính (Bộ VH,TT&DL) Trần Hoàng cũng thừa nhận, việc thực hiện giao quyền tự chủ tại các đơn vị thuộc Bộ thời gian qua vẫn còn nhiều lúng túng, đặc biệt là liên quan đến đề xuất cơ chế tự chủ về tổ chức, biên chế và cơ chế trả lương - nội dung mới so với quy định hiện hành.

Khó cải thiện nguồn thu

Những bất cập trên cũng được KTNN chỉ ra trong Báo cáo kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản nhà nước của Bộ VH,TT&DL năm 2015 do KTNN chuyên ngành III thực hiện. Cụ thể, đối với nội dung kiểm toán tình hình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định số 43, Bộ VH,TT&DL đã thực hiện giao quyền tự chủ tài chính giai đoạn 2013-2015 cho 74 ĐVSNCL và đã được Bộ Tài chính đồng ý phương án. Tuy nhiên, việc giao dự toán ngân sách theo chỉ tiêu biên chế mà chưa gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn dẫn đến một số trường không hoàn thành nhiệm vụ chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nhưng vẫn chi thu nhập tăng thêm; việc xây dựng, ban hành quy chế chi tiêu nội bộ chưa bao quát đầy đủ các nhiệm vụ chi hoặc chưa sửa đổi, bổ sung theo các văn bản tài chính hiện hành của Nhà nước…

Theo một lãnh đạo KTNN chuyên ngành III, vướng mắc mà các ĐVSNCL thuộc Bộ VH,TT&DL đang gặp phải cũng là khó khăn chung của các ĐVSNCL trước yêu cầu giảm dần sự lệ thuộc vào ngân sách. Đối với các đơn vị nghệ thuật truyền thống, khó khăn sẽ càng nhân lên. Tuy nhiên, không vì thế mà các đơn vị này đứng ngoài cuộc, đi ngược xu thế chung.

Cũng theo Vụ trưởng Trần Hoàng, do các đơn vị nghệ thuật truyền thống nói chung có nguồn thu thấp, khả năng tự chủ về tài chính là rất hạn chế, vì vậy vẫn cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Hiện tại, Bộ đang quan tâm, triển khai một số giải pháp liên quan đến việc phân định rõ nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng; đổi mới cơ chế cấp phát giao dự toán; chính sách về biên chế, tiền lương; định mức chi phí trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống, từ đó minh bạch, rạch ròi phần hỗ trợ của Nhà nước, tạo sự chủ động, tăng cường ý thức của đơn vị trong việc thúc đẩy các giải pháp tăng thu.

Trước đó, làm việc với Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động ĐVSNCL, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các ĐVSNCL là việc phải làm và quan trọng là ở cách làm. “Lãnh đạo các đơn vị cần đổi mới tư duy, phải năng động, sáng tạo và nhạy bén với cơ chế thị trường hơn; phải tìm được người tài để nâng cao chất lượng chuyên môn thì từ đó mới duy trì được hoạt động” - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu.

PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 20 ra ngày 17/5/2018
Cùng chuyên mục
  • Đẩy mạnh thanh, kiểm tra,  xử lý nợ đọng Bảo hiểm xã hội
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trong khi việc khởi kiện các DN chây ỳ, trốn, nợ đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) đang rơi vào bế tắc, cơ quan BHXH đã tập trung nguồn lực đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc đóng BHXH nhằm kéo giảm tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động.
  • Đề án Cải cách chính sách tiền lương: Trả lương theo vị trí việc làm, chức danh, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Đề án “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN” (gọi chung là Đề án) là 1 trong 3 đề án được thảo luận tại Hội nghị T.Ư 7 khóa XII (diễn ra từ ngày 07 - 12/5). Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ Nguyễn Quang Dũng - Thường trực Tổ Biên tập Đề án - đã trao đổi với báo chí về những nội dung mới cũng như tác động của chính sách quan trọng này.
  • Khai mạc Triển lãm “60 năm Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Phủ Chủ tịch”
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Triển lãm do Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức sáng nay tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh (TP. Hà Nội). Sự kiện là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2018).
  • An sinh bền vững cho người lao động
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Đề án Cải cách chính sách BHXH sẽ được trình Hội nghị T.Ư 7 sắp tới. Đây được coi là giải pháp cần thiết nhằm đảm bảo cho “trụ cột” của hệ thống an sinh xã hội phát triển bền vững, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
  • Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975: Dấu ấn từ công tác tham mưu - tác chiến
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã trở thành trang sử vẻ vang của dân tộc. Thắng lợi này là sự hội tụ của nhiều yếu tố, trong đó có công tác tham mưu - tác chiến. Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu) đã xúc động kể cho chúng tôi về những dấu ấn của đơn vị tác chiến trong ngày tháng hào hùng ấy.
Tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp ngành văn hóa, thể thao và du lịch: Chặng đường nhiều chông gai