Tập trung mọi nguồn lực tốt nhất cho Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia

(BKTO) - Đây là yêu cầu được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đặt ra cho ngành giáo dục, các cơ quan liên quan khi chỉ còn ít ngày nữa, Kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia sẽ diễn ra trên toàn quốc.



Không có nhiều thay đổi

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), về cơ bản, Kỳ thi THPT năm nay được giữ ổn định như năm ngoái và có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật như: nâng cao độ phân hóa của đề thi; thí sinh đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội phải thi đầy đủ 2 bài thi mới được xét công nhận tốt nghiệp THPT; thời gian chuyển tiếp giữa các môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp từ 20 phút rút xuống còn 10 phút...

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng và kiểm định giáo dục - cho biết, đến nay, Bộ GD&ĐT đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các Sở GD&ĐT, các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) về công tác thi; hoàn thành và đưa vào sử dụng các phần mềm phục vụ công tác chấm thi, lưu trữ; hoàn thành việc lập điểm thi, phân và sắp xếp phòng thi. Dự kiến, có khoảng 45.000 cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ tham gia phối hợp với các địa phương tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia.

Gần 1 triệu thí sinh trên cả nước sắp bước vào Kỳ thi THPT quốc gia - Ảnh: Phạm Hùng

Tại Hội nghị Triển khai công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2018 diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, phương thức tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm nay chưa có nhiều thay đổi và trong một vài năm tới, Kỳ thi này sẽ duy trì ổn định theo hướng nhẹ nhàng hơn với xã hội.

Phó Thủ tướng yêu cầu các trường ĐH, CĐ quán triệt quan điểm Kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi tốt nghiệp chứ không phải là kỳ thi ĐH. Vì thế, các phương thức tổ chức phải phục vụ cho mục đích này chứ không phục vụ cho việc tuyển sinh ĐH. “Trong một vài năm tới, sự tham gia của các trường ĐH vào việc tổ chức Kỳ thi cùng với các Sở GD&ĐT địa phương là cần thiết. Đây không chỉ là trách nhiệm liên quan đến đầu vào của các trường ĐH mà là trách nhiệm của toàn xã hội” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đảm bảo trung thực, khách quan và an toàn

Tại Kỳ thi năm nay, Thủ tướng Chính phủ không ban hành một chỉ thị riêng về kỳ thi như mọi năm. Lý giải điều này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, qua 3 năm thực hiện đổi mới, Kỳ thi THPT quốc gia tương đối ổn định và theo hướng ngày càng nhẹ nhàng với xã hội, phụ huynh và học sinh nhưng vẫn bảo đảm trung thực, khách quan, an toàn. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cần căn cứ vào các chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng Chính phủ những năm trước đây để sát sao cùng với địa phương tổ chức thật tốt Kỳ thi.

         
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 diễn ra từ ngày 25 - 27/6, với 925.792 thí sinh dự thi tại 2.144 điểm thi, 39.689 phòng thi. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải dự thi 4 bài thi gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định, Bộ đặc biệt coi trọng đến sự an toàn, đảm bảo của Kỳ thi. “Công tác chuẩn bị Kỳ thi càng thuận lợi thì càng phải cẩn thận, không được chủ quan để xảy ra những sự cố đáng tiếc, thậm chí có thể gây hậu quả nghiêm trọng” - Thông cáo báo chí của Bộ nêu rõ.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị các trường ĐH, CĐ chủ động phối hợp với các địa phương trong công tác tổ chức thi, cử đủ cán bộ, giảng viên về coi thi tại các địa phương; tổ chức phổ biến kỹ, nghiêm túc quy chế, tập huấn nghiệp vụ coi thi; phối hợp với các địa phương kiểm tra và chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất...

Theo Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng, chống gian lận thi cử luôn là một bài toán đầy thách thức trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, khi các thiết bị gian lận được ngụy trang dưới nhiều hình thức. Đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng của công tác thanh tra trong Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. “Không chỉ thí sinh mới có hành vi gian lận thi cử mà cả những người tham gia phục vụ Kỳ thi, trong đó chủ yếu là giám thị cũng có nguy cơ tiềm ẩn hành vi gian lận” - ông Bằng nói.

Nhắc đến vụ việc làm lọt đề thi ra ngoài trong Kỳ thi vào lớp 10 tại một số địa phương vừa qua, ông Bằng cho biết, Bộ GD&ĐT đặc biệt lưu tâm tới vấn đề này và yêu cầu các địa phương, các trường cử cán bộ coi thi cần làm tốt trách nhiệm được giao, gắn với đó là hình thức xử lý nghiêm khắc để ngăn chặn mọi hành vi vi phạm tương tự có thể xảy ra.

PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 25 ra ngày 21-6-2018
Cùng chuyên mục
  • Ngày hội “Chuyển động vì lá phổi khỏe mạnh”
    5 năm trước Xã hội
    Sáng 24/6, tại Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với Chương trình Chống lao Quốc gia tổ chức Ngày hội “Chuyển động vì lá phổi khỏe mạnh - Move for my healthy lung”, nhân kỷ niệm 61 năm Ngày thành lập Bệnh viện Phổi Trung ương (24/6/1957- 24/6/2018) và nhằm đẩy mạnh phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”
  • Triển khai tiêm vắc-xin phòng Sởi - Rubella tại 6 tỉnh có nguy cơ cao
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn, đề nghị Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương phối hợp với các địa phương tổ chức tiêm vắc-xin Sởi-Rubella tại 33 huyện có nguy cơ cao trên địa bàn 6 tỉnh.
  • World Cup 2018:  Ai Cập, Ả Rập - Xê út và Ma Rốc đã chính thức bị loại
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Sau khi lượt trận thứ 2 khép lại, cục diện bảng A gần như đã ngã ngũ. Cụ thể, chủ nhà Nga và Uruguay chính thức giành quyền vào chơi ở vòng 1/8. Trải qua 2 lượt trận, 2 đội bóng này đều có được 6 điểm nhưng đội chủ nhà Nga xếp trên nhờ hơn về hiệu số bàn thắng (+7 so với +2). Trong khi đó, Ai Cập và Ả Rập - Xê út chính thức bị loại.
  • Tăng cường tuyên truyền về công tác phòng, chống ma túy
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy (PCMT)”, “Ngày Quốc tế PCMT” và “Ngày toàn dân PCMT 26/6”, từ ngày 01 đến 30/6, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền về công tác PCMT đến với người dân và toàn xã hội.
  • Tăng cường quản lý nhà nước đối với xuất khẩu lao động
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tại buổi họp báo thông tin về tình hình thực hiện các lĩnh vực của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) 6 tháng đầu năm 2018 diễn ra mới đây, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động (XKLĐ), giải quyết việc làm cho người lao động tiếp tục là những vấn đề trọng tâm được Bộ tập trung giải quyết.
Tập trung mọi nguồn lực tốt nhất cho Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia