Tập trung hơn cho các tiêu chí cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới

(BKTO) - Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sau gần 10 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, giúp nông nghiệp phát triển vượt bậc, nông thôn đổi mới, cuộc sống của nông dân ngày càng được cải thiện. Để Chương trình đạt kết quả cao hơn nữa, trong thời gian tới, các địa phương cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt tập trung hơn cho các chỉ tiêu cốt lõi.



Chênh lệch giữa các vùng miền còn cao

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến tháng 02/2019, cả nước đã có 4.144 xã (46,84%) được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 306 xã so với cuối năm 2018; 3 địa phương đạt 100% số xã đạt chuẩn NTM là tỉnh Đồng Nai, Nam Định và TP. Đà Nẵng với 133/133 xã, đạt 100% số xã đạt chuẩn NTM, góp phần tạo nên thành tích chung để Chương trình Xây dựng NTM của cả nước về đích sớm so với mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Chương trình còn không ít khó khăn, hạn chế. Theo đó, số xã NTM rất nhiều nhưng còn nhiều khoảng chênh lệch giữa các vùng miền. Chỉ tính riêng giai đoạn 2010-2015, vùng Đồng bằng sông Hồng có 81,37%, Đông Nam Bộ có 69,33% thì ngược lại, khu vực miền núi phía Bắc mới chỉ đạt 22,72%, Tây Nguyên là 33,72%, Đồng bằng sông Cửu Long là 36,91%, Nam Trung Bộ là 42,79%. Bên cạnh đó, nguồn lực nhà nước đầu tư cũng còn khá khiêm tốn, trong 852.000 tỷ đồng kinh phí cho xây dựng NTM thì hệ thống ngân sách từ cấp tỉnh, huyện, xã chỉ được 11,4%. Sự phân bổ kinh phí không đồng đều; những nơi không có điều kiện kinh tế thì nguồn kinh phí lại rất ít. Một số nơi còn chạy theo thành tích khiến số tiền vốn nợ đọng xây dựng cơ bản của xây dựng NTM rất cao.

Mặc dù vậy, Bộ NN&PTNT vẫn phấn đấu năm 2019 hoàn thành sớm mục tiêu kế hoạch 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM (2016-2020), cả nước có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn NTM và có xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 70 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, tập trung ở những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn; ưu tiên huy động các nguồn lực để hỗ trợ triển khai Đề án Hỗ trợ thôn, bản thuộc các xã khó khăn xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh các giải pháp huy động và đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện Chương trình; đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn 2019, nhất là nguồn vốn dự phòng trung hạn 2016-2020; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình, trong đó tập trung vào tình hình phân bổ, sử dụng nguồn vốn ngân sách T.Ư và đối ứng ngân sách địa phương năm 2019.

Liên kết sản xuất, cải thiện môi trường… để “nâng chất” nông thôn mới

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng NTM, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai Nguyễn Phú Cường cho biết, Đồng Nai hiện đang tập trung cho các địa phương nâng cao các tiêu chí đã đạt được; đồng thời xác định, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân là mục tiêu quan trọng nhất của xây dựng NTM. Do đó, phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi sản xuất, đầu tư cho công nghiệp chế biến nông sản đang được Đồng Nai đặc biệt ưu tiên.

Tương tự, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho hay, địa phương đang hướng đến phát triển nông nghiệp thông minh, tập trung phát triển hạ tầng nông nghiệp, ứng dụng công nghệ sinh học, giải pháp công nghệ, ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data), truy xuất nguồn gốc… Bên cạnh đó, các tiêu chí môi trường, trồng cây gây rừng, phát triển nông nghiệp bền vững, tăng cường hợp tác quốc tế… cũng được tỉnh Lâm Đồng tập trung để hướng tới phát triển mô hình NTM kiểu mẫu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan khẳng định, Nam Định tiếp tục nỗ lực hoàn thành xây dựng NTM, phấn đấu năm 2019 đạt thêm 5 xã NTM kiểu mẫu. Trong đó, công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, môi trường cảnh quan, vấn đề văn hóa, an ninh trật tự là những nhiệm vụ trọng tâm. Hơn nữa, công tác đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, triển khai có hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng được tỉnh lưu ý. Trong năm nay, tỉnh phấn đấu có 150 sản phẩm thuộc Chương trình OCOP ở các địa phương.

Để “nâng chất” cho phong trào xây dựng NTM, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, các địa phương cần tập trung hơn cho các chỉ tiêu cốt lõi. Theo đó, chỉ tiêu số một vẫn là tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng xây dựng chuỗi liên kết. Phải hình thành được liên kết trên tất cả 3 trục sản phẩm cấp quốc gia, cấp tỉnh và trục sản phẩm cấp OCOP. Tất cả đều phải coi liên kết là chìa khóa để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, đưa nông sản Việt Nam hội nhập và đây mới là cơ sở để cải thiện đời sống nông dân. Bên cạnh đó, các địa phương cần quan tâm đến vấn đề môi trường, văn hóa xã hội, an ninh trật tự và củng cố chính quyền địa phương.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 11ra ngày 14-3-2019
Cùng chuyên mục
  • Hút nguồn lực đầu tư cho vùng  dân tộc thiểu số
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Thời gian qua, công tác giảm nghèo cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS) đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Để công tác này tiếp tục chuyển biến, các ngành chức năng, địa phương cần tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cũng như nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn giảm nghèo.
  • Tăng cường quản lý lao động nước ngoài:  Phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo ổn định xã hội
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam đang là điểm đến của các nhà đầu tư và người lao động (NLĐ) nước ngoài. Đây là cơ hội để Việt Nam tiếp cận trình độ, tay nghề của lao động đến từ các nước có nền sản xuất tiên tiến, nhưng đồng thời đặt ra thách thức cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý và sử dụng lao động nước ngoài có hiệu quả, phục vụ cho phát triển kinh tế gắn với ổn định xã hội.
  • Giao lưu nhà báo trẻ với các thế hệ nhà báo
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2019, sáng ngày 17/3, tại Hà Nội, Liên chi hội Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức diễn đàn "Nhà báo trẻ và đào tạo, bồi dưỡng nhà báo trẻ" và giao lưu: Nhà báo trẻ với các thế hệ nhà báo.
  • Các trường được chủ động mở rộng ngành tuyển thẳng
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có văn bản hướng dẫn các trường thực hiện công tác tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2019. Điểm mới năm nay, đó là các trường có thể chủ động mở rộng ngành tuyển thẳng theo yêu cầu riêng.
  • Tọa đàm “Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng với báo chí cách mạng Việt Nam”
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Chiều 15-3, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2019, Hội nhà báo Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm “Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng với báo chí Cách mạng Việt Nam” với sự tham dự của đông đảo các thế hệ làm báo.
Tập trung hơn cho các tiêu chí cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới