Phát triển thành phố thông minh và giao thông xanh, sạch: Kinh nghiệm từ quốc tế

(BKTO) - Trong các phiên họp tại Diễn đàn Liên Chính phủ giao thông bền vững môi trường khu vực châu Á lần thứ 12 (Diễn đàn) diễn ra mới đây, nhiều đại biểu quốc tế đã cùng chia sẻ kinh nghiệm phát triển thành phố thông minh và giao thông xanh, sạch, trong đó nhấn mạnh muốn xây dựng một thành phố thông minh, cần ưu tiên phương thức vận tải công cộng, đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ vận tải tiên tiến.



Hạ tầng giao thông phát triển chậm so với nhu cầu

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, những năm qua, kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nói chung, trong đó có hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị lớn tại Việt Nam đã được ưu tiên nguồn lực, tập trung đầu tư mạnh mẽ. Cùng với đó, Việt Nam cũng đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; thúc đẩy ứng dụng năng lượng mới, phát triển giao thông thông minh. Với những nỗ lực này, giao thông, đô thị của Việt Nam đã có bước thay đổi mạnh mẽ, chất lượng ngày càng được cải thiện.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, bên cạnh những thành tựu đạt được, hạ tầng nói chung, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải (GTVT) và hạ tầng đô thị vẫn đang là điểm nghẽn rất lớn, cản trở sự phát triển bền vững của Việt Nam. Theo đó, việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng GTVT tại các đô thị lớn còn chậm so với nhu cầu phát triển; tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông đô thị còn thấp; số lượng phương tiện giao thông, nhất là phương tiện cá nhân liên tục tăng nhanh tại các đô thị; giao thông công cộng phát triển còn chậm, chưa tương xứng. Điều đó gây ra tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng tại các đô thị, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế, gia tăng ô nhiễm môi trường.

Để khắc phục thực trạng trên, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu chiến lược là phát triển hệ thống GTVT theo hướng hiện đại. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, thời gian tới, Việt Nam chủ trương phát triển mạnh hệ thống xe buýt; nhanh chóng đầu tư các tuyến vận tải công cộng khối lượng lớn như đường sắt trên cao và tàu điện ngầm, từng bước tăng tỷ lệ đảm nhận của vận tải khách công cộng tại các thành phố; kiểm soát sự phát triển của xe máy, ô tô cá nhân, đặc biệt là ở Thủ đô Hà Nội và TP. HCM; từng bước phát triển hệ thống giao thông thông minh tại các đô thị… Để đạt được mục tiêu này, trong điều kiện kinh tế - xã hội và hạ tầng kỹ thuật như hiện nay, Việt Nam cần tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế và các nước trên thế giới.

Đẩy mạnh phát triển giao thông thông minh

Tại các phiên họp của Diễn đàn, nhiều đại biểu quốc tế cho rằng, để xây dựng thành phố thông minh, cần gắn đầu tư giao thông xanh, sạch trong quy hoạch phát triển đô thị. Chia sẻ kinh nghiệm, đại diện Hội đồng Môi trường kinh doanh của Hong Kong (Trung Quốc) cho biết, diện tích Hong Kong nhỏ, trong khi dân số lại quá đông. Vì vậy, Hong Kong phát triển đô thị theo hướng cao tầng, chiếm ít diện tích. Đặc biệt, chủ trương phát triển mạnh mạng lưới đường sắt đô thị, coi đây là loại hình giao thông xương sống vì vận chuyển khối lượng lớn, tính kết nối cao, chiếm ít diện tích và nhất là thân thiện môi trường, ít phát thải. Tuy nhiên, khi xây đường sắt đô thị, phải tính toán hành khách chỉ đi bộ khoảng 500m là đến 1 ga và có mạng lưới xe buýt, trạm xe buýt kết nối. Hơn nữa, cần phát triển khu thương mại, dịch vụ, hệ thống bán lẻ, mua sắm trong khu vực các trạm đường sắt, xe buýt để người dân không phải di chuyển quá xa mà vẫn có thể đáp ứng các nhu cầu cuộc sống.

Đề cập đến lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông minh trong phát triển thành phố thông minh, ông Ruslan Syrtlanov (Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Giao thông Liên bang Nga) chia sẻ, chất lượng dịch vụ hỗ trợ hành khách là thành tố quan trọng của đô thị thông minh. Hiện nay, Thủ đô Moscow của Nga cung cấp wifi miễn phí cho người dân. Hạ tầng này là điều kiện tốt để phát triển các ứng dụng phục vụ hành khách sử dụng phương tiện công cộng. Thành phố cũng có đường dây điện thoại để phục vụ các yêu cầu thông tin của hành khách, nhất là phục vụ nhóm hành khách dễ bị tổn thương như người già, người khuyết tật. Hệ thống camera giám sát cũng được lắp đặt tại các điểm chờ xe buýt, trên phương tiện để hành khách được đảm bảo an ninh, an toàn.

Ở một góc nhìn khác, ông Sudar Budi Nugroho - Cán bộ phụ trách nghiên cứu đồng lợi ích chính sách của Viện Chiến lược Môi trường Toàn cầu Nhật Bản - gợi ý, muốn thành công trong xây dựng hệ thống giao thông xanh, cần có quá trình chuyển đổi mang tính đột phá, huy động các nguồn lực hiệu quả và phải có sự gắn kết tham gia giữa Chính phủ - DN - người dân. Việt Nam cần có sự gắn kết vai trò của chính quyền địa phương và cộng đồng trong việc phòng ngừa, hạn chế sự gia tăng nhu cầu tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân, giảm áp lực lên hệ thống hạ tầng giao thông tại các thành phố lớn. Đặc biệt, cần thúc đẩy đầu tư theo hình thức đối tác công - tư để thu hút nguồn lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại các thành phố, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân; đồng thời, đổi mới cơ chế tài chính và cơ hội đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, thông minh, chất lượng và có sức chống chịu với biến đổi khí hậu nhằm mang lại hiệu quả cho các thành phố và các vùng ven đô.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 45 ra ngày 07-11-2019
Cùng chuyên mục
Phát triển thành phố thông minh và giao thông xanh, sạch: Kinh nghiệm từ quốc tế