Nguy cơ hỏa hoạn vẫn “treo” trên đầu người dân

(BKTO) - Các vụ việc cháy nổ để lại hậu quả nghiêm trọng thời gian qua chủ yếu bắt nguồn từ việc nhiều công trình không đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Dù điều này đã được cảnh báo, song do sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chủ đầu tư và ý thức của người dân chưa cao nên những sự việc đau lòng vẫn tiếp diễn, gần nhất là vụ cháy chung cư cao tầng (CCCT) Carina Plaza tại Quận 8, TP.HCM.



Hồi chuông cảnh báo từ thảm họa cháy Carina

Dù đã gần 1 tuần lễ trôi qua, hậu quả của vụ cháy trên làm hơn chục người chết, hàng chục người bị thương, chưa kể thiệt hại lớn về tài sản… vẫn khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng. Sự việc nghiêm trọng đến mức Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Công điện khẩn gửi cơ quan chức năng liên quan, trong đó yêu cầu Bộ Công an, UBND TP.HCM cần chỉ đạo các lực lượng chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy, xử lý nghiêm vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Nguyên nhân dẫn đến vụ việc hiện đang được các cơ quan chức năng điều tra. Tuy nhiên, qua vụ việc này, điều dễ nhận thấy là ý thức, trách nhiệm của người dân đối với vấn đề an toàn PCCC chưa tốt. Bởi, rất có thể, con số thương vong như vừa qua sẽ không xảy ra nếu cửa thang thoát hiểm không bị chặn và người dân giữ được bình tĩnh, có kỹ năng thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn…

Vụ cháy CCCT Carina gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Ảnh: THIÊN LONG

Nhìn nhận vụ việc trên như một thảm họa, kiến trúc sư Trần Huy Ánh bày tỏ lo ngại bởi hiện nay, tại rất nhiều CCCT khác, ý thức của người dân về PCCC cũng chưa cao. “Bản thân mỗi người dân cũng chưa thực sự quan tâm đến an toàn của mình và gia đình. Bằng chứng là, sự tham gia diễn tập PCCC của người dân tại các CCCT còn rất hình thức, việc chấp hành quy định PCCC tại nơi ở chưa được cao” - ông Ánh nhấn mạnh.

Nỗi đau mất người thân, mất tài sản và sự ám ảnh tinh thần sẽ còn đeo đẳng mãi với người trong cuộc. Vụ cháy CCCT Carina Plaza một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự thiếu đảm bảo an toàn tại các CCCT nói riêng, các đô thị nói chung. Trong đó, các sai phạm này đều gắn liền với trách nhiệm của chủ đầu tư.

Hiểm họa cháy nổ vẫn rình rập

Cũng theo ông Trần Huy Ánh, hiện nay, nhiều cao ốc được tối đa hóa diện tích kinh doanh nên không gian và tiện ích thoát hiểm bị giảm bớt. Thậm chí, do buông lỏng khâu quản lý thi công nên ở nhiều cao ốc, hệ thống chữa cháy tự động và các trang thiết bị bị tráo để giảm giá thành; hệ thống cơ điện không đảm bảo, thiết bị chất lượng kém, dây điện không đủ tải, dễ phát cháy… Do muốn huy động vốn nhanh, nhiều chủ đầu tư ép người dân phải nhận bàn giao nhà trong điều kiện tòa nhà chưa đảm bảo an toàn về PCCC.

Thống kê cho thấy, trên địa bàn TP.HCM, hiện có hơn 1.000 nhà cao từ 5 tầng trở lên, trong đó có 605 nhà cao trên 10 tầng… Trong số đó, hàng chục công trình hiện bị cơ quan chức năng liệt vào danh sách không đảm bảo an toàn PCCC. Còn tại TP. Hà Nội, trong đợt rà soát giữa năm 2017, Thành phố đã xác định và công bố danh sách 79 công trình vi phạm điều kiện an toàn về PCCC. Tính đến ngày 10/01/2018, Hà Nội vẫn còn 42/79 trường hợp chưa thực hiện xong quy định PCCC.

Những bất cập trên chính là một phần nguyên nhân dẫn đến hàng nghìn vụ cháy nổ gây thiệt hại về người và tài sản tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM mỗi năm; trong đó có nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra tại CCCT.

Mặt khác, dưới góc độ pháp lý, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, vi phạm về an toàn PCCC hiện nay gia tăng là do chế tài đối với các hành vi này mới chỉ chủ yếu dừng lại ở xử phạt hành chính, mức phạt còn quá thấp, chưa đủ tính răn đe.

Luật sư Dương Đình Khuyến (Hội Luật gia Việt Nam) bày tỏ nghi ngại khi các vi phạm trong PCCC tại CCCT diễn ra khá phổ biến, nhiều vi phạm đã để lại hậu quả nghiêm trọng, song đáng tiếc là chưa nhiều trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong Công điện về vụ cháy ở chung cư Carina Plaza mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan chức năng cần xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với trường hợp vi phạm nghiêm trọng về an toàn PCCC. Dẫn lại yêu cầu này, ông Khuyến cũng kỳ vọng, với sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ, đặc biệt là sự vào cuộc nghiêm túc, thực chất của các cơ quan chức năng cùng ý thức chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật của chủ đầu tư và mỗi người dân, các vi phạm về an toàn PCCC từng bước được dẹp bỏ và nguy cơ hỏa hoạn từ các tòa nhà sẽ không còn “treo” trên đầu mỗi người dân!.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 13 ra ngày 29-3-2018
Cùng chuyên mục
  • Đảm bảo tính độc lập trong hoạt động kiểm toán: Trách nhiệm từ nhiều phía
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Độc lập được xem là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà yêu cầu về tính minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán được đặt ra ngày càng cao hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện nguyên tắc này trong hoạt động kiểm toán, trách nhiệm không chỉ thuộc về phía Kiểm toán viên (KTV) và DN…
  • Minh bạch trong quản lý phí di tích, tiền công đức
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Cùng với công tác quản lý lễ hội nói chung, việc quản lý tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo (gọi chung là di tích) cũng đang là vấn đề “nóng” được dư luận xã hội quan tâm. Phóng viên Báo Kiểm toán đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam để làm rõ thêm vấn đề này.
  • Thách thức an ninh nguồn nước
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Nguy cơ mất an ninh nguồn nước ngày càng tăng cả về mức độ, quy mô và là thách thức lớn đối với Việt Nam hiện nay. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước và có biện pháp kiểm soát kịp thời.
  • Gia tăng thất nghiệp, rối bời hướng nghiệp
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tình trạng thất nghiệp của nhóm lao động có trình độ đại học gia tăng và chiếm tỷ lệ cao nhất trong nhóm lao động thất nghiệp của năm 2017; sinh viên ra trường thiếu năng lực khi ứng tuyển vị trí việc làm, chậm nắm bắt công việc… Theo các chuyên gia, đây chính là hệ quả của những bất cập trong công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp hiện nay.
  • Ngăn chặn việc “cài cắm” lợi ích riêng trong văn bản pháp luật
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trong tháng 02/2018, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã tiến hành kiểm tra 16 Bộ, cơ quan trong việc cắt giảm danh mục sản phẩm, hàng hóa, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành (KTCN) và cắt giảm điều kiện kinh doanh. Kết quả cho thấy, bên cạnh những chuyển biến tích cực, việc đơn giản hóa thủ tục KTCN chưa đạt yêu cầu về tiến độ; nhiều thủ tục không cần thiết vẫn chưa được loại bỏ, gây khó khăn, tốn kém cho người dân, DN.
Nguy cơ hỏa hoạn vẫn “treo” trên đầu người dân