Liên kết phát triển du lịch: Còn nhiều rào cản

(BKTO) - Thiếu cơ chế, không có người điều phối, địa phương vẫn đặt nặng lợi ích riêng… Đó là những khó khăn nổi cộm trong vấn đề liên kết phát triển du lịch mà ngành này đang gặp phải.



Nói dễ, làm khó

Câu chuyện liên kết phát triển du lịch đã được khởi sự từ năm 2006 và bùng nổ vào năm 2013 với Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V. Đến năm 2016, nhiều chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch ra đời giữa các vùng miền, địa phương thông qua sự kiện năm Du lịch quốc gia. Nhờ sự kết nối, bắt tay giữa các địa phương, trong năm qua, nhiều hoạt động phong phú về du lịch đã diễn ra với sự phối hợp giữa các địa phương như: Hội chợ VITM Hanoi 2016, Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ V tại Đà Nẵng...

Đánh giá về xu hướng liên kết, hợp tác này, giới lữ hành cho rằng, các nhà quản lý du lịch đang dần bước qua rào cản mang tính địa phương. Theo ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hội lữ hành Việt Nam - mỗi vùng có thế mạnh riêng về vị trí địa lý, nguồn lực phát triển, tiềm năng du lịch. Vì vậy, cần kết nối các chuỗi giá trị để tạo thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn theo từng nhóm loại hình cung cấp cho du khách.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự liên kết giữa các địa phương mới dừng lại ở việc ký kết văn bản hợp tác, hứa hẹn nhiều nhưng thực hiện chưa được bao nhiêu. Nguyên nhân được xác định là do thiếu cơ chế hợp tác, thiếu “nhạc trưởng lĩnh xướng”, thiếu cả nguồn lực tài chính và tư duy cục bộ địa phương còn nổi cộm… Nêu dẫn chứng cụ thể, ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng - cho biết, vẫn còn sự thiếu đồng nhất giữa các trung tâm xúc tiến du lịch, từ tên gọi đến cơ quan chủ quản. “Chính những yếu tố này đã dẫn đến nguồn kinh phí chi cho xúc tiến du lịch của từng địa phương khác nhau, ảnh hưởng đến sự phối hợp chung của các đơn vị” - ông Vinh nói.

Trong khi đó, đại diện một DN lữ hành có trụ sở tại Hà Nội cho rằng, việc mở tour hay xây dựng sản phẩm, giới thiệu du lịch vùng miền vẫn chỉ là nỗ lực tự thân của các DN, thiếu sự sẻ chia từ các cơ quan quản lý du lịch, chính quyền. Thẳng thắn nhìn lại những chương trình: liên kết phát triển du lịch các tỉnh miền Trung; phát triển du lịch miền Trung và Thủ đô Hà Nội; liên kết các tỉnh Đồng bằng sông Hồng…, đại diện Tổng cục Du lịch từng phải thừa nhận là chưa hiệu quả, thiếu thiết thực và còn mang nặng tính hình thức, đặc biệt là tính “địa phương chủ nghĩa", đặt nặng lợi ích của địa phương.

Mạnh ai nấy làm

Xung đột lợi ích, thiếu sự liên kết đã tạo nên tình trạng tranh mua, tranh bán, hạ chất lượng sản phẩm. Dễ thấy nhất là sản phẩm du lịch đơn điệu, trùng lắp, lễ hội thiếu liên kết, không tạo thành các chuỗi sự kiện, dẫn tới sự cạnh tranh, phân chia thị trường khách du lịch “thiếu lành mạnh” giữa các địa phương và khó xây dựng các chuỗi sản phẩm du lịch xuyên suốt cho toàn vùng. Trong khi đó, để triển khai các hoạt động liên kết phát triển sản phẩm, loại hình du lịch giữa các tỉnh, thành với nhau, khâu tổ chức quản lý đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Song cho đến nay, hầu hết mối quan hệ liên kết này đều không xác định được người đứng ra điều hành và chủ trì toàn bộ hoạt động liên vùng.

Nói về tình trạng này, ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - thừa nhận, có tình trạng một số địa phương thiếu quan tâm và dành sự đầu tư nhất định cho việc phát triển du lịch theo chiều sâu, ít có sự liên kết với các vùng miền, địa phương khác, nhưng cách làm chụp giật của một số DN lữ hành cũng khiến cho thực trạng liên kết càng trở nên rối ren.

Cho rằng liên kết ngành, liên kết các địa phương vẫn là khâu yếu nhất trong phát triển du lịch của Việt Nam, TS. Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững - nhấn mạnh: “Ngoài việc tổ chức thêm nhiều cuộc hội thảo có sự tham gia của các địa phương, Chính phủ cần mạnh mẽ lên tiếng mới có thể liên kết được các địa phương lại với nhau”.

Trong nhiều diễn đàn, Hội nghị xúc tiến về du lịch, vấn đề phát triển du lịch gắn với liên kết vùng miền, hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước đã được đề cập. Phát biểu tại một diễn đàn phát triển du lịch hồi tháng 6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thực sự như Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra thì các cấp, các ngành cần xắn tay áo vào làm thực chất; kết nối du lịch vùng miền thực sự rõ nét, hiệu quả chứ không nói suông, rồi mạnh ai nấy làm".

Tinh thần và quyết tâm ấy đã được thể hiện rất rõ trong nhiều văn bản có liên quan cũng như chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ. Thế nhưng, tình trạng rối ren trong liên kết sẽ khó cải thiện, khi bản thân ngành Du lịch, các địa phương và DN vẫn còn khép kín và chưa thực sự có ý thức xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia.
NGUYỄN LỘC
Theo Tuần Báo ra ngày 07-9-2017
Cùng chuyên mục
Liên kết phát triển du lịch: Còn nhiều rào cản