Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2019: Yêu cầu an toàn, bảo mật được đặt lên hàng đầu

(BKTO) - Mức độ phân loại cao, không đánh đố người học song đề cao tính thực tiễn, khả năng ứng dụng của người học... là những cảm nhận chung về đề thi các môn sau 2 ngày thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia. Bên cạnh đó, yêu cầu cẩn mật, thận trọng đối với công tác coi thi cũng là điểm nhấn tại Kỳ thi THPT quốc gia đang diễn ra.




Nhiều thí sinh tự tin với đề thi năm nay. Ảnh: Thu Trang

Hàng vạn sĩ tử dự Kỳ thi THPT quốc gia

Từ ngày 25/6, hơn 887.000 thí sinh cả nước đã tham dự Kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp, xét tuyển đại học. Cũng như kỳ thi THPT các năm trước, để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh THPT phải dự thi 4 bài, trong đó, 3 bài bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp. Thí sinh học chương trình Giáo dục thường xuyên dự thi 3 bài, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài tự chọn trong 2 bài thi tổ hợp. Nhiều ngày trước khi Kỳ thi diễn ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, nội dung đề thi vẫn nằm trong chương trình THPT nhưng chủ yếu thuộc chương trình lớp 12. Do đó, các thí sinh đã có sự chuẩn bị cần thiết cho Kỳ thi.

Trong 2 ngày thi (25 - 26/7), các thí sinh đã trải qua các môn thi Ngữ văn, Toán, bài thi tự chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) và Ngoại ngữ. Theo ghi nhận tại một số điểm thi trong buổi sáng 25/6 với môn thi Ngữ văn, nhiều thí sinh đã nộp bài sau 2/3 thời gian làm bài thi. Nhiều thí sinh cho rằng, độ khó của đề thi Ngữ văn vừa phải nên dễ đạt được điểm thi đủ để xét tốt nghiệp THPT. Đối với thí sinh dự thi có sử dụng kết quả môn thi để làm căn cứ xét tuyển đại học, để đạt được điểm cao, thí sinh phải có kiến thức, có hiểu biết xã hội để liên tưởng, vận dụng và bày tỏ chính kiến của mình.

Trong khi đó, đánh giá nhanh về đề thi Ngữ văn năm nay, GS,TS. Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - cho biết, đề thi năm nay tương đối hay, phù hợp với người học. Đặc biệt, phần đọc hiểu và phần nghị luận xã hội có sự liên hệ với nhau nên thí sinh không mất quá nhiều thời gian để suy nghĩ, phát biểu ý kiến của mình. Riêng phần nghị luận văn học cảm nhận về hình tượng sông Hương trong đoạn trích trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” thì học sinh đã được ôn luyện khá kỹ trong nhà trường. Do đó, điểm môn thi này được dự báo sẽ tương đối sáng sủa” - GS,TS. Đinh Quang Báo cho biết.

Tương tự, đề thi Toán, Ngoại ngữ... năm nay cũng được thí sinh đánh giá là “dễ thở”. Nhiều thí sinh dự đoán mình sẽ được điểm trên trung bình các môn thi này. Trong sáng nay (27/6), các thí sinh trên cả nước sẽ tham gia bài thi cuối cùng là bài thi tự chọn tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Đảm bảo tính trung thực, an toàn tuyệt đối cho Kỳ thi

Để đảm bảo cho kỳ thi năm nay được diễn ra an toàn, trung thực sau những sự cố từ Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các địa phương rút kinh nghiệm trong khâu tổ chức coi thi, chấm chi; đồng thời có giải pháp để chấn chỉnh, thực hiện nghiêm các quy định, quy chế thi nhằm đảm bảo cao nhất tính an toàn, trung thực cho Kỳ thi.

Cụ thể, trước Kỳ thi, Bộ đã có Công văn yêu cầu các cơ sở GD&ĐT phân công rõ nhiệm vụ, quyền hạn gắn liền với trách nhiệm của từng cán bộ trong mỗi khâu tổ chức thi. Trong thời gian tổ chức Kỳ thi, chấm thi, thủ trưởng các cơ sở đào tạo trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia trong việc thực hiện nhiệm vụ của các cán bộ được phân công. Các cơ sở GD&ĐT phải xử lý kỷ luật nghiêm khắc cán bộ coi thi, chấm thi, thanh tra thi vi phạm quy chế thi cũng như quy trình tổ chức Kỳ thi; thường xuyên báo cáo Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia về tình hình tổ chức kỳ thi tại địa phương và những vấn đề phát sinh.

Đáng chú ý, các địa phương từng xảy ra tiêu cực trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 sẽ được giám sát chặt chẽ hơn tại Kỳ thi năm nay. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, đối với các địa phương này, việc lựa chọn và bố trí nhân sự tham gia làm công tác thi THPT quốc gia năm 2019 được thực hiện rất thận trọng. Theo đó, công an tỉnh tham gia thẩm định nhiều vòng nhân thân cán bộ làm công tác thi. Những cán bộ đạt yêu cầu về phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn mới được lựa chọn...

Đề cập về thời gian công bố điểm thi tại Kỳ thi năm nay, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT - cho biết, do quy trình chấm thi có thay đổi nên năm nay, việc công bố điểm thi THPT quốc gia sẽ chậm hơn năm ngoái vài ngày. Bộ GD&ĐT còn phải phân tích kết quả, thống kê trước khi công bố kết quả thi. Tuy nhiên, ông Trình cũng khẳng định, việc này sẽ không ảnh hưởng đến lịch tuyển sinh chung của các trường đại học.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 26 ra ngày 27-6-2019
Cùng chuyên mục
Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2019: Yêu cầu an toàn, bảo mật được đặt lên hàng đầu