KỶ NIỆM 73 NĂM NGÀY TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN (19/12/1946-19/12/2019): Hậu cần nhân dân, hậu cần tại chỗ

(BKTO)- Cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nội mở đầu toàn quốc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp diễn ra đêm 19/12/1946. Mục tiêu dự kiến bảo vệ Thủ đô 30 ngày đêm, nhưng thực tế đã diễn ra 60 ngày đêm. Đây là cuộc chiến đấu “đại thắng lợi” như Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi. Thắng lợi trên có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến vai trò của công tác bảo đảm hậu cần.



̣                
   

Quân và dân Thủ đô dựng chiến lũy chặn bước tiến của quân thù.

   
Huy động nhân lực

Thành ủy và Bộ Chỉ huy mặt trận Hà Nội đã thành lập Ủy ban Binh, Lương để vận động đông đảo nhân dân tham gia ngay tại địa bàn, từng khu vực tác chiến, nhằm bảo đảm hậu cần cho các lực lượng trực tiếp chiến đấu của Hà Nội với quân số khoảng 2,5 vạn người (chưa kể những người tham gia gián tiếp). Đông đảo nhân dân không chỉ xung phong vào các đơn vị trực tiếp chiến đấu mà còn tự nguyện tham gia đắp chiến lũy, đào hầm, giao thông hào chiến đấu và ngăn chặn xe tăng địch; ngả cây, ngả cột điện, khiêng bàn ghế, sập tủ, giường ra đường làm chướng ngại vật để cản địch.

Nhân dân còn có sáng kiến đục tường nhà nọ sang nhà kia, dùng nồi niêu, xoong chậu, rổ rá úp xuống đường phố để nghi binh giả mìn chống tăng, cản bước tiến của quân Pháp; tham gia tổ chức lực lượng vận tải, giao liên, tiếp tế, cứu thương; chuẩn bị lương thực, thực phẩm, tổ chức nấu ăn cho bộ đội, tự vệ và công an xung phong…

Tính nhân dân của lực lượng bảo đảm hậu cần biểu hiện rõ nét trên cả 3 mặt: Chủ trương không tổ chức lực lượng chuyên trách nằm trong biên chế; Nhân dân tham gia rộng rãi bằng khả năng và tinh thần tự nguyện của mình; Ủy ban Binh, Lương chủ yếu làm chức năng vận động và điều phối chung, việc bảo đảm cụ thể phụ thuộc vào yêu cầu của từng đơn vị trên từng địa bàn tác chiến của các liên khu... Đó là một trong những bài học quý về công tác bảo đảm hậu cần.

Tạo nguồn hậu cần

Nguồn hậu cần có vai trò quyết định. Do đó, Thành ủy và Bộ Chỉ huy mặt trận Hà Nội đã chủ trương dựa vào hai nguồn chính là: Tự chế tạo là chủ yếu; Tranh thủ mua lại vũ khí của quân Tàu Tưởng. Ngay trong thời gian chuẩn bị chiến đấu, thành phố đã chỉ đạo chuyển các xưởng sản suất công nghiệp dân dụng như: Hoàng Văn Thụ, Tương Lai, công ty Phan Đình Phùng và công ty cơ khí tư nhân Cao Thắng... sang sản xuất chế tạo lựu đạn, bom 3 càng, súng Stenll và hình thành các xưởng sửa chữa súng, pháo, bom mìn... còn chủ yếu mua lại vũ khí của quân Tưởng Giới Thạch với số lượng hàng vạn vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự.

Thành phố phát động phong trào Tuần lễ vàng, mùa đông binh sĩ để khắc phục khó khăn về tài chính, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Chỉ trong thời gian ngắn đã thu được hàng nghìn lạng vàng, hàng chục tấn thóc và hàng chục triệu đồng; nhiều hợp tác xã may quân trang, sản xuất các mặt hàng quân dụng đã ra đời.

Thành phố còn có chủ trương kịp thời sơ tán các nhà máy ra ngoại thành, sớm hình thành các an toàn khu (ATK) ở ngay ngoại thành và một số tỉnh lân cận như Hà Đông, Sơn Tây... để thực hiện kế hoạch bổ sung vật chất hậu cần cho quân và dân Hà Nội chiến đấu 60 ngày đêm.

Để bảo đảm y tế, Thành phố đã chỉ đạo thành lập Ban Y tế Vệ quốc đoàn Trung ương phối hợp hoạt động với Hội Hồng thập tự Hà Nội mở các lớp học y tá, cứu thương phục vụ các đơn vị vệ quốc đoàn, tự vệ và công an xung phong chiến đấu ở cả 3 liên khu của thành phố.

Phương thức bảo đảm hậu cần

Qua tổng kết 60 ngày đêm chiến đấu cho thấy nổi lên hai phương thức bảo đảm hậu cần chủ yếu là: Bảo đảm tại chỗ và vận chuyển từ ngoại thành vào. Phương thức bảo đảm hậu cần tại chỗ đã được Thành ủy và Bộ Chỉ huy mặt trận Hà Nội dự kiến và chuẩn bị từ tháng 11/1945 (tức là 13 tháng trước lúc cuộc chiến đấu bắt đầu). Những vật phẩm chủ yếu như: đạn dược, lương thực, thuốc men... nhân dân và các cơ quan, đơn vị trong nội thành đã được hướng dẫn tích trữ lương thực, thực phẩm khô đối với từng gia đình, từng đơn vị. Nước cũng được đưa vào danh mục và có kế hoạch dự trữ. Đối với những nơi có điều kiện phải đào giếng để chủ động trong chiến đấu dài ngày. Chủ trương tiết kiệm tiêu dùng tăng cường chuẩn bị cho chiến đấu cũng được quán triệt đến toàn thể nhân dân nội thành và ngoại thành.

Phương thức vận chuyển từ ngoại thành vào nội thành cũng được chuẩn bị chu đáo. Phòng quân nhu, quân giới ra đời ngay trong quá trình chiến đấu đã kịp thời tổ chức chỉ đạo bổ sung lương thực, thực phẩm, đạn dược cho các đơn vị chiến đấu. Ban vận tải do Ủy viên Thành ủy phụ trách, lương thực, thực phẩm do nhân dân cung cấp; thành lập các đội vận tải lương thực, thực phẩm vận chuyển 2 chiều, khi đi vào nội thành vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men và khi từ nội thành ra thì vận chuyển hàng hóa mà bên ngoài đang cần.

Đội vận tải vũ khí, đạn dược, cuốc xẻng... cũng vận chuyển 2 chiều, khi vào nội thành vận chuyển vũ khí, trang bị chiến đấu, khi ra vận chuyển những vũ khí hỏng không sửa chữa được tại chỗ, những nguyên vật liệu quý hiếm để cung cấp cho các xưởng tự chế vũ khí, trang bị. Lực lượng tham gia vận chuyển chủ yêu lấy từ thanh niên, dân quân ngoại thành.

Ngoài ra để bảo đảm hậu cần, nhân dân ngoại thành nhận trách nhiệm cung cấp lương thực, rau xanh, tiếp tế, cứu thương cho các lực lượng chiến đấu; giúp nhân dân nội thành tản cư, đào hầm hố, sẵn sàng đánh địch và thực hiện vườn không, nhà trống...

73 năm đã đi qua, lịch sử vàng son vẫn còn in đậm những trang truyền thống hào hùng của quân và dân Thủ đô với 60 ngày đêm chiến đấu chống thực dân Pháp. Ngày nay, trên thế giới đã xuất hiện nhiều loại hình chiến tranh mới với phương thức bảo bảo đảm hậu cần hiện đại hơn. Tuy nhiên, quan điểm hậu cần nhân dân, hậu cần tại chỗ vẫn là bài học quý giá mà các thế hệ người Việt Nam hết sức tự hào và trân trọng gìn giữ.

Theo daibieunhandan.vn
Cùng chuyên mục
  • Kiên quyết tháo dỡ công trình sai phép trong vùng di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Ngày 16/12, dưới sự hướng dẫn của cơ quan chức năng, hàng chục công nhân, cán bộ kỹ thuật của Công ty cổ phần dịch vụ thương mại và Du lịch (CPDVTM&DL) Doanh Sinh đã thực hiện tháo dỡ, thu dọn vật tư, thiết bị tại công trình của công ty đang thi công sai phép ở Khu du lịch sinh thái Thung Nham - một điểm du lịch nằm trong Vùng di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An - thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư (Ninh Bình).
  • “Trái tim cho em” và 5.200 cuộc đời được hồi sinh
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tối 15/12, tại TP. HCM đã diễn ra Gala “Trái tim cho em - 2019”. Sau 11 năm thực hiện, Chương trình “Trái tim cho em” đã nhận được 152 tỷ đồng ủng hộ từ các nhà tài trợ, nhờ đó, gần 5.200 trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh đã được phẫu thuật tim miễn phí.
  • Thận trọng khi đặt hàng phim từ nguồn vốn ngân sách
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 21 vừa khép lại với những giải thưởng danh giá nhất được trao cho các phim do tư nhân sản xuất. Trong khi đó, loại hình phim do Nhà nước đặt hàng tiếp tục gây thất vọng trên cả thị trường rạp chiếu lẫn giải thưởng.
  • Áp dụng khoa học - công nghệ  để kéo giảm tai nạn giao thông
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tai nạn giao thông (TNGT) luôn là một vấn đề "nóng", hậu quả của nó không chỉ tác động trực tiếp đến những người có liên quan mà còn gây thiệt hại to lớn về kinh tế, tinh thần và nhiều hệ lụy khác cho gia đình, xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ là giải pháp phù hợp nhất hiện nay để kéo giảm TNGT.
  • Đà Nẵng: Còn nhiều khó khăn trong xử lý nợ đọng bảo hiểm xã hội
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Theo Báo cáo kết quả thi hành Luật Bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016-2019 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, bên cạnh những kết quả tích cực trong công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), công tác thu hồi nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thời gian qua tuy có nhiều chuyển biến song tình hình nợ trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp.
KỶ NIỆM 73 NĂM NGÀY TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN (19/12/1946-19/12/2019): Hậu cần nhân dân, hậu cần tại chỗ