(BKTO) - Thế giới có rất nhiều những điểm hành hương lớn nổi tiếng, như Thánh địa Mecca, Varanasi, núi Arafat hay bức tường Than khóc… Còn ở Việt Nam, nhất là trong dịp Tết đến xuân về, những người hướng theo đạo Phật cũng tự tìm cho mình những chuyến hành hương. Trong đó, núi Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh) là một trong những địa danh Phật giáo linh thiêng và nổi tiếng nhất miền Bắc được nhiều người lựa chọn.



Núi Yên Tử cao 1.068 m so với mực nước biển, thuộc dãy núi Đông Triều nằm ở vùng Đông Bắc Việt Nam, giữa ranh giới hai tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh. Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng, đến đây tu hành để tìm đến sự thanh tịnh nơi Phật pháp và thành lập một dòng Phật giáo đặc trưng của Việt Nam, đó là dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử . Ông đã cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử để làm nơi tu hành và truyền kinh, giảng đạo. Từ đó đến nay, Yên Tử trở thành công trình thiền viện lớn nhất Việt Nam.
                
   

Một số địa danh tham quan Yên Tử - Ảnh: internet

   

Để lên được tới đỉnh của Yên Tử, mọi người có thể dễ dàng di chuyển bằng cáp treo và ngắm cảnh từ trên cao. Nhưng nếu muốn được nhìn thấy những vẻ đẹp ẩn sâu dưới tán cây rừng, hãy đi theo đường bộ.

Leo bộ lên Yên Tử chắc chắn không phải thử thách dễ dàng, vì du khách sẽ phải vượt qua quãng đường dốc dài khoảng 6.000m với hàng nghìn bậc đá. Để cho dễ hình dung, thì quãng đường này tương đương với việc du khách sẽ phải leo hơn 240 tầng nhà! Chỉ nghe thôi có lẽ nhiều người sẽ thấy nản lòng, nhưng hãy tin tôi, quãng đường ấy hoàn toàn xứng đáng để chúng ta chinh phục.

Trung bình một người có sức khỏe bình thường sẽ mất khoảng 6 đến 7 tiếng cho chiều leo lên đỉnh núi và mất khoảng 5 tiếng cho chiều đi xuống. Thông thường để giữ sức, các đoàn hành hương sẽ bắt đầu leo từ đầu giờ chiều, đến điểm dừng chân là chùa Hoa Yên để nghỉ lại một đêm, sáng sớm hôm sau leo tiếp. Còn nếu là người có sức bền dẻo dai và thích đặt ra thử thách cho bản thân, muốn được ngắm Yên Tử chìm trong màn sương và khi được nhuộm vàng trong ánh hoàng hôn lúc chiều tà, hãy bắt đầu chuyến hành trình từ sáng sớm để có thể hoàn thành chuyến đi trong một ngày.
                
   

Cầu Giải oan - điểm bắt đầu của cuộc hành trình leo Yên Tử.

   

Cung đường leo bộ được bắt đầu từ suối Giải oan và Cầu Giải oan nằm dưới chân núi. Tương truyền đây là nơi các cung tần của vua Trần Nhân Tông đã dìm mình tự vẫn khi ông từ bỏ ngai vàng và lên núi tu hành. Đi qua cây cầu là những bậc thang đá đầu tiên, quãng đường leo ban đầu này rất dễ dàng khi các bậc thang đều rộng, mới và chưa nhiều dốc. Đi qua đoạn đường này, các bậc đá bắt đầu hẹp hơn và cao hơn, ăn sâu vào đất núi và rễ cây hai bên. Những cung đường nhỏ, quanh co vắng lặng sẽ mang tâm trí chúng ta ra xa khỏi những lo toan, suy nghĩ bộn bề thường nhật. Nhắm mắt lại, hít thở bầu không khí trong lành se se lạnh, mùi cây cỏ còn đẫm sương với không gian tĩnh lặng chỉ nghe thấy tiếng chim ca, tiếng lá xào xạc, tiếng bước chân và từng nhịp thở của chính mình.

Để leo Yên Tử cũng có rất nhiều con đường, mỗi đường lại có thảm thực vật khác nhau và độ dễ khó cũng khác nhau. Du khách có thể chọn cho mình đường băng qua rừng Trúc hoặc rừng Tùng. Vào những ngày nhiều gió, bước chân vào rừng Trúc sẽ thấy như mình lạc trong một bản hòa tấu âm vang bất tận của thân và lá Trúc. Những âm thanh lao xao xào xạc khiến tâm trí như tan vào cùng trời đất. Còn rừng Tùng sẽ là nơi dành cho những người yêu thích vẻ đẹp hùng vĩ, trầm mặc. Những cây Tùng cổ hàng ngàn năm tuổi đứng thẳng tắp, hiên ngang giữa núi rừng với tán cây dày xòe rộng, rễ cây đâm sâu và len lỏi vào cả từng bậc đá, tạo nên một khung cảnh vừa mạnh mẽ lại rất hữu hình.
                
   

Rừng Tùng Yên Tử

   

Càng lên cao, đoạn đường leo càng bắt đầu khó hơn, khi các bậc đá đã bị thời gian, mưa nắng bào mòn không còn được thành hàng thành bậc và núi ngày càng dốc. Khi du khách đã bắt đầu thấm mệt, chặng nghỉ đầu tiên chính là ngọn tháp Huệ Quang - nơi cất giữ xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Trong Phật giáo, Xá lị (hay còn gọi là Xá lợi) là những hạt nhỏ trông giống hạt ngọc trai hoặc pha lê được tìm thấy trong tro hỏa táng của các vị cao tăng tu hành. Xá lị được coi là bảo vật linh thiêng, kết tinh từ những điều tốt đẹp nhất của một kiếp tu hành nhân gian. Ngọn tháp nơi cất giữ Xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông với những bức tường đã phủ đầy rêu nằm ở ngay chân chùa Hoa Yên. Chùa Hoa Yên là ngôi chùa trung tâm và là chùa lớn nhất của Yên Tử, khi xưa là nơi Phật hoàng giảng đạo. Nằm ở độ cao hơn 500 m, chùa Hoa Yên là điểm kết thúc của chặng leo đầu và là nơi các du khách có thể nghỉ lại qua đêm tại chùa. Ngôi chùa được tôn tạo lại vào năm 2002 trên nền chùa cũ với hệ thống các gian thờ, tượng thờ phong phú. Cây cối trồng xung quanh chùa đều là những cây cổ hàng trăm năm tuổi, chỉ còn thân và cành, tạo nên một không gian nghiêm trang và huyền bí.

Du khách không thể bỏ qua chùa Một Mái, ngôi chùa nằm phía trên chùa Hoa Yên. Đây là ngôi chùa cổ nhỏ, nằm nép mình vào vách núi. Điều đặc biệt là ngôi chùa này có một hang nước, nước ở đây chảy ra từ trong lòng suối nên lúc nào cũng mát lạnh và trong lành, giúp giảm bớt đi những mệt mỏi trên cung đường leo. Du khách thường sẽ lấy nước ở hang và mang theo cho chặng đường kế tiếp. Tiếp theo du khách có thể chọn cung đường leo đến chùa Bảo Sái hoặc chùa Vân Tiêu. Tuy nhiên đường lên chùa Vân Tiêu sẽ dốc và khó di chuyển hơn rất nhiều, nhất là trong những ngày trời mưa ẩm. Lúc này khi đã leo được một chặng đường khá dài, du khách sẽ bắt đầu thấy những làn mây leo lỏi theo từng bước chân và khung cảnh hùng vũ trùng điệp của núi rừng phía dưới.
                
   

Du khách leo Yên Tử

   

Chặng đường khó khăn nhất của hành trình bắt đầu từ đây, gần 600 m để lên với chùa Đồng nằm trên đỉnh núi không còn là những bậc đá mà chỉ là các hòn đá nhỏ cheo leo, trơn và dốc. Du khách sẽ phải bám chắc vào từng bậc đá và di chuyển thật cẩn thận. Dọc đường sẽ có một vài căn nhà lá nhỏ của người dân để phục vụ du khách nghỉ ngơi. Càng lên cao, khi tiếp xúc với những người dân quanh năm sống trên núi, du khách sẽ cảm nhận được sự dễ chịu, thư thái và bình yên trong tâm hồn của họ. Những dòng nước suối mát lành từ lòng núi, một vài loại quả rừng, những con vật nuôi quấn quýt hiền lành đã làm nên một cuộc sống thanh tịnh và bình an. Bí quyết sống của họ khi được hỏi, chỉ đơn giản bằng hai từ “thuận Thiên”. Trời cho sao thì nghe vậy, sống dựa vào núi rừng và giữ gìn, bảo vệ nguồn sống đó. Có lẽ vì thế mà những nụ cười ở đây cũng hiền hậu ấm lành như cây cỏ..

Càng lên cao, các cây to càng thưa thớt, tạo điều kiện cho du khách có thể nhìn thấy cả không gian rộng lớn bao trùm. Du khách sẽ đi qua An Kì Sinh – bức tượng đá được tuyên truyền do một vị đạo sĩ hóa thành và tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng đồng. Đoạn đường cuối chắc chắn sẽ lấy đi của du khách rất nhiều sức lực khi các mỏm đá nằm lộn xộn và kích thước không đều, gió trên đỉnh núi cũng ngày càng mạnh lên như để thử thách lòng can đảm trong tâm của những người hướng Phật.

Và ngôi chùa cuối cùng của cuộc hành trình, chùa Đồng – ngôi chùa nhỏ cổ kính còn giữ nguyên các đường nét xưa như một món quà vô giá dành cho những người nghị lực - đã xuất hiện. Chùa Đồng còn có tên Thiên Trúc tự (chùa Cõi Phật), đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là ngôi chùa đồng lớn nhất và nằm ở độ cao nhất cả nước.Theo dân gian, chùa Đồng là nơi giao thoa giữa đất, trời và con người; là nơi con người có thể cầu viện được “sinh lực của vũ trụ” cho mọi mặt của cuộc sống. Từ chùa Đồng, nhìn ra bốn hướng đều là khung cảnh trù phú của vùng Đông Bắc, mênh mênh mang mang một nỗi lòng khó tả..
                
   

Chùa Đồng nằm trên đỉnh núi Yên Tử

   

Mùa leo Yên Tử thường vào mùa Lễ hội từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch hàng năm. Những du khách leo dịp này thường mong muốn nhận được sự may mắn và bình an trong dịp năm mới. Nhưng nếu để khám phá hết được vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ, yên tĩnh và trầm mặc linh thiêng của Yên Tử, hãy thử đi vào những ngày ngoài lễ hội. Hoặc đơn giản, chỉ là một ngày bỗng thấy quá mệt mỏi với cuộc sống vội vã thường nhật, hãy dành cho bản thân một ngày để đến với Yên Tử, để thấy mình tự do và được thả trôi tâm trí theo những điều đơn sơ nguồn cội, rồi an yên tự khắc sẽ lại tìm về..

Và nếu trên chặng đường có lúc nào quá mệt, hãy thử bật bài hát Trên đỉnh phù vân, để ngân nga theo những câu hát chứa đầy thơ và tình:

Như cánh chim ngóng trời lồng lộng
Vương vấn yêu đương hứng giọt mưa nguồn,
một đời khát khao rút lòng nhả kén sầu
Ta muốn hỏi một câu:
Bao giờ thôi tơ vướng
...”

Bài và ảnh: THÙY CHI
Cùng chuyên mục
Hành hương Yên Tử