Hà Nội muốn xây nhà hát tầm cỡ, hiện đại: Nhiều vấn đề cần được làm rõ

(BKTO) - Xoay quanh chủ trương của TP. Hà Nội về việc xây dựng Nhà hát Hoa Sen có quy mô đầu tư lớn và hiện đại, nhiều chuyên gia kiến trúc đã có những ý kiến trái chiều về vấn đề này.



Ý tưởng cũ kỹ,thiếu tính sáng tạo

Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội sẽ xây dựng nhiều khu vui chơi giải trí để thu hút khách du lịch, trong đó có dự án Nhà hát Hoa Sen trong khu công viên trên địa bàn quận Cầu Giấy. Nhà hát Hoa Sen sẽ được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hoá và sẽ là nhà hát lớn và hiện đại nhất Thủ đô. Công trình được xây dựng trên diện tích khoảng 4 hecta có quy mô 6 tầng, cao 54m được thiết kế như bông sen nổi trên mặt nước.

Thông tin trên sau khi được công bố đã nhận được các ý kiến trái chiều từ dư luận xã hội, đặc biệt là các chuyên gia. Một trong những vấn đề nhận được nhiều đóng góp ý kiến, đó là phương án thiết kế của nhà hát.

Theo Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch hội Kiến trúc sư Việt Nam - việc nhà hát sử dụng biểu tượng hoa sen là chuyện không hiếm gặp trong xây dựng các công trình nghệ thuật. Tuy nhiên, “khi lấy ý tưởng thì ta phải khai thác cái tinh hoa, tinh thần của biểu tượng, những nét gợi lên hình ảnh bông sen, chứ không phải theo lối tả thực, dùng nguyên biểu tượng hoa sen” - ông Thông nói.

Đồng quan điểm, KTS Ngô Doãn Đức - Chủ tịch Liên đoàn Tư vấn kiến trúc Hội Kiến trúc sư Việt Nam - cho rằng, phác thảo xây dựng Nhà hát Hoa Sen có nhiều điểm không hợp lý, như: ý tưởng kiến trúc và cách tư duy quá cũ kỹ; hình ảnh bản phác thảo công trình thiếu tinh thần của thời đại, của công nghệ và sự tiên tiến trong vật liệu kiến trúc…

Còn theo KTS Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch hội KTS Việt Nam - trong trường hợp quyết tâm xây nhà hát, chính quyền thành phố phải thận trọng tìm kiếm phương án mới, tránh việc sau này phải điều chỉnh kiến trúc sẽ rất phức tạp, tốn kém.

Trao đổi với Báo Kiểm toán, ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội - cho biết, chủ trương của thành phố về xây dựng nhà hát có quy mô, tầm cỡ là đúng. Tuy nhiên, phương án xây dựng nhà hát hiện vẫn đang được thành phố nghiên cứu, điều chỉnh trước khi lấy ý kiến rộng rãi trong dư luận. “Có thể kiến trúc nhà hát sẽ thay đổi, nhưng ý tưởng thiết kế nhà hát gắn với hoa sen là không đổi” - ông Tiến nói.

Lo ngại lãng phí

Trong khi một số chuyên gia cho rằng thiết kế của Nhà hát Hoa Sen theo phương án thành phố đưa ra là không hợp lý, nhiều ý kiến khác không đồng tình với chủ trương xây thêm một nhà hát tầm cỡ lúc này vì quá lãng phí. Bởi trên thực tế, chỉ tính riêng số lượng nhà hát trên địa bàn Hà Nội đã gần bằng số nhà hát của tất cả các địa phương khác cộng lại.

Phần lớn các đơn vị nghệ thuật đóng trên địa bàn thành phố đều có rạp hát riêng nhưng không nơi nào khai thác có hiệu quả. Rạp Công Nhân có địa điểm “đẹp như mơ” trên phố Tràng Tiền không mấy khi sáng đèn, trong khi Nhà hát Cải lương Hà Nội, nằm trên phố Hàng Bạc cũng vắng bóng khán giả... Vậy tại sao trong khi còn quá nhiều công trình chưa sử dụng hết công suất mà thành phố lại chủ trương xây dựng thêm một nhà hát với công suất lớn như đề xuất?

PGS. TS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng - cho rằng, thay vì đầu tư xây mới, Hà Nội nên rà soát lại các công trình văn hóa trên địa bàn, đánh giá lại hiệu quả của các công trình này. “Chúng ta còn nhiều nhu cầu bức thiết hơn như xây trường học, bệnh viện… vì vậy nên xem xét để từ đó cân nhắc đầu tư cho thỏa đáng” - ông Hùng nêu ý kiến.

Chưa kể, theo KTS Nguyễn Tấn Vạn, việc xây dựng một nhà hát tầm cỡ, bằng nguồn vốn xã hội hóa sẽ khó tránh nguy cơ người dân khó tiếp cận với nhà hát, bởi khi đó giá vé vào nhà hát khá đắt đỏ. “Nếu xây dựng một công trình không dành cho đại đa số người dân mà chỉ để phục vụ cho một nhóm người thì đó là quá lãng phí” - ông Vạn lưu ý.

Đồng quan điểm, KTS Ngô Doãn Đức cho rằng, thời gian qua, nhiều địa phương có “mốt” xây dựng công trình trăm tỷ, nghìn tỷ. Quy trình bắt buộc trước khi đầu tư xây dựng, là chính quyền phải công bố, lấy ý kiến cộng đồng, đồng thời đánh giá tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của dự án trong tương lai. Thế nhưng trên thực tế quy trình này đã bị cắt bỏ, hoặc không được thực hiện một cách nghiêm túc. Bằng chứng là Bảo tàng Hà Nội được đầu tư đến 2.000 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn vắng khách, thiếu hiện vật trưng bày… Do đó, ông đề xuất thành phố nên cải tạo lại các công trình, làm sống động hơn các hoạt động văn hóa, thay vì xây công trình mới.

Nguyên nhân khiến cho các nhà hát thời gian qua hoạt động kém hiệu quả, ngoài yêu cầu về chất lượng tác phẩm công diễn, còn có lý do khác là cơ sở vật chất thiếu thốn, hoặc lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu trình diễn. Tuy nhiên, nguyện vọng được thành phố quan tâm, giúp nâng cấp cơ sở vật chất, cải thiện năng lực phục vụ khán giả, công chúng của một số nhà hát vẫn kéo dài qua nhiều năm và chưa biết bao giờ thành hiện thực. “Chúng tôi không xin gì hơn, chỉ mong thành phố cho cơ sở vật chất để đủ điều kiện biểu diễn, kéo khán giả đến nhà hát” - lãnh đạo Nhà hát Cải lương Hà Nội bày tỏ nguyện vọng.

NGUYỄN LỘC
Theo Tuần báo số ra ngày 10.8.2017
Cùng chuyên mục
Hà Nội muốn xây nhà hát tầm cỡ, hiện đại: Nhiều vấn đề cần được làm rõ