Du lịch “chạm ngưỡng” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

(BKTO) - Năm 2019, ngành du lịch Việt Nam dự kiến sẽ đón 103 triệu lượt khách, trong đó có 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa. Đặc biệt, ngành sẽ quyết tâm về đích trước một năm so với mục tiêu tại Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.




Nghệ sĩ nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại phố đi bộ - Ảnh: Thái Anh
Tăng trưởng vượt bậc

Kết thúc năm 2018, cùng với thành quả đón trên 15 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ khoảng 80 triệu lượt khách nội địa, du lịch Việt Nam cũng đạt mức doanh thu 620.000 tỷ đồng theo kế hoạch đề ra. Đây được xem là tiền đề để du lịch Việt Nam phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020.

Đồng thời, dấu mốc đón 15 triệu khách quốc tế năm 2018 còn góp phần khẳng định Việt Nam đang và sẽ là một điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cùng với đó, năm 2018 cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng đối với ngành du lịch. Trong đó, Diễn đàn Cấp cao du lịch lần đầu tiên được tổ chức và được kỳ vọng sẽ đặt nền móng xây dựng và phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt, tại Diễn đàn này, 5 thỏa thuận thương mại trị giá gần 2 tỷ USD đã được ký kết giữa các đối tác quốc tế và các DN trong nước, với cam kết xây dựng thị trường du lịch Việt Nam hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế...

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Lê Quang Tùng, cũng trong năm 2018, Đề án Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn đã được Chính phủ thông qua. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, đón và phục vụ 30 - 32 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trên 130 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 45 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 27 tỷ USD, ngành du lịch đóng góp trên 10% GDP; tạo ra 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp.

Năm 2019, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 103 triệu lượt khách, trong đó có 18 triệu khách quốc tế, phục vụ 85 triệu khách nội địa; quyết tâm về đích trước 1 năm so với mục tiêu tại Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là đón 17 - 20 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 82 triệu lượt khách nội địa.

Tuy nhiên, ông Tùng cũng cho rằng, để thực hiện được các mục tiêu trên, ngành du lịch cần sớm khắc phục những hạn chế đang tồn tại, như: cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nhân lực còn yếu, năng lực quản lý điểm đến còn thấp, phát triển du lịch chưa gắn với bảo vệ môi trường.

Du lịch phải lĩnh vai tròtiên phong, thúc đẩy kinh tế phát triển

Dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định vai trò, đóng góp to lớn của ngành du lịch vào kết quả chung của nền kinh tế đất nước năm qua. Theo Phó Thủ tướng, tốc độ phát triển nhanh của ngành du lịch thời gian qua cũng đặt ra yêu cầu về việc duy trì tăng trưởng và giải quyết thách thức để hướng đến trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. “Du lịch hiện được coi là ngành kinh tế phát triển chung cùng nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, du lịch không chỉ đi cùng, mà sẽ phải nhận vai trò tiên phong, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn, cải thiện môi trường, kéo xếp hạng về tăng cường cải cách năng lực cạnh tranh lên cao hơn” - Phó Thủ tướng nói và cho rằng, ngành du lịch cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ bởi đây chính là lời giải cho bài toán phát triển du lịch bền vững.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, ngành du lịch phải chú trọng xây dựng điểm đến du lịch thân thiện, an toàn, trong đó xây dựng đời sống văn hoá đầu tiên là ở các điểm du lịch từ đi lại, ứng xử đến nhà vệ sinh, vứt rác… Những thứ tưởng là nhỏ nhặt nhưng làm tốt thì môi trường du lịch sẽ an toàn, văn hoá.

Yêu cầu Bộ VH,TT&DL dành nhiều tâm sức, chỉ đạo thống nhất về phát triển du lịch cộng đồng, Phó Thủ tướng nêu rõ: Du khách đi du lịch cộng đồng là muốn trải nghiệm về sinh thái, không gian sống, các nét văn hoá truyền thống chứ không phải là ở khách sạn 5 sao. Nếu không có chỉ đạo để làm tự phát thì những nét đẹp nguyên sơ ở những điểm du lịch cộng đồng sẽ bị biến dạng.

Từ thực trạng ngành du lịch thiếu nhân lực trầm trọng, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ VH,TT&DL phải “xông vào, làm sát sàn sạt”, bằng nhiều hình thức đào tạo qua trực tuyến, vừa học vừa làm; chú trọng đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên có chất lượng, chuyên nghiệp, nâng cao hiểu biết về nghề và tình yêu nước cho các hướng dẫn viên. Tập trung khắc phục hạn chế, siết chặt quản lý điểm đến, kiểm soát chất lượng dịch vụ, chấn chỉnh hoạt động tour giá rẻ… việc quan trọng nhất là giữ được thương hiệu và chất lượng dịch vụ, chất lượng điểm đến, đem lại lợi ích cho DN và cộng đồng.

PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 04 ra ngày 24-01-2019
Cùng chuyên mục
Du lịch “chạm ngưỡng” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn