Đổi mới quy hoạch vùng để phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long

(BKTO) - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong số ít đồng bằng lớn trên thế giới bị tác động mạnh nhất do biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng. Bởi vậy, việc định hình chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL theo hướng bền vững, thích ứng với BĐKH đang là nhiệm vụ cấp bách lúc này.



Đối mặt với nhiều thách thức

Vùng ĐBSCL bao gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; diện tích khoảng 3,94 triệu hecta, chiếm khoảng 12% diện tích tự nhiên của cả nước với gần 18 triệu người. Trung bình, ĐBSCL cung cấp 54% sản lượng lúa, 70% lượng thủy sản nuôi trồng của cả nước, đóng góp 90% sản lượng lúa, gạo xuất khẩu…

Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy BĐKH, nước biển dâng cùng sự thay đổi dòng chảy và lượng phù sa, bùn cát từ sông Mê Kông đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định và phát triển bền vững của vùng ĐBSCL. Các nước ở thượng nguồn sông Mê Kông xây dựng nhiều hồ thủy điện, thủy lợi và công trình chuyển nước, làm lượng nước và phù sa, bùn cát bị giảm mạnh gây nhiều hệ quả xấu cho ĐBSCL.

Mức độ và cường độ xảy ra xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển và sụt lún đất đang ở mức báo động, suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản, gia tăng các điều kiện khí hậu cực đoan và thiên tai...

Bên cạnh đó, ĐBSCL cũng đang chịu áp lực gia tăng nguy cơ khan hiếm nước, ô nhiễm môi trường, nguồn nước do tăng dân số và phát triển các hoạt động sản xuất; đất sản xuất nông nghiệp cũng ngày càng bị thu hẹp. Theo các chuyên gia, trong tương lai không xa, khoảng 40% diện tích đất tại ĐBSCL có thể bị ngập vĩnh viễn do nước biển dâng, đe dọa sinh kế của hàng triệu người dân.

Trong phát biểu mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ 4 thách thức to lớn mà ĐBSCL phải đối mặt: BĐKH, nước biển dâng ảnh hưởng đến ĐBSCL; khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn; các hoạt động kinh tế cường độ cao của con người gây nên nhiều tổn thương cho môi trường, làm ô nhiễm nước, không khí và sụt lún đất; chất lượng du lịch bị ảnh hưởng lớn bởi BĐKH. Các thách thức này đang hiện hữu, đòi hỏi chúng ta phải thích ứng với thiên nhiên để giữ được đất, nước và đặc biệt là con người.

Khắc phục những bất cậptrong quy hoạch vùng

Một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là do công tác quy hoạch vùng hiện còn chồng chéo, chưa mang tính tổng thể. ĐBSCL hiện có trên 2.500 quy hoạch được lập, riêng quy hoạch cấp vùng có tới 22 bản quy hoạch. Nhiều quy hoạch thiếu tầm nhìn, thiếu sự liên kết vùng và chưa đảm bảo chất lượng cũng như tính khả thi. Điều này gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế - xã hội, làm lãng phí cơ hội và nguồn lực của đất nước.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, ĐBSCL phải lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, trung tâm, làm cơ sở xuyên suốt cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, phải coi nước lợ và nước mặn là nguồn tài nguyên, bên cạnh nước ngọt.

Định hướng về chiến lược phát triển ĐBSCL trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, ĐBSCL cần lấy con người làm trung tâm để xây dựng chiến lược phát triển vùng. Công tác quy hoạch phải đảm bảo chất lượng và sự liên kết theo hướng khai thác sử dụng nguồn nước trên thượng nguồn sông Mê Kông; chủ động cấp thoát nước ven khu vực sông Mê Kông; cùng nhau sử dụng hiệu quả nguồn nước. Bên cạnh đó, ĐBSCL cần xác định BĐKH là tất yếu, phải chủ động thích nghi; mọi hoạt động đầu tư phải được điều phối thống nhất, ưu tiên các công trình thiết yếu để thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

HOÀNG LONG
Theo Tuần Báo ra ngày 05-10-2017
Cùng chuyên mục
  • “Cởi trói” cho các cơ sở giáo dục đại học
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Sau 5 năm thực hiện Luật Giáo dục đại học (GDĐH) năm 2012, nhiều quy định trong Luật đã bộc lộ bất cập, trở thành rào cản cho sự phát triển của GDĐH nói chung và tự chủ ĐH nói riêng. Do đó, việc sửa đổi Luật được coi là yêu cầu bức thiết lúc này nhằm xóa bỏ những rào cản, tạo động lực cho các trường phát triển.
  • Mạnh tay cắt giảm điều kiện  đầu tư, kinh doanh
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Với việc cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh giai đoạn 2017-2018, tương đương với 55,5% tổng các điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, mà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vừa ký quyết định ban hành không chỉ làm “nhẹ lòng” DN, nhà đầu tư; mà còn góp phần vực dậy, củng cố niềm tin trong cộng đồng DN về một môi trường kinh doanh thông thoáng. Ngay lập tức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời khen tới Bộ Công Thương.
  • Chỉ có tự chủ, chất lượng giáo dục phổ thông mới được nâng lên
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Đó là nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội - bên lề Hội thảo giáo dục 2017 về chất lượng giáo dục phổ thông (GDPT) được tổ chức mới đây tại Hà Nội.
  • Đầu tư cho thể dục, thể thao:  Không để vận động viên sống… “thoi thóp”!
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Cùng với việc chú trọng đầu tư vào các môn thể thao trọng điểm, yêu cầu cải thiện, nâng cao chế độ, chính sách cho các vận động viên (VĐV) là 2 trong số những nội dung đáng quan tâm tại Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục thể thao (TDTT).
  • Bàn giải pháp giúp nông dân khởi nghiệp
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vừa phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Tọa đàm “Các giải pháp giúp nông dân khởi nghiệp”. Tại Tọa đàm, các chuyên gia và đại diện một số mô hình khởi nghiệp đã thảo luận, đưa ra những khuyến nghị về chính sách nhằm hỗ trợ nông dân khởi nghiệp.
Đổi mới quy hoạch vùng để phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long