Đôi điều xung quanh con lợn đất nhân Tết năm Hợi

(BKTO) - So với trẻ em các nước trên thế giới, trẻ em Việt Nam không được học kinh tế trong nhà trường với những kiến thức đơn giản về quản lý tài chính, cách thức chi tiêu và tiết kiệm tiền bạc… Do đó, trước khi Nhà nước đưa kỹ năng quản lý tài chính vào chương trình giáo dục chính thức cho trẻ em như các quốc gia tiên tiến, bằng những cách khác nhau, mỗi gia đình cần sớm có kế hoạch “dạy con dùng tiền” một cách tự nhiên trong đời sống hằng ngày. Con lợn đất là cách thức phổ biến nhất để các gia đình Việt Nam giúp con em mình ngoài mục đích tiết kiệm còn làm quen dần với việc “quản lý tài chính cá nhân”.



Dạy con đức tính tiết kiệm, không hoang phí

Hiện nay, phần lớn con cái luôn cho rằng, chỉ bố mẹ mới thích tiết kiệm và tiết kiệm đồng nghĩa với bủn xỉn, kém đẳng cấp. Song, thực tế, tiết kiệm là phương thức tài chính cũ kỹ nhất nhưng luôn luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt của mọi gia đình. Do đó, bố mẹ cần giúp con có ý thức tiết kiệm, biết phân biệt được “thứ mình cần” và “thứ mình muốn” trước mỗi quyết định chi tiêu.

Để dạy các con biết tiết kiệm, việc đầu tiên là bố mẹ đừng quên giới thiệu với các con ý nghĩa của những chú lợn đất là một “ngân hàng tí hon” để các con bước đầu học cách tích lũy tiền bạc cho một mục đích nào đó. Việc dùng lợn đất cho trẻ em cũng giống như cuốn sổ tiết kiệm của người lớn gửi ngân hàng: đó là tích góp tiền có được để vào một nơi trong một thời gian đủ dài thành món có giá trị lớn và khi cần lấy ra chi tiêu vào những việc quan trọng, cần thiết.

Bố mẹ nên cho con tự giữ tiền của mình và khéo léo nhắc nhở để tạo cho con thói quen bỏ tiền vào lợn đất. Đó có thể là những đồng tiền con được lì xì ngày Tết, là tiền mà con được ai đó khen tặng về thành tích học tập hoặc làm được việc tốt...

Dạy con biết cách chi tiêu hợp lý

Bất kỳ một việc nào đó, thời gian hình thành thói quen tốt nhất là khi người ta ở tuổi ấu thơ. Thói quen chi tiêu cũng không ngoại lệ. Vì vậy, kỹ năng tài chính là điều mà mỗi người đều phải học từ khi còn bé. Không có kỹ năng quản lý tài chính lúc nhỏ thì sẽ khó để trở thành người giỏi làm chủ kinh tế trong tương lai.

Trong thời gian “nuôi” lợn đất, bố mẹ nhớ hướng dẫn và giúp các con lên kế hoạch chi tiêu số tiền sắp có khi lợn đất tiết kiệm đã đầy. Phải làm sao để các con hiểu rằng, có trong tay một chú lợn đất đựng tiền tiết kiệm đồng nghĩa với việc các con đang sở hữu một tài sản. Các con sẽ nhận ra rằng, chúng có nghĩa vụ phải quản lý và bảo vệ tài sản ấy. Đó cũng là cách cho các con nhận biết tính tự giác và trách nhiệm.

Tiếp đó, bố mẹ cần nói cho các con biết rằng, với số tiền tiết kiệm được ấy, cần ưu tiên mua sắm thứ gì và tạm thời bỏ qua thứ gì để không thiếu hụt. Bố mẹ không quyết định thay mà chỉ nên gợi ý để các con làm quen với cách tự ra quyết định, như: tiền này sẽ dùng để chi tiêu vào việc gì, tiêu bao nhiêu và còn bao nhiêu vẫn để tiết kiệm… Như thế, trong đầu các con sẽ bắt đầu hình thành tư duy tự chủ. Với thói quen đó, các con bạn sẽ dễ dàng trở thành một người trưởng thành và tự lập sau này.

Ai cũng có cảm xúc hạnh phúc khi được cầm tiền, cũng có niềm đam mê tiêu tiền. Nhưng sẽ hữu ích hơn nếu bạn để con mình nhận thấy rằng, cảm xúc chiến thắng bản thân, giữ lại tiền trong tay trước cám dỗ tiêu xài bản năng cũng hạnh phúc không kém. Và hơn tất cả, trẻ nhỏ cần được thổi niềm hứng thú đối với nhiệm vụ quản lý chi tiêu những đồng tiền mà mình tiết kiệm được.

Từ việc hướng dẫn con cách chi tiêu tiền tiết kiệm trong lợn đất, tuỳ tình hình thực tế của gia đình, bố mẹ có thể thử trao cho con trách nhiệm quản lý tiền ăn sáng của con trong một tuần. Đây là dịp để con bạn sẽ được tự mình làm chủ, tận hưởng cảm giác của người làm chủ những đồng tiền có trong tay. Qua đó, các con sẽ thấy chúng được bố mẹ tin tưởng giao cho quản lý chi tiêu một phần nho nhỏ trong gia đình. Đó còn như là một phần thưởng để con bạn có thể tiến xa hơn bằng kỹ năng trong tính toán khoa học.

Dạy con biết chia sẻvới mọi người

Khi các con bắt đầu có tài sản trong tay, ngoài việc hướng dẫn con cách chi tiêu hợp lý, bố mẹ cũng nên gợi ý con cách sử dụng đồng tiền vào những việc có ý nghĩa chia sẻ với mọi người chứ không ích kỷ dùng riêng. Chẳng hạn, bạn có thể gợi ý cho con dùng tiền để mua quà sinh nhật cho anh chị em trong nhà hoặc góp một phần nhỏ vào việc mua sắm một vật dụng gì đó của cả nhà hoặc giúp đỡ bạn nào đó trong lớp gặp khó khăn hay bị tai nạn rủi ro... Những việc làm như vậy cũng sẽ giúp các con hình thành thói quen biết chia sẻ, biết quan tâm đến người khác.

Tuy nhiên, quan trọng nhất trong quá trình dạy con các bài học từ chú lợn đất tiết kiệm chính là bố mẹ cần làm gương. Con cái luôn hy vọng mình được trở thành người lớn giống như bố mẹ. Bố mẹ hãy luôn là tấm gương về tiết kiệm, biết quản lý chi tiêu, biết tự chủ, biết có trách nhiệm và biết chia sẻ với mọi người để các con soi vào, làm theo!

HỮU MÃO
Theo Báo Kiểm toán số Xuân 2019
Cùng chuyên mục
  • Sắc xuân nơi vùng cao Y Tý
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - “Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ”, câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên đã thúc giục chúng tôi tìm đến với Y Tý (tỉnh Lào Cai) - nơi được mệnh danh là “vùng đất mù sương” với những cảnh mây vờn núi, suối rì rào như chốn thiên thai. Vẻ đẹp đó càng trở nên tươi sáng, ấm áp hơn khi quyện hòa với không khí lao động hăng say của đồng bào các dân tộc nơi đây trên hành trình vươn lên thoát nghèo và bảo tồn các giá trị truyền thống tốt đẹp.
  • Về Tổng Phục xưa nghe hát Đúm
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Từ rất lâu, mỗi độ xuân về đất Tổng Phục xưa, gồm các xã: Phả Lễ, Phục Lễ, Lập Lễ… của huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng lại rộn ràng chuẩn bị cho Lễ hội truyền thống Hát Đúm ngày xuân. Năm nay, không khí cho Lễ hội truyền thống này lại càng rộn ràng hơn, khi tháng 9/2018 vừa qua, hát Đúm Thủy Nguyên đã chính thức có tên trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
  • Nỗ lực tạo dựng nền tảng an sinh bền vững
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Với vị trí trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia, việc thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) chính là góp phần bảo đảm quyền được an sinh xã hội của mỗi công dân, vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Chia sẻ với báo chí trước thềm năm mới 2019, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh khẳng định: Tất cả những nhiệm vụ mà ngành BHXH đang thực hiện đều hướng tới một mục tiêu đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia BHXH, BHYT.
  • Chủ tịch Ủy ban MTTQ Trần Thanh Mẫn: Chăm lo đời sống cho nhân dân, không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Đóng vai trò là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, cơ quan Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp góp phần quan trọng trong việc củng cố, tạo dựng lòng tin trong nhân dân, cùng nhân dân đóng góp ý kiến, tham gia những vấn đề quan trọng của đất nước. Nhân dịp đầu Xuân năm mới, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Trần Thanh Mẫn đã chia sẻ với Báo Kiểm toán về những dấu ấn nổi bật của cơ quan mặt trận gắn với vai trò giám sát, phản biện xã hội cũng như công tác chăm lo cho đời sống nhân dân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
  • Du lịch “chạm ngưỡng” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Năm 2019, ngành du lịch Việt Nam dự kiến sẽ đón 103 triệu lượt khách, trong đó có 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa. Đặc biệt, ngành sẽ quyết tâm về đích trước một năm so với mục tiêu tại Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đôi điều xung quanh con lợn đất nhân Tết năm Hợi