Để hoạt động triển lãm trở nên chuyên nghiệp hơn

(BKTO) - Trong bối cảnh đất nước ngày càng phát triển và hội nhập mạnh mẽ, triển lãm là hoạt động diễn ra thường xuyên, có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động này vẫn tồn tại nhiều bất cập…



Nhiều quy định quản lýkhông còn phù hợp,thiếu đồng bộ

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), mỗi năm, cả nước có khoảng 1.000 cuộc triển lãm với nhiều lĩnh vực khác nhau. Các hoạt động triển lãm đã góp phần nâng cao hiểu biết và nhu cầu thụ hưởng văn hóa, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân… Tuy nhiên, thực tế hoạt động triển lãm vẫn còn nhiều bất cập. Công tác quản lý triển lãm còn lỏng lẻo; rất ít địa phương thực hiện thống kê số liệu, kiểm soát nội dung triển lãm được tổ chức tại địa bàn; một số triển lãm có nội dung phản cảm gây bức xúc trong dư luận; thủ tục, quy trình cấp phép còn chồng chéo, không phân cấp rõ ràng với phạm vi quốc gia, cấp tỉnh…

Theo các chuyên gia, các quy định về hoạt động triển lãm hiện hành còn phân tán, thiếu đồng bộ, thậm chí, nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho đơn vị, cá nhân tham gia tổ chức triển lãm cũng như cơ quan quản lý nhà nước. Một số hoạt động triển lãm chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh. Thực tế cho thấy, những quy định quản lý hoạt động triển lãm ban hành trước đây mới chỉ dừng lại ở phạm vi mỹ thuật, nhiếp ảnh, chưa bao quát được toàn bộ các loại hình triển lãm đa dạng khác.

Những hạn chế trên dẫn đến công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động triển lãm còn nhiều bất cập. Điều này đã được KTNN chỉ ra qua thực tiễn kiểm toán. Cụ thể, tại thời điểm kiểm toán năm 2018, Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm sử dụng tác phẩm để trưng bày chưa có sự đồng ý của tác giả; chưa quản lý, theo dõi chặt chẽ vật tư, công cụ dùng cho triển lãm, hội chợ. Chương trình Xúc tiến du lịch của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH,TT&DL) chưa huy động được các nguồn lực xã hội hóa để giảm hỗ trợ từ NSNN. Nguồn kinh phí xã hội hóa còn dư sau thực hiện Đề án “Việt Nam tham gia Triển lãm Thế giới EXPO 2017” là hơn 2,6 tỷ đồng, tuy nhiên, số tiền này chưa được trình cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng tiếp…

Tăng cường giám sát,hậu kiểm

Rõ ràng, trước hàng loạt những bất cập trong công tác quản lý hoạt động triển lãm như vừa qua, sự ra đời của Nghị định số 23/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động triển lãm (Nghị định 23) và có hiệu lực từ ngày 15/4 vừa qua là cần thiết.

Nghị định cũng cho thấy sự cởi mở, thông thoáng về thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ trong việc cấp phép. Cụ thể, với các triển lãm có yếu tố nước ngoài quy mô quốc gia, quốc tế, do các Bộ, ngành T.Ư tổ chức, Bộ VH,TT&DL cấp phép; còn lại do các Sở VH,TT&DL cấp phép. Với các triển lãm không có yếu tố nước ngoài, đơn vị tổ chức chỉ cần gửi thông báo để cơ quan quản lý biết về nội dung, thời gian, địa điểm tổ chức. Nghị định cũng quy định các tổ chức, cá nhân khi tổ chức, tham gia tổ chức hoạt động triển lãm được tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập hiện vật, tài liệu để phục vụ triển lãm theo quy định của pháp luật...

Theo một kiểm toán viên của KTNN chuyên ngành III, một trong những khó khăn khi thực hiện kiểm toán đối với lĩnh vực VH,TT&DL, trong đó có hoạt động triển lãm là thiếu các quy định của pháp luật để kiểm toán viên có thể xem xét, đối chiếu, từ đó đưa ra xác nhận, đánh giá. Do đó, với việc cụ thể hóa các nội dung quản lý nhà nước về hoạt động triển lãm trong Nghị định 23, một số khó khăn trước đây sẽ được tháo gỡ.

Từng có nhiều năm làm công tác tổ chức triển lãm, ông Dương Văn Quynh - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật (Bộ VH,TT&DL) - cho biết, tham gia hoạt động triển lãm không chỉ có lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, mà là tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Chỉ xét riêng tính kinh tế mang lại từ các triển lãm kinh tế - xã hội là rất lớn. Đây không chỉ là kênh xúc tiến thương mại đem đến nhiều lợi ích giao thương, gặp gỡ đối tác, tìm hiểu thị trường mà còn là nơi các nhà đầu tư đàm phán, ký kết các hợp đồng. Do đó, yêu cầu nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức hoạt động triển lãm đang được đặt ra bức thiết.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng lưu ý cơ quan quản lý nhà nước cần thận trọng trong việc giám sát, kiểm soát hoạt động này. Bởi, hoạt động triển lãm vốn phức tạp do tập trung nhiều tổ chức, đối tượng, sản phẩm, đặc biệt là yếu tố nguồn gốc, xuất xứ của hiện vật. Theo đó, khi quy định quản lý đã có, các cơ quan quản lý nhà nước có chức năng cần tăng cường và thực hiện nghiêm công tác hậu kiểm; đội ngũ cán bộ thực thi công tác này cũng cần phải nâng cao nghiệp vụ để đảm bảo cao nhất hiệu quả quản lý đối với hoạt động triển lãm.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 16 ra ngày 18-4-2019
Cùng chuyên mục
  • Đảm bảo quyền lợi khi đổi mã hưởng Bảo hiểm y tế
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa ban hành công văn về việc đổi mã hưởng Bảo hiểm y tế (BHYT) theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP đối với đối tượng mang mã CK, CB, KC.
  • Chung tay cùng tiêm chủng bảo vệ cộng đồng
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Hưởng ứng Tuần lễ Tiêm chủng thế giới, ngày 19/4, tại TP. Hà Tĩnh, Bộ Y tế phối hợp tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Tiêm chủng năm 2019 với chủ đề “Chung tay cùng tiêm chủng bảo vệ cộng đồng”.
  • Tra cứu thông tin Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế qua tin nhắn điện thoại
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa triển khai Hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân, DN với cơ quan BHXH. Theo đó, chỉ bằng một tin nhắn qua điện thoại, người lao động, người tham gia BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT) có thể dễ dàng tra cứu quá trình tham gia BHXH, BHYT của mình qua đầu số 8079, với chi phí 1.000 đồng/tin nhắn.
  • Giá cả tăng cao, lương tối thiểu  vẫn “rượt đuổi”... mức sống tối thiểu
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Những ngày vừa qua, câu chuyện tăng giá xăng, điện kéo theo diễn biến tăng giá hàng hóa, dịch vụ đang trở thành vấn đề “nóng” được cả xã hội quan tâm, đặc biệt là trong bối cảnh mức lương tối thiểu vẫn chưa thể đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động (NLĐ).
  • Môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp FDI
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (PCI-FDI) năm 2018 từ phản hồi của 1.577 DN FDI đang hoạt động tại 20 tỉnh, thành phố có số DN FDI nhiều nhất tại Việt Nam cho thấy, các DN đã phản hồi tích cực hơn về triển vọng kinh doanh cũng như tình hình thực thi pháp luật đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Để hoạt động triển lãm trở nên chuyên nghiệp hơn