Đề án đào tạo tiến sĩ nghìn tỷ: Cần thiết nhưng phải thận trọng!

(BKTO) - Đề xuất chi tới hơn chục nghìn tỷ đồng dành cho công tác đào tạo tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận và các chuyên gia. Đặt trong bối cảnh các đề án trước đó không đạt được mục tiêu đề ra, những cảnh báo về tính khả thi của Đề án cần được Bộ GD&ĐT lưu ý.



Đào tạo thêm để đáp ứngyêu cầu đổi mới giáo dục

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ với báo chí về Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025” (Dự thảo Đề án) đang được dư luận xã hội quan tâm. Theo đó, Dự thảo Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 nâng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ lên 35% (khoảng 9.000 tiến sĩ) trong tổng số giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học.

Nói về lý do Bộ GD&ĐT xây dựng Đề án đào tạo thêm tiến sĩ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, do tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở nước ta hiện nay mới đạt khoảng 22%, tức là ở mức thấp, nên phải nâng tỷ lệ này lên mức trên 30% mới đảm bảo yêu cầu đề ra.

Mặt khác, Dự thảo Đề án không phải là lập mới, mà là chỉnh sửa, nâng cao chất lượng từ Đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020” (Đề án 911), trong đó tập trung vào việc thu hút các tiến sĩ đã đào tạo ở nước ngoài. “Đề án này không tập trung vào số lượng mà tập trung vào chất lượng để làm sao đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, không đào tạo tràn lan” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Để thực hiện mục tiêu trên, tổng kinh phí để thực hiện Đề án dự kiến là 12.000 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, nguồn kinh phí sẽ được quản lý tập trung, không rót về cơ sở mà dành trực tiếp cho người đáp ứng được các tiêu chuẩn nhận học bổng. “Số tiền này là dạng học bổng, ai đủ điều kiện thì được Nhà nước ưu đãi đào tạo, chứ không phải chia tiền rót về địa phương và các cơ sở” - Bộ trưởng Nhạ lý giải.

Việc đảm bảo kinh phí cho đào tạo tiến sĩ cũng đã được Quốc hội đồng ý. Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội tán thành duy trì một phần kinh phí Đề án 911 để đào tạo tiến sĩ, tiếp tục đảm bảo kinh phí đào tạo các lưu học sinh đã tham gia nhập học. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các đề án nói chung của ngành Giáo dục và Đề án 911 nói riêng để đảm bảo việc sử dụng kinh phí được hiệu quả, tiết kiệm.

Cần đảm bảo hiệu quảvà chất lượng

Tuy nhiên, nhìn lại những chương trình đào tạo tiến sĩ vừa qua, như Đề án “Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng NSNN” và Đề án 911, nhiều chuyên gia thẳng thắn cho rằng: Các chương trình trên đều không đạt được mục tiêu theo kế hoạch đặt ra. Bởi vậy, theo TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội - chủ trương đào tạo tiến sĩ là cần thiết, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, ngành Giáo dục cần cân nhắc, thận trọng trong cách làm để đảm bảo hiệu quả.

Nêu thực trạng đào tạo tiến sĩ còn nhiều bất cập, điển hình như trường hợp đào tạo của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thời gian qua, TS. Lâm cho rằng, cần phải xem lại quy trình đào tạo sao cho thực sự cải tiến, tương xứng với số tiền đầu tư. “Nếu chỉ chạy theo số lượng mà không củng cố chất lượng, dù học thật, bằng thật, chất lượng vẫn chưa thật” - TS. Lâm cảnh báo.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - cho rằng, điều quan trọng để có được người tài, không phải ở việc “nuôi”, mà là ở cách thu hút, giữ chân họ ra sao. Nhà nước cần tăng cường chính sách thu hút, giữ chân người tài bằng lương, chế độ đãi ngộ, thay vì quá đầu tư vào công tác đào tạo nguồn như hiện nay.

Trước đây, Bộ GD&ĐT có Đề án 911, với mục tiêu đào tạo 20.000 tiến sĩ. Nhưng do tuyển sinh “ào ào”, nên chất lượng là tiến sĩ... giấy. “Nếu thực hiện vội vàng mà không có đánh giá kỹ lưỡng, rút ra bài học kinh nghiệm, chúng ta sẽ lặp lại sai lầm của đề án trước” - ông Nhĩ lưu ý.

Trong khi đó, TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) - nhìn nhận rằng: Bộ GD&ĐT và các trường cần có chiến lược dài hơi và nghiêm túc về vấn đề này để không gây thêm lãng phí về kinh tế và nhân lực.

Cơ bản đồng tình với tính cần thiết của Đề án, nhưng nhiều chuyên gia nhấn mạnh, cần tăng cường quản lý công tác đào tạo tiến sĩ, tránh lặp lại những hạn chế cũ nhằm đào tạo được đội ngũ tiến sĩ chất lượng và để chục nghìn tỷ đồng từ NSNN không bị “ném qua cửa sổ” khiến người dân mất niềm tin vào công cuộc đổi mới giáo dục.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 47 ra ngày 23-11-2017
Cùng chuyên mục
  • Ấm tình Điện Biên
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tờ mờ sáng một ngày đầu tháng 9, gần 40 thành viên trong đoàn thiện nguyện chúng tôi đã chuyển những món đồ cuối cùng lên xe và bắt đầu chuyến hành trình lên Điện Biên mang niềm vui đến với trẻ em miền sơn cước…
  • Doanh nghiệp kiểm toán trước yêu cầu hội nhập
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán, Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam Hoàng Đức Hùng cho rằng, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đã đặt ra những yêu cầu ngày càng cao hơn đối với các công ty kiểm toán.
  • Xử phạt DN xuất khẩu lao động vi phạm: Mạnh tay để lập lại kỷ cương
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Vừa qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã công bố danh sách 46 DN xuất khẩu lao động (XKLĐ) bị thu hồi giấy phép… Động thái này của cơ quan chức năng đã cho thấy sự vào cuộc quyết liệt với quyết tâm chấn chỉnh tình trạng lộn xộn trong lĩnh vực quản lý XKLĐ diễn ra lâu nay.
  • Bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách tại Ninh Bình
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", ngày 15/11, Công đoàn KTNN khu vực XI đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình ông Phạm Ngọc Thăng (thương binh hạng 4/4) tại thôn 1, xã Đông Sơn, TP.Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.
  • Lùi thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới: Cam kết không phát sinh kinh phí
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề có hay không nguy cơ phát sinh kinh phí do lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới (CT-SGK)?
Đề án đào tạo tiến sĩ nghìn tỷ: Cần thiết nhưng phải thận trọng!