Đánh thức tiềm năng du lịch đảo Cồn Cỏ

(BKTO) - Với những tiềm năng sẵn có, Cồn Cỏ được ví như “viên ngọc thô”, “nàng công chúa” về du lịch mà thiên nhiên ban tặng. Bởi vậy, đánh thức, khơi dậy những tiềm năng du lịch đảo Cồn Cỏ đang là ưu tiên đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội của mảnh đất Quảng Trị anh hùng.




Cồn Cỏ được ví như “viên ngọc thô”, “nàng công chúa” về du lịch. Ảnh: zing.vn
Cồn Cỏ - đảo ngọcgiữa biển Đông

Cồn Cỏ là một huyện đảo mới thành lập. Trước kia, đây là đảo quân sự - vị trí chiến lược trong cuộc chiến giành thống nhất từ hai bờ vĩ tuyến 17. Nơi đây được biết là hòn đảo “thép” với những chiến công vang dội đi vào lịch sử dân tộc. Vượt lên gian khổ hy sinh, quân và dân nơi đây đã vững vàng trên tuyến đầu ác liệt để viết nên những câu chuyện huyền thoại. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đảo cũng là nơi trung chuyển người, lương thực, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam.

Hòa bình lập lại, Cồn Cỏ được xây dựng thành đảo dân sự. Tuy diện tích không lớn, nhưng nơi đây có hệ thực vật rừng và biển đa dạng. Điểm nhấn là các thềm đá bazan độc đáo dọc bờ biển, các bãi tắm nhỏ hoang sơ được tạo thành từ sụn san hô, sò điệp, cát... Đặc biệt, nơi đây có khí hậu trong lành và hệ sinh thái rừng nhiệt đới ba tầng trên đảo vẫn còn nguyên trạng, được gìn giữ và bảo vệ tốt. Đây chính là những yếu tố “vàng” để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch hoài niệm, du lịch xanh.

Cùng với những địa danh lịch sử gắn liền với một thời khói lửa, như: Địa đạo Vịnh Mốc, cầu Hiền Lương, rừng nguyên sinh Rú Linh (huyện Vĩnh Linh) và Thành cổ Quảng Trị, đảo Cồn Cỏ sẽ tạo thành hàng lang du lịch nổi bật của tỉnh Quảng Trị và các tỉnh miền Trung. Góp thêm vào những dấu ấn lịch sử của tỉnh là sự hiện diện của cột cờ Tổ quốc lớn nhất trên các đảo ven biển Việt Nam vừa được hoàn thành trên hòn đảo này…

Ấn tượng về đảo Cồn Cỏ cũng được anh Vũ Văn Nhàn (một du khách đến từ TP.Đông Hà, Quảng Trị) chia sẻ với phóng viên Báo Kiểm toán trong một lần tình cờ gặp gỡ: “Đến Cồn Cỏ, nhiều người sẽ có ấn tượng như đang ở Trường Sa, Hoàng Sa, được người dân tận tình chỉ dẫn, được lặn ngắm những rặng san hô cùng thế giới dưới mặt biển tuyệt đẹp”. Cồn Cỏ trong cảm nhận của vị khách này không chỉ là sự ấm áp từ lòng hiếu khách của người dân, mà “các bãi biển, cảnh sắc núi rừng nơi đây vẫn mang đậm chất tự nhiên, hoang dã sơ khai. Đi rồi sẽ muốn đi tiếp” - anh Nhàn chia sẻ.

Khơi dậy những tiềm năng

Tiềm năng du lịch tại Cồn Cỏ là rất lớn. Để biến điều đó thành thế mạnh du lịch, chính quyền và người dân nơi đây đã ý thức được trách nhiệm trong việc xây dựng môi trường du lịch thân thiện, văn minh. Nhằm làm phong phú các điểm tham quan du lịch, tạo ấn tượng đẹp với du khách khi đến đảo, bên cạnh các điểm tham quan đã đưa vào khai thác từ năm 2016, chính quyền địa phương đang tổ chức nâng cấp, tôn tạo, phục dựng lại các điểm di tích lịch sử trên đảo như Đài quan sát Thái Văn A, hầm quân y, bến đò tiếp tế… Các cơ quan chức năng, nghiệp vụ cũng hướng dẫn, hỗ trợ các hộ dân xây dựng sản phẩm mang thương hiệu Cồn Cỏ, như: nước mắm, mực khô, giảo cổ lam...

Du khách đến đảo Cồn Cỏ. Ảnh: BÍCH NHÀN

Thêm vào đó, Cồn Cỏ là hòn đảo có ít dân cư sinh sống và yếu tố an ninh, quốc phòng vẫn khiến cho hòn đảo trở nên cách biệt với thế giới bên ngoài. Sau khi đề xuất đưa du lịch ra đảo của UBND tỉnh Quảng Trị được Chính phủ và Bộ Quốc phòng chấp thuận, cơ quan chức năng tại đây đã tích cực bắt tay vào xây dựng tuyến du lịch Cồn Cỏ. Kết quả là tuyến du lịch tham quan đảo Cồn Cỏ lần đầu tiên đã được tổ chức cho đoàn du khách trên chuyến tàu cao tốc Greenlines của Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP chạy thử nghiệm tuyến Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị). Từ một hòn đảo quân sự kiên cường được biết đến trong những năm chiến tranh, nay Cồn Cỏ đang từng bước chuyển mình, phấn đấu trở thành một điểm đến hấp dẫn...

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Quảng Trị Hồ Xuân Hiếu - tác giả của sáng kiến đưa du lịch ra đảo Cồn Cỏ - cho rằng, việc mở tour du lịch homestay (ở lại nhà dân), đã góp phần đánh thức tiềm năng du lịch, mở ra hướng đi mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của hòn đảo tiền tiêu.

Ngoài việc đảm bảo không gian lưu trú an toàn cho du khách, địa phương cũng tạo điều kiện để khách du lịch lên đảo được lưu trú ở nhà khách của huyện hoặc được bố trí khu vực đất trống để cắm trại, ngủ ngoài trời… Về phía Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP - đơn vị đảm nhận nhiệm vụ chuyên chở khách ra đảo bằng tàu cao tốc cũng cho biết, sau thời gian khai thác thử nghiệm, Công ty sẽ bán vé với giá linh hoạt 250.000 đồng/người/lượt, đồng thời có chính sách miễn, giảm giá vé cho du khách là người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em…

Ông Đặng Xuân Thành - Trưởng Ban Quản lý Cảng cá (huyện Cồn Cỏ) cho biết, trong năm 2017, huyện đảo đã đón hơn 300 lượt khách du lịch. Trong điều kiện của đảo còn nhiều khó khăn nhưng những kết quả bước đầu này sẽ là động lực để các cơ quan chức năng và người dân nơi đây nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng hình ảnh của hòn đảo du lịch. “Điều đáng mừng là các du khách khi đến và rời đảo đều rất hài lòng và mong muốn trở lại” - ông Thành nói.

Hy vọng trong tương lai không xa, với sự vào cuộc của các cấp chính quyền và sự chung tay của các DN, người dân nơi đây, những tiềm năng, thế mạnh du lịch của Cồn Cỏ sẽ được đánh thức, khơi dậy để góp phần thay đổi đời sống kinh tế - xã hội trên hòn đảo ngọc này.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số Xuân Mậu Tuất năm 2018
Cùng chuyên mục
  • Điều kỳ diệu mang tên U23 Việt Nam
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Cho dù chỉ giành được tấm Huy chương Bạc giải U23 châu Á nhưng chưa bao giờ bóng đá Việt Nam đem về nhiều niềm hân hoan, tự hào cho người hâm mộ nước nhà đến như vậy. Suốt cả giải đấu, cả nước đã sống trong những phút giây tuyệt vời và niềm tự hào dân tộc mãnh liệt mà các cầu thủ bóng đá trẻ của chúng ta đã mang lại.
  • Triển khai thẻ Bảo hiểm y tế điện tử: Tiện lợi, tiết kiệm
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, năm 2018, cơ quan BHXH sẽ triển khai cấp thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) điện tử và tích hợp với BHXH cấp một mã số BHXH duy nhất cho toàn bộ đối tượng tham gia. Việc làm này nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT khi đi khám, chữa bệnh; đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý của ngành; đồng thời tiết kiệm chi phí in, cấp thẻ BHYT.
  • Không để người lao động thiếu Tết
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán 2018. Bởi vậy, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, DN đã gấp rút tập trung chăm lo đời sống cho người lao động (NLĐ), các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn với nhiều hình thức thiết thực, trách nhiệm trên tinh thần không để NLĐ thiếu Tết.
  • Kết cấu lương vào giá dịch vụ y tế: Nhiều tác động tích cực
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Việc lần đầu tiên đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế đã được Bộ Y tế lựa chọn là 1 trong 10 sự kiện nổi bật của ngành năm 2017. Trái với những lo ngại ban đầu, thực tế triển khai cho thấy, chủ trương này đã có những tác động tích cực và là bước đi cần thiết trong lộ trình thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng số đơn vị tự chủ tài chính và tỷ lệ người tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) giảm số người hưởng lương từ NSNN.
  • Những bài học từ mùa xuân
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Những cái Tết thời ấu thơ, bố đi xuất khẩu lao động, mẹ con thường rời Vinh kéo nhau về nhà ông bà ăn Tết ở Đô Lương. Và không biết tự lúc nào, những đứa trẻ nửa quê nửa phố như tôi vẫn thường có những sự so sánh khá thú vị về Tết quê và phố. Chẳng hiểu vì những lí do gì mà lòng mình vẫn nghiêng hẳn ân tình về vùng quê.
Đánh thức tiềm năng du lịch đảo Cồn Cỏ