Chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật: Còn nhiều khoảng cách với thực tế

(BKTO) - Xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật là một chủ trương lớn của Đảng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc hiện thực hóa chủ trương này vẫn còn rất chậm và chưa được như kỳ vọng.




Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa nghệ thuật vẫn còn nhiều khoảng cách so với thực tiễn - Ảnh: HỒNG GẤM

Xã hội hóa tạo dấu ấn tích cực đến diện mạo văn hóa

Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, trong đó có nhiều chính sách khuyến khích, cụ thể như: chính sách cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, chính sách giao đất, cho thuê đất, chính sách về thuế, phí, lệ phí, chính sách tín dụng... đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), từ định hướng và những chính sách cụ thể này, hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Diện mạo của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đã có nhiều thay đổi. Quá trình xã hội hóa đã kích thích tinh thần tự chủ, tiềm năng sáng tạo, huy động được các nguồn lực xã hội, tạo ra các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân và yêu cầu phát triển của đất nước.

Bên cạnh những mặt tích cực trên, Bộ VH,TT&DL cho rằng, 20 năm qua, việc thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, hạn chế lớn nhất là tốc độ xã hội hóa còn chậm, có ngành, lĩnh vực còn rất chậm so với tiềm năng và chỉ tiêu định hướng của Chính phủ giao. Qua kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2006-2010, KTNN cũng đưa ra đánh giá, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa trong sáng tạo nghệ thuật còn chậm trễ.

Bên cạnh đó, Bộ VH,TT&DL còn chỉ ra rằng, mức độ xã hội hóa không đồng đều giữa các vùng miền và giữa các địa phương tương đồng về điều kiện kinh tế - xã hội. Đối với các đơn vị ngoài công lập, cơ sở vật chất còn rất khó khăn, hạn chế; đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu, chất lượng và hiệu quả hoạt động chưa cao, còn có những biểu hiện tiêu cực…

Bình luận riêng về lĩnh vực điện ảnh, đạo diễn Đặng Nhật Minh cho rằng, điện ảnh nước nhà đã được xã hội hóa 100%, làm thay đổi đáng kể diện mạo, số lượng phim sản xuất cũng như nhập khẩu tăng ồ ạt. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, điện ảnh có dấu hiệu đang đi chệch hướng, bị thương mại hóa và lai căng hóa, mất đi bản sắc vốn có.

Gỡ nút thắt về chính sách,tạo thuận lợi cho xã hội hóa

Một trong những nút thắt khiến bộ máy hoạt động của các đơn vị nghệ thuật, văn hóa chuyển biến chậm là tình trạng cơ quan quản lý vẫn áp dụng cơ chế quản lý giống như với cơ quan hành chính. Thực trạng này, theo đánh giá của Nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đào Duy Quát, “làm cho các đơn vị nghệ thuật không phát huy được tính năng động, tự chủ và trách nhiệm cần thiết”.

Còn theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hòa, những bất cập nêu trên là do chưa phân định rạch ròi chức năng của Nhà nước, của các bên tham gia xã hội hóa. Ngoài ra, do nhận thức chưa đầy đủ về xã hội hóa; trách nhiệm triển khai không cao; tâm lý ỷ lại vào ngân sách... nên các đơn vị tiến hành chậm và lúng túng trong thực hiện chuyển đổi hình thức hoạt động; chưa coi trọng khuyến khích các tổ chức ngoài công lập vào cuộc.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay” diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, xã hội hoá trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật là xu thế tất yếu. Mục tiêu của xã hội hóa không chỉ huy động thêm nguồn lực của xã hội mà quan trọng hơn là nâng cao mức hưởng thụ của người dân. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, giữa chủ trương xã hội hoá và quá trình thực hiện có rất nhiều bất cập. Điển hình là các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho văn học, nghệ thuật không được như mong muốn; sắp xếp các đơn vị chưa chú ý đúng mức đến tầm quan trọng của các thiết chế văn hoá, mà câu chuyện cổ phần hoá Hãng Phim truyện Việt Nam vừa qua là một ví dụ.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ VH,TT&DL, các ngành, lĩnh vực liên quan cần xem xét các vấn đề bất cập trong quá trình thực hiện xã hội hóa hoạt động văn hóa, nghệ thuật, như: chính sách về ưu đãi đầu tư không được như mong muốn, sử dụng NSNN khó khăn..., qua đó kiến nghị giải pháp tháo gỡ, giúp chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực này đạt được kết quả thiết thực hơn trong thời gian tới.

PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 02 ra ngày 10-01-2019
Cùng chuyên mục
Chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật: Còn nhiều khoảng cách với thực tế