Tín hiệu vui cho quá trình phục hồi du lịch

(BKTO) - Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch đã mở cửa trở lại đón khách du lịch quốc tế, đồng thời tăng cường các hoạt động kích cầu đối với du lịch trong nước. Kết quả bước đầu đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực về phát triển du lịch bối cảnh hậu Covid-19.



Thị trường du lịch sôi động trở lại

Bốn ngày nghỉ lễ 30/4 và 01/5 ghi nhận lượng khách du lịch tăng trở lại như thời kỳ trước dịch. Tuy lượng khách quốc tế còn hạn chế và chủ yếu là khách trong nước, nhưng đó là những tín hiệu vui, mở đầu cho một mùa du lịch hè sôi động. Không khí chung tại hầu hết các điểm du lịch trên cả nước, đó là sự sôi động, tấp nập với tâm trạng hào hứng của du khách khi trở lại những điểm đến quen thuộc, hấp dẫn trước khi dịch bệnh bùng phát.

Tại các địa bàn du lịch trọng điểm, lượng khách tìm đến các điểm tham quan, nghỉ dưỡng tăng mạnh. Đơn cử như chỉ trong 04 ngày nghỉ lễ, tỉnh Kiên Giang đón 292.566 lượt khách đến tham quan du lịch; trong đó có 4.239 lượt khách du lịch quốc tế. Tổng thu từ du lịch đạt trên 247 tỷ đồng, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng TP. Phú Quốc đón 127.226 lượt khách, tăng 39,2% so với cùng kỳ; tổng thu từ du lịch đạt trên 175 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ. Công suất phòng lưu trú bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 60%.
                
   

Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm thu hút đông du khách ngày nghỉ lễ. Ảnh: N.LỘC

   

Còn theo Sở Du lịch Hà Nội, trong 4 ngày nghỉ lễ, Thủ đô ước đón hơn 550 nghìn lượt khách, tăng gần 20 lần so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đón khoảng 2 nghìn lượt khách. Kết quả này là nhờ Hà Nội đã tạo dấu ấn cho du khách khi hoạt động du lịch mở cửa hoàn toàn bằng những sản phẩm du lịch chất lượng, hấp dẫn.

Các điểm vui chơi tại Hà Nội đã đón hàng chục nghìn khách tham quan, tập trung vào địa điểm như: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, Công viên Thủ Lệ... Tổng doanh thu từ du lịch ước hơn 1.500 tỷ đồng, tăng 17 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Đánh giá về hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, do lượng khách tăng mạnh, nên nhiều nơi có xảy ra tình trạng ùn tắc nhưng về cơ bản các khu, điểm du lịch đã tổ chức tốt các hoạt động, tạo không khí vui chơi, hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Nhiều sản phẩm du lịch tạo được dấu ấn, bảo đảm chất lượng để đón khách quốc tế, đặc biệt vào dịp SEA Games 31 sắp khai mạc tại Hà Nội.

Đưa ra cái nhìn tổng quan về tình hình du lịch cả nước, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh cho biết, nhờ điều kiện thời tiết ổn định nên các điểm đến du lịch trên cả nước đều thu hút đông du khách. Nhiều điểm nghỉ dưỡng đã được đặt kín phòng nghỉ từ nhiều ngày trước kỳ nghỉ lễ. Các cơ quan quản lý du lịch cũng ít tiếp nhận phản ánh của du khách về điểm đến, thay vào đó, thái độ của du khách cơ bản hài lòng với dịch vụ, tinh thần phục vụ của nhân viên tại điểm đến…
         
Nhiều địa phương đã ghi nhận lượng khách tăng đột biến ở các điểm đến như Sa Pa (Lào Cai), Hải Dương, Sầm Sơn (Thanh Hóa), Nha Trang (Khánh Hòa), Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ... Tại Sa Pa, riêng trong 02 ngày đầu nghỉ lễ đã đón khoảng 98.000 lượt khách tham quan, tăng 122% so với cùng kỳ năm 2019 (thời kỳ cao điểm trước dịch Covid-19) và tăng 755% so với năm 2020 và 225% so với năm 2021; tổng doanh thu từ khách du lịch ước tính đạt 295 tỷ đồng. Lượng khách du lịch tại các cơ sở lưu trú khu, điểm du lịch của Thanh Hóa cũng tăng đột biến dịp nghỉ lễ với hơn 577.000 lượt khách, tăng 85,6% so với năm 2021, tổng doanh thu từ du lịch ước đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng hơn 123% so với năm 2021.

Nắm bắt cơ hội để khôi phục du lịch

Lý giải lượng khách tăng đột biến vừa qua ở các trung tâm du lịch trong cả nước, nhiều DN du lịch cho rằng đó là hệ quả tất yếu của việc dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, góp phần đưa hoạt động du lịch trở lại trong tình hình bình thường mới, thích ứng an toàn.

Chia sẻ thêm về kết quả này, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, sau những đợt dịch Covid-19 bùng phát, ngành du lịch Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong thích ứng an toàn, linh hoạt, duy trì tốt hoạt động truyền thống, quảng bá trực tuyến và trước đó đã triển khai thành công các hoạt động tái khởi động du lịch trong cả nước. Nhiều DN và các địa phương đã có sự chuẩn bị và chú trọng đầu tư, làm mới sản phẩm du lịch… từ đó đáp ứng được nhu cầu của du khách.
                
   

Tổ chức tốt các điểm đến sẽ góp phần "níu chân" du khách. Ảnh minh họa: N.LỘC

   

Đánh giá lượng khách tăng trở lại kỳ nghỉ lễ vừa qua là tín hiệu đáng mừng để từng bước khôi phục và phát triển du lịch trong năm nay, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cho rằng, đây chính là thời điểm thuận lợi mà các địa phương cùng các DN du lịch phải nắm bắt tốt để thúc đẩy phát triển thị trường du lịch tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa. Muốn đạt được mục tiêu đề ra, ngành du lịch cần tiếp tục nghiên cứu triển khai các chương trình phát triển thị trường, xúc tiến, quảng bá tại chỗ và trên các nền tảng số, tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch để có những sản phẩm đáp ứng nhu cầu du khách trong nước và quốc tế.

Dẫn chứng về điểm đến du lịch Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) vừa qua dù có thời điểm quá tải, song các cơ quan chức năng quản lý điểm du lịch vẫn kiểm soát tốt, đặc biệt là không để xảy ra hiện tượng “chặt chém” du khách, Phó Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam Cao Trí Dũng cho rằng, việc tạo dựng lòng tin với du khách không cần phải tìm kiếm đâu xa, mà bắt đầu từ chính thái độ niềm nở của nhân viên, những người tham gia vào các hoạt động dịch vụ du lịch; từ việc niêm yết công khai giá bán sản phẩm để du khách thoải mái khi mua sắm…

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về mở cửa du lịch, thời gian qua, các địa phương đã chuẩn bị tốt phương án mở cửa, cũng như tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch và sự chuẩn bị này đã mang lại tác dụng trông thấy rõ.

Là địa bàn du lịch trọng điểm của cả nước, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Thành phố xác định lấy thị trường khách du lịch nội địa làm động lực để phục hồi trong các năm 2022-2023. Theo đó, tại khu vực Trung tâm Thành phố sẽ ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch văn hóa di sản, du lịch ẩm thực, du lịch mua sắm, sản phẩm du lịch đêm.

Đối với khu vực ngoại thành, Hà Nội ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, thể thao mạo hiểm, nông nghiệp nông thôn, văn hóa lễ hội, tâm linh. “Phấn đấu năm 2022, Hà Nội đón và phục vụ từ 9-10 triệu lượt khách, trong đó có 1,2-2 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch dự kiến từ 27,84-35,84 nghìn tỷ đồng” - lãnh đạo Sở Du lịch cho biết.
NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
  • U23 Việt Nam chốt danh sách dự SEA Games 31
    một năm trước Xã hội
    (BKTO)- HLV Park Hang-seo đã công bố danh sách 20 cầu thủ U23 Việt Nam tham dự SEA Games 31. Như vậy, chiến lược gia người Hàn Quốc đã gạch tên 4 cầu thủ so với danh sách đi Phú Thọ ban đầu.
  • Nỗ lực hơn nữa, quyết tâm tổ chức thành công SEA Games 31
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) – Đây là lưu ý của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng - Trưởng Ban tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31) tại Hội nghị Ban tổ chức SEA Games 31 diễn ra chiều 28/4, tại Hà Nội.
  • Ký họa kháng chiến miền Nam
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) – Đây là tên gọi của Triển lãm chuyên đề đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh tổ chức nhân dịp kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022).
  • Thị trường bất động sản duyên hải Bắc Bộ còn nhiều dư địa phát triển
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Khu vực duyên hải Bắc Bộ là vùng có tốc độ đô thị hóa cao, hạ tầng phát triển khá đồng bộ, đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư bất động sản (BĐS) lớn, kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển mạnh mẽ của thị trường BĐS trong thời gian tới.
  • Phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19: "Đòn bẩy" từ chính sách tài khóa
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trong Báo cáo Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2021 do Nhóm chuyên gia của trường Đại học Kinh tế quốc dân thực hiện và hoàn thành mới đây đã chỉ ra những thách thức to lớn từ dịch bệnh Covid-19 đến nền kinh tế; đồng thời kiến nghị những giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế năm 2022.PGS,TS. Tô Trung Thành - thành viên nhóm nghiên cứu đã có chia sẻ với Báo Kiểm toán về vấn đề này.
Tín hiệu vui cho quá trình phục hồi du lịch