Tháo gỡ điểm nghẽn, đưa điện ảnh phát triển xứng tầm, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế

(BKTO) - Thúc đẩy công nghiệp văn hóa là một nội dung quan trọng được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vừa qua, một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, trọng tâm là điện ảnh, đó là tạo điều kiện thuận lợi để điện ảnh nước nhà bứt phá, có đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Do đó, nhiệm vụ đặt ra cho ngành văn hóa là cần mau chóng cụ thể hóa các định hướng của Đảng về phát triển văn hóa, trong đó có điện ảnh.



Nhìn thẳng những hạn chế

Trên tinh thần quyết liệt, khẩn trương, chưa đầy nửa tháng sau “Hội nghị Diên Hồng” về văn hóa (24/11), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã tổ chức Hội nghị-Hội thảo “Tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” nhằm tổng kết, đánh giá thực trạng phát triển điện ảnh, trọng tâm là bàn giải pháp để đưa điện ảnh phát triển xứng tầm, thực sự là ngành kinh tế trong lĩnh vực văn hóa, như định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, các đại biểu tham dự Hội nghị-Hội thảo đã tập trung làm rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập trong công tác phát triển điện ảnh thời gian qua.
                
   

Bố già - bộ phim Việt Nam tốt nhất năm nay, được lựa chọn tham dự tranh giải Phim quốc tế xuất sắc tại Oscar 2022. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng bứt phá mạnh mẽ hơn nữa của điện ảnh Việt. Ảnh: Internet

   

Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, phim Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng ghi nhận về nội dung và chất lượng nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị thường điện ảnh. Số lượng phim truyện chiếu rạp của Việt Nam từ năm 2014-2020 đã đạt và vượt chỉ tiêu là 36 - 40 phim/năm. Nhiều bộ phim đóng vai trò quảng bá điện ảnh, thúc đẩy phát triển du lịch như: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh; Kong: Đảo đầu lâu...

5 năm trở lại đây, bên cạnh dòng phim tài trợ, đặt hàng của Nhà nước, hoạt động sản xuất phim trong khối DN tư nhân phát triển mạnh, xuất hiện nhiều phim có doanh thu cao, đem lại tín hiệu khả quan cho công nghiệp điện ảnh như: Bố già, Hai Phượng, Cua lại vợ bầu, Mắt biếc, Em chưa 18, Lật mặt 48h...
         
Sau 7 năm triển khai Chiến lược phát triển Điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, lĩnh vực điện ảnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống rạp chiếu phim đạt tiêu chuẩn có sự tăng trưởng mạnh mẽ tập trung tại các thành phố với mật độ dân cư cao. Số lượng phim Việt Nam được sản xuất tăng về số lượng và chất lượng, có sự đa dạng hóa các thể loại, dòng phim. Đáng chú ý, số lượng phim Việt Nam được cấp phép chiếu tại các rạp có xu hướng tăng, chiếm khoảng 20,5% tổng số phim được cấp phép phát hành tại rạp năm 2020, mang về hơn 40% tổng doanh thu phim chiếu tại rạp (hơn 571 tỷ đồng).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, điện ảnh Việt Nam còn một số hạn chế như: thị trường điện ảnh Việt Nam phát triển chưa bền vững, bởi có sự cạnh tranh không lành mạnh; chưa xây dựng được các cơ chế, chính sách phù hợp, đồng bộ để phát triển công nghiệp điện ảnh; phim Nhà nước đặt hàng ngày càng ít về số lượng và hạn chế chất lượng. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất và phát hành phim tại Việt Nam vẫn chưa bắt kịp với xu hướng công nghệ của thế giới, dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận các thị trường điện ảnh quốc tế…

Đặc biệt, điện ảnh Việt Nam thiếu đội ngũ nhân lực có khả năng tạo nên những tác phẩm điện ảnh có chất lượng đột phá, có tiếng vang trên trường quốc tế do công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đồng bộ cho nguồn nhân lực điện ảnh vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra.

Để điện ảnh thích ứng và đóng góp nhiều hơn cho kinh tế

Một trong những mục tiêu trong thực hiện Chiến lược Phát triển Điện ảnh đến năm 2030 được Bộ VH,TT&DL tập trung là phát triển điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế. Đặc biệt, từng bước phấn đấu xây dựng ngành điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo vị thế trên trường quốc tế.

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú cho rằng, để tiến tới hội nhập, ngành điện ảnh cần tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất phim. Trong đó, phải có sự phối hợp đồng bộ từ các phương tiện máy móc, thiết bị mới cùng trình độ của nguồn nhân lực... “Để làm tốt điều này, phải cần đến định hướng chiến lược và sự đầu tư có bài bản của Nhà nước cho hoạt động công nghệ hiện đại ở tất cả các khâu sản xuất phim, phát hành và phổ biến phim, lưu trữ phim, đào tạo...” - ông Đỗ Lệnh Hùng Tú cho biết.

Theo TS. Ngô Phương Lan- Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, nói đến phát triển điện ảnh phải xác định là phát triển công nghiệp điện ảnh và điều kiện tiên quyết là cần có một hành lang pháp lý (Luật Điện ảnh và các văn bản dưới luật) đầy đủ, phù hợp và mang tính khuyến khích sự phát triển này.

Vì vậy, Luật Điện ảnh sửa đổi (dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3, năm 2022) cần có định hướng rõ ràng và những quy định cụ thể điều chỉnh hoạt động của nền công nghiệp điện ảnh gắn liền với phát triển thị trường điện ảnh để tái sản xuất phim, tạo ra các bộ phim, nghĩa là sản phẩm điện ảnh- hàng hóa đặc biệt - vừa có giá trị tư tưởng, thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh vừa có hiệu quả kinh tế - xã hội.
                
   

Văn hóa nói chung, điện ảnh nói riêng cần được đầu tư hơn nữa, theo đúng yêu cầu đặt ra trong nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: N.LỘC

   

Tuy nhiên, để tác phẩm điện ảnh có doanh thu cao hay làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền đòi hỏi điện ảnh phải có tác phẩm tầm cỡ. Muốn làm được điều này, theo Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, cần phải nhờ đến người tài. Do đó, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, phát hiện tài năng.

Có thể nói, với tinh thần thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong phát triển điện ảnh thời gian qua, như Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng chia sẻ tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, đó là “có phần trách nhiệm của Bộ VH,TT&DL với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực văn hóa”, ngành Văn hóa đã và đang quyết liệt đổi mới, khắc phục những bất cập nêu trên để phát triển văn hóa, từ đó tạo sức mạnh mềm thúc đẩy đất nước phát triển.


N.LỘC
Cùng chuyên mục
Tháo gỡ điểm nghẽn, đưa điện ảnh phát triển xứng tầm, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế