Phát triển ngành công nghiệp văn hóa sẽ tạo động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững

(BKTO) - Không đơn thuần chỉ là phản ánh đời sống tinh thần, khía cạnh kinh tế trong văn hóa ngày càng được quan tâm và là định hướng được Đảng, Nhà nước đặt ra, với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp văn hóa (CNVH), từ đó tạo động lực tích cực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.



                
   

Phát triển các ngành CNVH sẽ góp phần tạo dựng sức mạnh mềm nội sinh để phát triển và bảo vệ đất nước bền vững. Ảnh tư liệu

   

Phát triển ngành CNVH trở thành một yêu cầu cấp thiết

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến nay, Việt Nam đã hình thành được khung chính sách, thể chế tương đối thuận lợi để các ngành CNVH có khả năng khai thác và chuyển hóa hiệu quả các thành tố sức mạnh mềm văn hóa. Trong đó, Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng xác định rõ những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm để phát triển các ngành CNVH.

Theo PGS,TS. Nguyễn Thị Thu Phương – Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) - đơn vị chủ trì xây dựng các chương trình, đề án nhằm phát triển ngành CNVH quốc gia, đến nay, các chính sách liên quan đến CNVH Việt Nam đều hướng đến việc xem xét các sản phẩm và dịch vụ văn hóa trong nền kinh tế thị trường, chú ý đến nhu cầu văn hóa của người dân.

Theo thống kê chưa đầy đủ của VICAS, so với mức tổng sản phẩm trong nước (GDP) chiếm 2,68% năm 2015 (thời điểm trước khi áp dụng Chiến lược về phát triển CNVH), các ngành CNVH của Việt Nam ước đạt 3,42% GDP cả nước năm 2019. “Sự thay đổi này cho thấy, CNVH Việt Nam đang phát huy tương đối hiệu quả các thành tố sức mạnh mềm văn hóa, dần rút ngắn khoảng cách cạnh tranh với các nền CNVH tiên tiến” – bà Phương cho biết.

Từ kinh nghiệm tham khảo quốc tế, TS. Lê Thị Ngọc Điệp (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. HCM) cho rằng, CNVH đang được coi là một ngành kinh tế đặc biệt tại nhiều quốc gia, bởi những giá trị siêu lợi nhuận ngành này mang lại.

Dẫn chứng từ một số quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc, CNVH đóng góp nguồn thu nhập lớn cho GDP, bà Điệp cho rằng, với những kết quả bước đầu đạt được, Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện thành công định hướng phát triển CNVH trong tương lai không xa.

Đơn cử như với ngành điện ảnh, doanh thu của ngành điện ảnh Việt Nam liên tục gia tăng. Theo thống kê năm 2016, doanh thu khu vực doanh nghiệp điện ảnh đạt 1.073 tỷ đồng. Năm 2019, mức doanh thu này đạt 4.064 tỷ đồng (hơn 176 triệu USD), vượt 20% so mục tiêu trong Chiến lược.

Hay đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn - vốn được coi là bài toán nan giải để phát triển ngành CNVH, các loại hình biểu diễn không ngừng được mở rộng; cùng với đó, doanh thu ngành cũng liên tục gia tăng. Theo thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn, năm 2019, kinh phí thu từ các buổi biểu diễn có bán vé đạt 72,3 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ nhiều năm trước.

Trong khi đó, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, năm 2019 (thời điểm trước khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19), tổng thu từ ngành du lịch của Việt Nam đạt 755.000 tỷ đồng (tương đương 32,8 tỷ USD) tạo bước đột phá về năng lực cạnh tranh. Trong đó,khách quốc tế đến Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng không chỉ về quy mô mà còn cả về tốc độ tăng trưởng khách hằng năm.

“Đây chính là những kết quả ban đầu quan trọng trong thực hiện Chiến lược phát triển CNVH và thể hiện rõ tác động của văn hóa đối với phát triển kinh tế” - PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương cho biết.

Thực hiện các giải pháp để thúc đẩy phát triển CNVH

Nhấn mạnh việc phát triển các ngành CNVH không chỉ giúp mang lại những lợi ích về kinh tế, mà sâu xa, còn góp phần gia tăng sức mạnh mềm văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, nhiều ý kiến cũng thừa nhận, việc phát triển các ngành CNVH chưa đạt được như kỳ vọng và đang đối diện với nhiều thách thức.
                
   

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển ngành CNVH, thu hút công chúng. Ảnh: N.LỘC

   

Một trong những nguyên nhân và cũng là thách thức đối với phát triển CNVH, đó là đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng; chưa có sự nhìn nhận đúng đắn về vai trò của văn hóa trong đời sống; các sản phẩm văn hóa nói chung còn thiếu sự độc đáo, chưa thực sự hấp dẫn, do đó, chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa ngày càng cao người dân. Điều này dẫn đến thị trường văn hóa trong nước đang bị xâm lấn bởi các sản phẩm CNVH đến từ các cường quốc văn hóa cùng khu vực châu Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…

Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh quyết tâm đưa văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới. Trong đó, phát triển các ngành CNVH là xu thế tất yếu, là giải pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng kém văn hóa, xa rời giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc…

Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, để các ngành CNVH phát triển cần sự vận hành theo cơ chế của kinh tế thị trường, theo định hướng xã hội chủ nghĩa và cũng rất cần vai trò “bà đỡ”, sự quản lý của Nhà nước. Ở chiều ngược lại, phát triển các ngành CNVH cần đúng hướng và thực sự tạo ra động lực tích cực để đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững.

Theo đó, các chuyên gia cho rằng, để đạt được các mục tiêu phát triển CNVH, cần thực hiện một số giải pháp như: Hoàn thiện khung thể chế, chính sách, tháo gỡ kịp thời những rào cản, vướng mắc, tạo động lực phát triển CNVH; chú trọng đầu tư hạ tầng các ngành CNVH. Việc phát triển các hạ tầng cơ sở sẽ giúp bảo đảm nền tảng số hóa, gia tăng khả năng và cách thức tiếp cận đến đối tượng, từ đó nâng cao năng lực thích ứng trước các xu hướng thị trường trong ngành CNVH…

Lưu ý cơ chế đầu tư tài chính trong lĩnh vực văn hóa đóng vai trò rất quan trọng, nhiều ý kiến cho rằng cần đổi mới cơ chế này theo hướng đẩy mạnh thu hút vốn, thay vì chỉ chú trọng tới đầu tư từ Nhà nước. Muốn vậy, Nhà nước cần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa như: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa...; hình thành cơ chế khuyến khích doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ tiên tiến để tăng cường sáng tạo, sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm../.
         
Trong Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định mục tiêu cụ thể phát triển các ngành CNVH Việt Nam: “Phấn đấu doanh thu của các ngành CNVH đóng góp 7% cho GDP vào năm 2030 và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội". Cụ thể: Điện ảnh đạt 250 triệu USD; Nghệ thuật biểu diễn đạt 31 triệu USD; Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đạt 125 triệu USD; Quảng cáo đạt 3.200 triệu USD; Du lịch văn hóa chiếm 15 - 20% trong số 40.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch.
N.LỘC
Cùng chuyên mục
Phát triển ngành công nghiệp văn hóa sẽ tạo động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững