Phát triển du lịch mạo hiểm: Hướng đi mới cần khai thác

(BKTO) - Với địa hình đồi núi và nhiều thắng cảnh nổi tiếng, vùng Đông Bắc có nhiều lợi thế để phát triển du lịch mạo hiểm – loại hình du lịch ngày càng được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng. Điều quan trọng là bằng cách nào để kết nối và phát triển các sản phẩm du lịch đến du khách.



Đây cũng chính là vấn đề được các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận tại hội thảo trực tuyến “Giải pháp phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm vùng Đông Bắc”, do Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VH,TT&DL) tổ chức mới đây.

Khai thác tương xứng với thế mạnh

Tại Hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho biết, xu hướng của khách du lịch hiện nay rất quan tâm đến hoạt động khám phá cảnh quan thiên nhiên sinh thái, văn hóa bản địa, du lịch mạo hiểm. Ở nước ta, đặc biệt là những tỉnh thuộc Đông Bắc như: Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang… có nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch mạo hiểm, tuy nhiên sản phẩm chưa được khai thác tương xứng với thế mạnh.
                
   

Du lịch Đông Bắc với địa hình đồi núi, sông suối... giàu tiềm năng phát triển du lịch mạo hiểm. Ảnh: N.LỘC

   

Thực trạng này cũng được đại diện cơ quan quản lý về du lịch các địa phương và DN nêu rõ. Được đánh giá là một trong những địa phương giàu tiềm năng phát triển du lịch mạo hiểm nhất cả nước, thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã chú trọng phát triển loại hình du lịch này. Một số sản phẩm du lịch mạo hiểm đã và đang được duy trì tổ chức thường niên và thu hút sự quan tâm của du khách như: giải Marathon quốc tế chạy trên cung đường Hạnh Phúc; dù lượn bay trên mùa vàng, chèo thuyền trên dòng Nho quế; trình diễn thi đấu xe mô tô, ô tô, xe đạp địa hình… góp phần làm đa dạng và hấp dẫn hơn sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện Sở VH,TT&DL tỉnh, các tour du lịch mạo hiểm chuyên biệt vẫn rất hạn chế, lượng khách tham gia nhỏ lẻ, từ đó dẫn đến doanh thu mang lại từ loại hình du lịch này không được như mong đợi.

Đây cũng là thực trạng chung trong phát triển du lịch mạo hiểm ở các địa phương vùng Đông Bắc. Chi phí tổ chức cao, rủi ro lớn cộng với việc du khách thiếu kiến thức, kỹ năng là những yếu tố khiến cho du lịch mạo hiểm, một loại hình du lịch hấp dẫn mới chỉ ở những bước “chập chững”, hiệu quả khai thác chưa xứng với tiềm năng.

Theo đại diện Tổng cục Du lịch (Bộ VH,TT&DL), vùng Đông Bắc có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch mạo hiểm với tài nguyên địa hình đồi núi cao, độ dốc nhiều, chia cắt đa dạng tạo nên đặc điểm địa hình độc đáo đặc sắc; hang động khai thác độ sâu, sự phức tạp và các giá trị cảnh quan, hệ sinh thái. Việc phát triển du lịch mạo hiểm tại đây có thể tập trung vào 3 nhóm sản phẩm: Nhóm sản phẩm du lịch mạo hiểm trên không (du lịch bằng máy bay trực thăng, dù lượn, nhảy dù…); Nhóm sản phẩm du lịch mạo hiểm trên bộ (du lịch dã ngoại, leo núi, leo nhảy vách đá dựng đứng, khám phá bằng ô tô, mô tô, xe đạp địa hình, khám phá vườn quốc gia, hang động…); Nhóm sản phẩm du lịch mạo hiểm dưới nước (chèo thuyền, thả bè, khám phá thác nước, trải nghiệm suối khoáng nóng…)

Đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch gợi ý một số định hướng để phát triển loại hình du lịch này. Trong đó, về thị trường khách nội địa cần hướng tới thu hút đối tượng khách thanh niên và trung niên.

Với thị trường khách quốc tế, tập trung thu hút khách từ khu vực Đông Bắc Á, ưu tiên khai thác thị trường khách châu Âu, châu Úc, Bắc Mỹ có sức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày, từng bước mở rộng thị trường khách Đông Nam Á, châu Á và các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Nga…

Tăng cường liên kết vùng để xây dựng sản phẩm du lịch

Đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá, tăng cường liên kết giữa Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch với Sở VH,TT&DL của các địa phương trong công tác xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch quảng bá xúc tiến du lịch mạo hiểm là giải pháp được các đại biểu đề cập để thúc đẩy du lịch mạo hiểm phát triển.

Bên cạnh đó, các địa phương cần phối hợp cùng DN thực hiện công tác quảng bá xúc tiến, gắn việc quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch của địa phương với quảng bá sản phẩm du lịch mạo hiểm của DN. Ngoài ra cần tăng cường liên kết giữa các địa phương nội vùng Đông Bắc, mở rộng với khu vực Tây Bắc và với các vùng du lịch khác.
                
   

Cần có giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh phát triển du lịch mạo hiểm. Ảnh: Tổng cục Du lịch

   

Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) Đinh Ngọc Đức nhấn mạnh: Việc kết nối giữa các bên gồm cơ quan quản lý nhà nước, DN và người dân sẽ giúp ngành Du lịch các địa phương phát triển đồng bộ và bền vững; trên cơ sở các bên đều phải có cam kết, trách nhiệm rõ ràng, người dân vừa được hưởng lợi vừa phải phát triển du lịch có trách nhiệm, bảo vệ cảnh quan.

Tại Hội thảo, đại diện Sở VH,TT&DL các địa phương như Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn… đều cho biết, việc phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm vẫn gặp những khó khăn về công tác tổ chức, quy mô, kinh phí, cơ sở hạ tầng, sự gắn kết giữa địa phương và DN du lịch, nguồn nhân lực, công tác xúc tiến, quảng bá… Vì vậy để sản phẩm du lịch mạo hiểm phát triển tương xứng với tiềm năng, cần có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đồng thời mỗi địa phương cần xây dựng một sản phẩm đặc trưng, tránh trùng lặp, đơn điệu.

Đại diện một số DN du lịch cũng khẳng định luôn sẵn sàng phối hợp, liên kết với các địa phương để đẩy mạnh sản phẩm du lịch mạo hiểm. Đây cũng là một trong nhiều sản phẩm các DN du lịch rất quan tâm và muốn đẩy mạnh xây dựng nhiều tour mới lạ, hấp dẫn du khách. Do đó, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các địa phương chuyển sang trạng thái bình thường mới, các DN sẽ công bố các tour du lịch mạo hiểm cụ thể với nhiều ưu đãi để thu hút du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài.
NGUYỄN LỘC

Cùng chuyên mục
Phát triển du lịch mạo hiểm: Hướng đi mới cần khai thác