Mở cửa thị trường du lịch an toàn: Không thể chậm trễ

(BKTO) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa có báo cáo gửi Chính phủ về kết quả thí điểm đón khách du lịch giai đoạn 1 và lộ trình mở cửa thị trường du lịch đón khách quốc tế. Đây là động thái thể hiện sự quyết tâm của ngành văn hóa trong việc thúc đẩy mở cửa thị trường du lịch đón khách quốc tế, đặc biệt là sau khi Thủ tướng Chính phủ chính thức có chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chức năng nhanh chóng xây dựng lộ trình mở cửa an toàn, khoa học, hiệu quả đón khách du lịch quốc tế mới đây.



Du lịch Việt Nam là điểm đến du lịch “an toàn, thân thiện, hấp dẫn”

Trong Công điện truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc xây dựng lộ trình mở cửa an toàn, khoa học, hiệu quả đón khách du lịch quốc tế nêu rõ: Đại dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta, trong đó ngành du lịch chịu tổn thất nghiêm trọng, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 giảm 76,7% so với năm 2019 và năm 2021 giảm 95,9% so với năm 2020; qua đó tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực liên quan trong chuỗi giá trị như: vận tải, ăn uống, khách sạn, lữ hành, bán lẻ, thương mại…nhất là tại các điểm du lịch và hầu hết các địa phương trọng điểm du lịch của cả nước.

Để thúc đẩy phục hồi và phát triển ngành du lịch, nhất là du lịch quốc tế trong bối cảnh cả nước đang thực hiện phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và từng bước mở cửa nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế an toàn, khoa học, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 155/NQ-CP ngày 8/12/2021 của Chính phủ.
                
   

Việc thí điểm đón khách quốc tế đạt hệ số an toàn rất cao, khẳng định khả năng thích ứng an toàn của ngành du lịch. Ảnh sưu tầm

   

Trao đổi về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Bộ VH,TT&DL cho biết, ngay vào thời điểm dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, Bộ VH,TT&DL đã đề xuất Chính phủ từng bước mở cửa thị trường du lịch trong nước để đón du khách quốc tế. Quyết tâm này được thể hiện rõ trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch thí điểm đón khách du lịch giai đoạn 1 triển khai từ tháng 11/2021 tại 5 địa phương trên cả nước (đến tháng 01/2022, có thêm TP. Hồ Chí Minh và Bình Định mở cửa du lịch) thời gian qua. Tính đến hết ngày 23/01/2022, các địa phương này đã đón 8.500 khách quốc tế, chủ yếu đến từ Nga, Hàn Quốc, Singapore, một số ít ở Anh, Mỹ…

Theo Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng, việc thí điểm đón khách quốc tế đạt hệ số an toàn rất cao, du khách đáp ứng được nhu cầu du lịch trong điều kiện an toàn với dịch bệnh. Bên cạnh đó, Việt Nam liên tiếp được các tổ chức trên thế giới bình chọn với hàng loạt danh hiệu về điểm đến hàng đầu khu vực và thế giới. “Mặc dù thời gian triển khai chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến chưa dài, lượng khách du lịch quốc tế đến chưa nhiều, tuy nhiên những kết quả quan trọng, tích cực bước đầu đó đã minh chứng Việt Nam là điểm đến du lịch “an toàn, thân thiện, hấp dẫn” và khả năng thích ứng an toàn, linh hoạt của ngành Du lịch Việt Nam” - Bộ trưởng cho biết.

Tin tưởng tình hình dịch bệnh đang thực hiện kiểm soát tốt, các ngành đẩy mạnh thích ứng an toàn để hồi phục và đặc biệt là tỷ lệ tiêm vắc xin cao, ngành văn hóa đã đề xuất Chính phủ sớm mở cửa trở lại thị trường với tinh thần “mở cửa nhưng vẫn đảm bảo ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
         
Bộ VH,TT&DL đang đề xuất lộ trình và giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế cụ thể. Trong đó, từ nay đến 30/4/2022 sẽ tiếp tục Chương trình thí điểm giai đoạn 2. Từ ngày 01/5/2022 sẽ mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và đưa khách đi du lịch nước ngoài (outbound) qua các tất cả các cửa khẩu quốc tế trong bối cảnh bình thường mới.

Thích ứng thực chất, xóa bỏ các rào cản

Mong muốn khẩn trương mở cửa lại thị trường du lịch trong nước để đón du khách nước ngoài, các chuyên gia du lịch, các DN lữ hành cũng đề nghị việc mở cửa phải gắn với xóa bỏ các rào cản không cần thiết để đảm bảo sự thông suốt trong hoạt động du lịch, các điểm đến trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn được đề ra.

Đồng tình mở lại các hoạt động du lịch từ 01/5/2022, tại cuộc họp bàn cùng ngành VH,TT&DL về kế hoạch mở cửa thị trường du lịch chiều 24/01, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn lưu ý, cần có sự phối hợp đồng bộ để kiểm soát dịch bệnh an toàn, nhất là đối với khách du lịch quốc tế. Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 5772/QĐ-BYT về Biểu mẫu và quy trình cấp "Hộ chiếu vắc xin"; tuy nhiên, cần có sự tham gia, phối hợp của các Bộ, ngành như Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ VH,TT&DL.
                
   

Bộ VH,TT&DL đề xuất mở cửa toàn bộ thị trường du lịch từ ngày 01/5/2022. Ảnh sưu tầm

   

Lạc quan với tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt hiện nay, Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch Trần Trọng Kiên đề xuất nên mở sớm hơn thời gian dự kiến vào dịp 30/4, nên mở từ 01/3, đồng thời kiến nghị thống nhất về quy trình đi lại, yêu cầu cách ly, xét nghiệm; bãi bỏ những quy định không phù hợp đối với các DN tham gia đón khách quốc tế và đề xuất những cơ chế để hỗ trợ DN phục hồi sớm nhất. Bên cạnh đó, ông Kiên cũng cho rằng cần tiếp tục các chính sách miễn thị thực như trước khi xảy ra dịch để tạo sức hút, thúc đẩy phục hồi thị trường.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH,TT&DL) Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, đây là thời gian thích hợp để mở cửa thu hút khách du lịch quốc tế vì việc triển khai chậm hơn thời gian trên sẽ làm giảm sức hấp dẫn, thu hút khách quốc tế của du lịch Việt Nam trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực chuẩn bị ban hành kế hoạch mở cửa, khôi phục du lịch quốc tế. Từ nay đến thời điểm thực hiện là thời gian vừa đủ để các Bộ, ngành liên quan điều chỉnh các quy định và ban hành hướng dẫn triển khai theo chức năng. Đồng thời, các DN du lịch kịp hoàn thiện và triển khai kế hoạch truyền thông, xúc tiến quảng bá, kết nối thị trường và chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế vào dịp cao điểm (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau).

“Những điểm du lịch mà người dân đã hoàn thành tiêm 3 mũi vắc xin, có thể đón khách quốc tế. Các tour du lịch có thể thay đổi lộ trình tham quan với điều kiện thông tin đầy đủ cho cơ quan quản lý; kéo dài thời gian ở lại Việt Nam của du khách quốc tế thay vì quy định 1 tuần như hiện nay” – ông Khánh cho biết.
NGUYỄN LỘC

Cùng chuyên mục
Mở cửa thị trường du lịch an toàn: Không thể chậm trễ