Khơi dậy “sức mạnh mềm” văn hóa, giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức

(BKTO) – Nhằm triển khai thực hiện các định hướng đặt ra từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, chiều 05/12 tại Hà Nội, Diễn đàn quốc gia Văn hóa với Doanh nghiệp năm 2021 với chủ đề “Tiếp biến văn hoá - Nền tảng phục hồi và phát triển bền vững kinh tế” đã được tổ chức. Tại Diễn đàn, yêu cầu khơi dậy, phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa để tạo động lực phát triển DN đã được các đại biểu tập trung thảo luận.



Diễn đàn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức, được kết nối với các điểm cầu trong và ngoài nước.

Phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, thiết thực triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động Xây dựng Văn hóa DN Việt Nam, Diễn đàn quốc gia Văn hóa với Doanh nghiệp năm 2021 vì thế đóng vai trò hết sức quan trọng để các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các chuyên gia và cộng đồng DN tọa đàm, trao đổi, thống nhất một cách tiếp cận chung về tiếp biến văn hóa nhằm phục hồi, phát triển kinh tế trên tinh thần "nhận thức đúng để có hành động đẹp".
                
   

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh:Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

   

Bộ trưởng nhấn mạnh, để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc như Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, chúng ta rất cần có một cộng đồng DN lớn mạnh, năng động, đoàn kết, hướng tới phát triển bền vững. Mục tiêu đó chỉ có thể đạt được khi các DN phát triển hài hòa dựa trên các trụ cột: kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, trong đó văn hóa chính là yếu tố cốt lõi, là nền tảng dẫn dắt và điều chỉnh các trụ cột khác.

“Văn hóa DN có vai trò quan trọng, quyết định hiệu quả kinh doanh, uy tín kinh doanh, thương hiệu của DN, từ đó dẫn tới sự phát triển ổn định, bền vững cho DN. Sự ổn định và thịnh vượng của các DN cũng chính là sự ổn định và phồn vinh của đất nước...” - Bộ trưởng phát biểu.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là trước những khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19, nhiệm vụ phát huy “sức mạnh mềm của văn hóa”, tiếp biến văn hóa ngày càng trở nên cấp thiết, nhằm giúp DN xử lý khủng hoảng, định hình và xây dựng chiến lược, lộ trình phục hồi, phát triển kinh tế.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, các giá trị văn hóa tích cực chính là nguồn lực mềm để DN chiến thắng trên thị trường, tạo sức bật vượt qua khủng hoảng.

Tại Diễn đàn, nhấn mạnh đến yếu tố khác biệt để làm nên văn hóa, nhất là trong quá trình hội nhập, GS,TS. Trần Thị Vân Hoa - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân lưu ý, trong quá trình tiếp biến văn hóa của DN, cần tôn trọng những giá trị khác biệt và chọn lọc yếu tố phù hợp để tiếp thu. Bởi, văn hóa không phải là yếu tố khép kín, mà cùng với kinh tế, với nhịp sống xã hội, luôn có độ mở để phục vụ tốt hơn cho cuộc sống.

Chung tay tạo dựng văn hóa doanh nghiệp

Theo GS,TS. Từ Thị Loan - nguyên quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, tiếp biến văn hóa là kết quả tất yếu của quá trình giao lưu, tiếp xúc và trao đổi văn hóa. Đó là sự tiếp thu và biến đổi văn hóa, tất nhiên, có sáng tạo và vận dụng linh hoạt vào điều kiện Việt Nam. DN trong quá trình phát triển cần nhìn nhận rõ vấn đề này để lựa chọn những giá trị phù hợp, từ đó lan tỏa trong toàn đơn vị cũng như cộng đồng.

Đặc biệt, đặt vai trò của văn hóa trong bối cảnh các DN cùng cả nước đang nỗ lực vượt qua thách thức của dịch bệnh, đại diện nhiều DN tham dự Diễn đàn cho rằng, trong giông bão, văn hóa DN chính là liều "vắc xin" vô cùng hữu hiệu, giúp DN thêm bản lĩnh để vượt qua mọi thách thức.
                
   

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

   

Lắng nghe chia sẻ của đại biểu, tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã có những trao đổi thẳng thắn về thực trạng hiện nay, như đời sống văn hóa công nhân ở nhiều khu công nghiệp còn chưa được quan tâm đúng mức; một bộ phận DN thiếu sự quan tâm chăm lo đến đời sống tinh thần cho người lao động…

Đồng tình với những đánh giá trên, nhiều DN mong muốn các cơ chế, chính sách hiện nay cần có sự sự đồng bộ hơn để khuyến khích, đồng hành cùng DN trong việc chăm lo an sinh cho người lao động.

“Bên cạnh các hoạt động tôn vinh DN, rất cần có những cơ chế chính sách cụ thể để khuyến khích DN tập trung xây dựng phát triển văn hóa DN…” – đại diện DN phát biểu.

Phát biểu kết thúc Diễn đàn, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa DN Việt Nam Hồ Anh Tuấn đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” trong thời gian tới. Đồng thời, ông Hồ Anh Tuấn cũng đề xuất thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển văn hóa DN Việt Nam. “Đặc biệt, cần có những cơ chế chính sách ưu tiên, quan tâm đến các DN đạt chuẩn văn hóa DN...” - ông Tuấn nêu.
N.LỘC
Cùng chuyên mục
Khơi dậy “sức mạnh mềm” văn hóa, giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức