Hỗ trợ nghệ sỹ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh: Cần công khai, minh bạch, đúng đối tượng

(BKTO) - Những ngày qua, dư luận xôn xao bàn tán về việc một số diễn viên, nghệ sỹ là những gương mặt “đắt sóng” truyền hình nhưng vẫn có trong danh sách được nhận trợ cấp khó khăn theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Điều đáng nói, bản thân nghệ sỹ khi nhận được trợ cấp mới biết mình khó khăn đến mức cần được hỗ trợ.



Sự việc đã cho thấy một bất cập hiện nay, đó là công tác rà xét, công khai, minh bạch trong lựa chọn đối tượng hỗ trợ trong lĩnh vực văn hóa chưa được đảm bảo, chính xác.

Cần đảm bảo công khai, minh bạch

Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao TP. Hà Nội công bố danh sách nghệ sỹ được nhận tiền hỗ trợ khó khăn do Covid-19, trong đó có những cái tên “đình đám” trên sóng truyền hình như Thanh Hương, Ngọc Quỳnh, Hồng Đăng… Sau đó, dư luận xã hội đã lên tiếng cho rằng đây không phải đối tượng cần sự trợ giúp từ chính sách.

Trước vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – VH,TT&DL) Lê Minh Tuấn cho biết: “Các nghệ sỹ hầu hết đang tham gia biểu diễn ở các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, xiếc... lao động rất vất vả, nguy hiểm. Sự hỗ trợ sẽ giúp kịp thời động viên lực lượng này tiếp tục tham gia gìn giữ, phát huy các giá trị đặc sắc, tiêu biểu của nghệ thuật truyền thống của dân tộc”.

Theo ông Tuấn, hơn hai năm qua, hầu như các nghệ sỹ không được tham gia biểu diễn, mọi khoản thu nhập đều không có và chỉ còn nguồn thu nhập duy nhất từ đồng lương ít ỏi, vì vậy, sự hỗ trợ kịp thời lực lượng này là rất cần thiết.
                
   

Những nghệ sỹ có hoàn cảnh khó khăn cần được quan tâm, giúp đỡ để yên tâm cống hiến cho nghệ thuật. Ảnh: N.LỘC

   

Những khó khăn trong lĩnh vực nghệ thuật không có gì phải bàn cãi. Cũng giống như hầu hết các lĩnh vực khác trong đời sống, xã hội, lĩnh vực nghệ thuật bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nếu không muốn nói là khó khăn của lĩnh vực này còn lớn hơn rất nhiều so với các lĩnh vực khác. Bởi, nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống từ lâu đã không có nhiều đất diễn, đời sống của nghệ sỹ vì thế mà trở nên quay quắt từ nhiều năm nay, không phải riêng trong dịch bệnh.

Tuy nhiên, việc lựa chọn nghệ sỹ có hoàn cảnh khó khăn thực sự để hỗ trợ cần phải kỹ lưỡng và phải minh bạch, với chính người thụ hưởng, với xã hội và với cơ quan ban hành chính sách. Không thể để tình trạng nghệ sỹ được đề xuất hỗ trợ, mà bản thân nghệ sỹ đó cũng ngạc nhiên khi biết mình được nhận hỗ trợ, dư luận thì xì xào, nhỏ to.

Bởi thế, trước tình trạng một số nghệ sỹ được cho là có điều kiện, thậm chí dư dả lại có trong danh sách nhận hỗ trợ, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Tạ Quang Đông phải lên tiếng, rằng: Những cái tên này là rất nhỏ trong số hàng nghìn diễn viên đang gặp khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19!

Lan tỏa tính đúng đắn, tính nhân văn của chính sách

Đại dịch Covid-19 kéo dài suốt hai năm đã khiến hàng nghìn diễn viên, nghệ sỹ lâm vào cảnh “thất nghiệp”. Theo Bộ VH,TT&DL, qua báo cáo và nắm tình hình thực tế, những khó khăn ảnh hưởng đến một bộ phận lớn nghệ sỹ, diễn viên là có thật. Điều này không ai có thể phủ nhận. Sự quan tâm của Nhà nước, với những chính sách hỗ trợ thiết thực là rất cần thiết và quý giá với người nghề sỹ gặp khó khăn.
         
Với mong muốn chia sẻ khó khăn với các diễn viên, nghệ sỹ, những người lao động trong lĩnh vực nghệ thuật, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP, trong đó quy định hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người đối với nghệ sỹ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

“Chủ trương hỗ trợ cho nghệ sỹ thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với nghệ sỹ - những người có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; giúp cho nghệ sỹ vững tâm hơn với nghề” - Chủ tịch Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam Trịnh Thuý Mùi cho biết, đồng thời đánh giá cao đề xuất của Bộ VH,TT&DL.
                
   

Sự hỗ trợ cần phải đúng đối tượng để phát huy tính đúng đắn, tính nhân văn của chính sách. Ảnh: N.LỘC

   

Chủ trương, chính sách rất đúng, rất nhân văn. Nhưng cách làm tại các cơ quan, đơn vị chưa đúng; trong đó trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, cơ quan quản lý nghệ sỹ chưa được làm tròn. Qua sự việc này đã cho thấy một số đơn vị nghệ thuật công lập chưa thực sự nắm bắt tâm tư của nghệ sỹ mà xét duyệt hồ sơ một cách máy móc nên mới dẫn tới việc bản thân người nhận hỗ trợ như các nghệ sỹ Hồng Đăng, Thanh Hương, Ngọc Quỳnh… cũng bất ngờ và “khó nghĩ”.

Điểm đáng mừng, đó là trong sự bất cập đó, người nghệ sỹ vẫn thể hiện vai trò nêu gương cũng như cho thấy lòng tự trọng đáng quý, vốn có của người nghệ sỹ. Các diễn viên, nghệ sỹ khi nhận được hỗ trợ, ngay lập tức đã có hành động đẹp, khi bày tỏ cảm ơn sự quan tâm của Nhà nước, song tất cả đều mong muốn nhường sự hỗ trợ lại cho người khác đang khó khăn hơn, xứng đáng hơn.

Sự việc lần này có lẽ là một bài học cần được các cơ quan chức năng rút ra để kịp thời khắc phục, hơn là đáng trách, nâng quan điểm. Của cho không bằng cách cho. Chính sách đúng đắn, khi dành cho đúng đối tượng. Bản thân nghệ sỹ có cuộc sống ra sao và cần hỗ trợ hay không thì hãy để nghệ sỹ họ được biết và lên tiếng. Hẳn là, nghệ sỹ, người của công chúng – họ có lòng tự trọng, sẽ không đòi hỏi những thứ họ không cần hoặc chưa cần, khi bao đồng nghiệp của mình, cần hơn những sự hỗ trợ này.
NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Hỗ trợ nghệ sỹ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh: Cần công khai, minh bạch, đúng đối tượng