Hai nghề “ độc lạ” ở Cà Mau được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

(BKTO) - Chiều 23/12, ông Trần Hiếu Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau công bố hai nghề truyền thống của địa phương là gác kèo ong ở huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời cùng nghề muối ba khía ở huyện Ngọc Hiển vừa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.



Hai nghề độc đáo chỉ có ở Cà Mau

Nghề gác kèo ong tại vùng rừng U Minh Hạ xuất hiện từ khá lâu. Ban đầu chỉ là các hoạt động riêng lẻ, sau được phát triển dần và hình thành thành các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm gắn hoạt động kinh tế với trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo chất lượng và uy tín sản phẩm mang thương hiệu mật ong U Minh Hạ.
                
   

Thu hoạch ong ở rừng U Minh Hạ - Ảnh: Internet

   
Nghề gác kèo ong ở U Minh Hạ là nghề lấy mật của con ong sinh sống trong môi trường tự nhiên thông qua “đặt bẫy” bằng một đoạn cây (còn được gọi là “kèo ong”) để tạo thành nơi cho ong xây tổ, làm mật. Sau thời gian nhất định khi tổ ong đủ mật thì thợ “ăn ong” sẽ sử dụng dụng cụ đặc biệt và tạo khói nhằm xua ong đi để lấy mật.

Mùa “ăn nên làm ra” của người làm nghề gác kéo ong chủ yếu vào mùa khô, vì chất lượng mật lúc này là nguyên chất nhất, không bị ảnh hưởng bởi nước mưa nên giá thành mật khá cao, khoảng từ 500-800 ngàn đồng/lít. Mật ong U Minh Hạ lâu nay có tiếng trên thị trường vì hàm lượng dinh dưỡng cao, được ưu tiên dùng làm thuốc hay bồi bổ sức khỏe cho người suy nhược…

Đối với nghề muối ba khía lại tập trung nhiều tại các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi và Phú Tân, đặc biệt là tại huyện Ngọc Hiển. Ba khía thuộc dòng cua, sinh sản và sống tự nhiên dưới chân rừng ngập mặn, thức ăn chủ yếu từ phù du đất bồi phù sa nên thịt rất chắc, ngọt.

Món ba khía muối hay còn gọi là mắm ba khía mang đầy đủ nét đặc trưng về văn hóa ẩm thực của vùng đất phương Nam. Ngày xưa, để có thực phẩm sử dụng lâu ngày, người dân tiến hành muối ba khía bằng muối hột cùng nhiều gia vị đặc biệt, tạo ra cách làm mang bản sắc riêng của địa phương.
                
   

Ba khía muối được chế biến thành món ăn - Ảnh: Internet

   
Nghề muối ba khía được duy trì qua nhiều thế hệ cư dân vùng rừng ngập Cà Mau và được biến tấu với nhiều cách làm khác nhau, song vẫn giữ được nét làm nghề truyền thống và hương vị rất riêng, tạo nên thương hiệu đặc sản ẩm thực dân dã nổi tiếng của Đất Mũi - Cà Mau. Đặc biệt, ba khía muối Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) đã trở nên trứ danh khắp vùng.

Nghề gác kèo ong hay nghề muối ba khía không những khai thác lợi thế địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, mà còn lưu giữ nét văn hóa truyền thống của làng nghề mang tính đặc trưng vùng đất Nam Bộ và chỉ riêng biệt có ở xứ rừng Cà Mau.

Tạo đà để tỉnh tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa

Ông Nguyễn Văn Tình (người dân huyện Ngọc Hiển) cho biết, ông và các hộ làm nghề muối ba khía ở địa phương rất phấn khởi khi biết tin nghề được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. "Tôi sẽ tiếp tục gắn bó và truyền nghề muối ba khía lại cho con cháu để cùng gìn giữ và phát triển làng nghề cho thế hệ mai sau"- ông Tình phấn khởi nói.

Ông Trần Hiếu Hùng- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau - đánh giá, tỉnh Cà Mau có lợi thế riêng biệt được đánh giá là giàu tiềm năng về phát triển du lịch. Trong thời gian tới, sở sẽ tổ chức lễ công nhận quyết định di sản đối với hai nghề truyền thống trên. Ngoài ra, sẽ tiếp tục bảo tồn, gìn giữ, trao truyền các kỹ năng của nghề kết hợp với phát triển du lịch để tạo sinh kế cho người dân.

Trước đó, UBND tỉnh Cà Mau đã có kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Để thực hiện kế hoạch trên, Cà Mau dự chi khoảng 3,7 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách cấp tỉnh là 2,5 tỉ đồng, cấp huyện 550 triệu đồng và xã hội hóa 550 triệu đồng.

Đến nay ngành chức năng Cà Mau đã lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với các nghề di sản như: Lễ hội nghinh Ông-Sông Đốc (năm 2020), Lễ hội Đền thờ Vua Hùng (năm 2021), Nghề truyền thống làm tôm khô (năm 2022), Lễ vía Bà Thủy Long (năm 2023), Lễ vía Bà Thiên Hậu (năm 2024).

AN CHI (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
  • Hợp đồng trọn gói nhìn từ góc độ kiểm toán viên
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Những năm qua, trong quá trình thực hiện kiểm toán dự án đầu tư, nhiều đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán, kiểm toán viên (KTV) có những quan điểm chưa đồng nhất trong cách xử lý, kiến nghị đối với loại hợp đồng trọn gói. Qua thực tế khi kiểm toán hợp đồng gói thầu có hình thức trọn gói, tác giả xin có một số ý kiến nhằm làm rõ bản chất và thực trạng của dạng hợp đồng này, dưới góc độ của một KTV.
  • Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội:  Còn không ít thách thức
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Nghị quyết số 28-NQ/TW (Nghị quyết 28) của Ban Chấp hành T.Ư đặt mục tiêu, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) để BHXH thực sự là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Tuy nhiên, thực tế triển khai chính sách thời gian qua cho thấy còn không ít những khó khăn, thách thức để hiện thực hóa mục tiêu trên.
  • Phối hợp quản lý nhập khẩu phế liệu
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 35/2019/QĐ-TTg ngày 19/12/2019 ban hành quy chế phối hợp liên ngành quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu.
  • KỶ NIỆM 73 NĂM NGÀY TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN (19/12/1946-19/12/2019): Hậu cần nhân dân, hậu cần tại chỗ
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nội mở đầu toàn quốc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp diễn ra đêm 19/12/1946. Mục tiêu dự kiến bảo vệ Thủ đô 30 ngày đêm, nhưng thực tế đã diễn ra 60 ngày đêm. Đây là cuộc chiến đấu “đại thắng lợi” như Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi. Thắng lợi trên có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến vai trò của công tác bảo đảm hậu cần.
  • Kiên quyết tháo dỡ công trình sai phép trong vùng di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Ngày 16/12, dưới sự hướng dẫn của cơ quan chức năng, hàng chục công nhân, cán bộ kỹ thuật của Công ty cổ phần dịch vụ thương mại và Du lịch (CPDVTM&DL) Doanh Sinh đã thực hiện tháo dỡ, thu dọn vật tư, thiết bị tại công trình của công ty đang thi công sai phép ở Khu du lịch sinh thái Thung Nham - một điểm du lịch nằm trong Vùng di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An - thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư (Ninh Bình).
Hai nghề “ độc lạ” ở Cà Mau được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia