Du lịch nội địa tăng trưởng ngoạn mục, hướng tới phục hồi mạnh mẽ

(BKTO) - Thị trường du lịch vừa bước qua mốc 6 tháng, song mức tăng trưởng của du lịch nội địa đã đạt mức của cả năm. Kết quả này cho thấy cách tiếp cận đúng đắn của ngành du lịch, trong bối cảnh vừa thực hiện phát triển du lịch, vừa phòng, chống dịch bệnh; đồng thời cho thấy còn nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển du lịch nội địa mạnh mẽ hơn nữa.



                
   

Thị trường du lịch nội địa có mức tăng trưởng ấn tượng 6 tháng đầu năm. Ảnh sưu tầm

   

Mức tăng trưởng ấn tượng

Số liệu từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, cả nước đã đón được 60,8 triệu lượt du khách nội địa, bằng chỉ tiêu đặt ra cho cả năm đối với đối tượng khách này. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 265.000 tỷ đồng.

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, lượng khách trong nước đi du lịch tăng dần đều và bùng nổ trong dịp cao điểm hè. Cụ thể, nếu 3 tháng đầu năm, lượng khách nội địa dao động từ 8-9,6 triệu lượt mỗi tháng thì đến tháng 5 và tháng 6, lượng khách tăng lên lần lượt là 12 và 12,2 triệu lượt. Dự báo, lượng khách còn tăng cao trong tháng 7, vốn được coi là thời điểm “mùa vàng” của du lịch.

Theo các chuyên gia về du lịch, với mức tăng trưởng như vậy, nhiều khả năng năm nay ngành du lịch sẽ đón được khoảng 100 triệu khách nội địa. Những kết quả này đến từ việc chuyển hướng tiếp cận của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, cũng như sự vào cuộc tích cực, hợp tác của các doanh nghiệp (DN) du lịch và cộng đồng.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, ngay khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động du lịch nội địa thích ứng, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với chủ đề “Du lịch an toàn – Trải nghiệm trọn vẹn”; đồng thời triển khai nhiều giải pháp để kích cầu du lịch nội địa. Định hướng phát triển của ngành du lịch năm 2022 cũng xác định phát triển du lịch nội địa là nhiệm vụ trọng tâm để đề ra giải pháp nhằm thúc đẩy phục hồi thị trường du lịch.

Trong khi đó, để thích ứng với tình hình dịch bệnh, các DN cũng bước đầu xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp như du lịch tại chỗ, số ngày nghỉ ngắn với tiêu chí "an toàn, sức khỏe". Đây chính là sự chuyển mình cần thiết trong bối cảnh vừa phát triển du lịch, vừa phòng, chống dịch và đã mang lại kết quả như vừa qua.

Dẫn số liệu về mức tăng trưởng ấn tượng của du lịch nội địa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, năm 2015, khách nội địa mới chỉ đóng góp 158.000 tỷ đồng vào tổng thu toàn ngành, đến năm 2019 tăng lên 334.000 tỷ đồng (tương đương 14,5 tỷ USD), tăng 2,1 lần. Đặc biệt, dù chiếm tới hơn 85% tổng số khách du lịch, song thu từ khách nội địa chỉ chiếm khoảng 41 - 44% trong cơ cấu tổng thu toàn ngành. "Đây là hạn chế, song cũng cho thấy còn nhiều tiềm năng để tăng mức chi tiêu từ du khách nội địa trong tương lai" - ông Bình cho biết.

Chú trọng khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch nội địa

Các chuyên gia du lịch dự báo, ngay cả khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế, yếu tố an toàn, sức khỏe vẫn sẽ được du khách quan tâm hàng đầu, và đây chính là lợi thế cho du lịch nội địa. Muốn tận dụng cơ hội này, đòi hỏi DN cũng như các điểm đến phải căn cứ vào thế mạnh, đặc thù để thúc đẩy phát triển mạnh hơn nữa những sản phẩm phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của du khách trong tình hình mới.

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, để tiếp tục thúc đẩy phát triển du lịch nội địa, cần có những giải pháp về cơ chế chính sách riêng biệt và cụ thể đối với thị trường giàu tiềm năng này; cần khuyến khích phát triển sản phẩm du lịch mới, đặc biệt tại những khu vực còn khó khăn nhưng có tiềm năng du lịch; đa dạng hóa sản phẩm du lịch...
                
   

DN cần nắm bắt thói quen tiêu dùng của du khách trong nước sau đại dịch để xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp. Ảnh minh họa: N.LỘC

   

Từ góc nhìn DN, đại diện một DN lữ hành có trụ sở tại TP. Hà Nội mong muốn các cơ quan liên quan cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ DN, sau những ảnh hưởng to lớn đại dịch mang lại; tạo dựng và thúc đẩy sự hợp tác, kết nối giữa các DN lữ hành và các DN cung cấp dịch vụ du lịch nhằm tạo nên các chuỗi sản phẩm chất lượng. Qua đó, vừa đảm bảo yếu tố kích cầu thị trường du lịch trong nước, vừa đảm bảo hiệu quả kinh doanh cho DN, rộng hơn là sự tăng trưởng của ngành du lịch.

Xác định việc phát triển sản phẩm du lịch và xúc tiến du lịch nội địa là khâu đột phá, Giám đốc Sở Du lịch TP. Hà Nội Đặng Hương Giang cho rằng, vấn đề được đặt ra ở đây là làm thế nào để khai thác bền vững và hiệu quả các giá trị di sản, văn hóa truyền thống của địa phương tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, ấn tượng, mang dấu ấn riêng phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của các thị trường khách, trước hết là thị trường khách nội địa.

Theo ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, chương trình kích cầu du lịch đã làm hồi sinh thị trường du lịch nội địa, là điểm tựa cho sự phục hồi của ngành du lịch, đồng thời giúp giảm thiểu thiệt hại do Covid-19 gây ra. Để tiếp tục đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa, ông Phương cho rằng, ngoài tăng cường truyền thông thông điệp “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, toàn ngành cần tập trung về tiêu chí sức khỏe, an toàn, các điểm đến gần nhà và các chuyến đi ngắn ngày với chi phí hợp lý, nhất là khi thói quen tiêu dùng, nhu cầu du lịch của du khách có nhiều thay đổi sau đại dịch.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà các DN cần chú ý, đó là phải cải thiện chất lượng dịch vụ, đi liền với việc xây dựng sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm của các DN du lịch. "Khi đã thu hút được du khách, thì cần phải giữ chân du khách để từ đó tạo được niềm tin ở du khách, nhất là trong bối cảnh toàn ngành du lịch vẫn còn rất khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch" - ông Phương lưu ý.
N.LỘC
Cùng chuyên mục
Du lịch nội địa tăng trưởng ngoạn mục, hướng tới phục hồi mạnh mẽ