Di sản văn hóa trong hội nhập và phát triển

(BKTO)- “Di sản văn hóa trong hội nhập và phát triển” là chủ đề của Ngày hội Di sản văn hóa, du lịch Việt Nam năm 2019 sẽ được tổ chức từ 21-26/11 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam. Đây là một trong những hoạt động nổi bật hướng tới Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11).



                
   

Di sản văn hóa phi vật thể Ca trù- Ảnh: Internet

   

Ngày hội Di sản văn hóa, du lịch Việt Nam 2019 do Trung tâm triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao các tỉnh, thành phố: Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Gia Lai, TP. HCM và nhiều đơn vị, các công ty lữ hành, du lịch tổ chức.

Ngày hội là hoạt động ý nghĩa chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Đây cũng là sự kiện văn hóa, du lịch quan trọng với mục đích giới thiệu, quảng bá, tôn vinh giá trị các di sản văn hoá đặc sắc của Việt Nam, thông qua những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, phong tục tập quán, những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc... để giúp khách tham quan hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam.

Với chủ đề “Di sản văn hóa trong hội nhập và phát triển”, ngày hội Di sản văn hóa, du lịch Việt Nam năm 2019 gồm nhiều nội dung phong phú.

Lễ khai mạc với chủ đề “Những sắc màu văn hóa” quy tụ nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc; ngoài ra còn có Chương trình nghệ thuật đêm bế mạc “Lung linh Việt Nam” bao gồm nhiều tiết mục biểu diễn đa dạng với các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống độc đáo.

Trong khuôn khổ ngày hội sẽ có triển lãm ảnh “Du lịch qua những miền di sản”; “Thiên nhiên Việt Nam”; “Di sản Việt Nam 2019” với 100 bức ảnh ảnh giới thiệu du lịch, thiên nhiên và di sản Việt Nam, qua đó cho thấy một bức tranh tổng quát về lịch sử văn hóa, di sản, vẻ đẹp đất nước, cuộc sống con người Việt Nam.

Bên cạnh đó, còn có các khu triển lãm trưng bày “Di sản văn hóa trong quá trình phát triển du lịch” do các tỉnh, thành phố thực hiện, giới thiệu những đặc sản, nét văn hóa nổi bật của từng địa phương; triển lãm “Di sản văn hóa, du lịch nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam”; trưng bày “Nét văn hóa trà Việt” và “Nghệ thuật ẩm thực vùng miền”…

Cụ thể, khu trưng bày của các tỉnh, thành phố với chủ đề “Di sản văn hóa trong quá trình phát triển du lịch” sẽ giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch, các sản phẩm du lịch gắn với giá trị di sản văn hóa của địa phương, thông qua các mô hình, hiện vật, hình ảnh, băng hình, nghệ thuật sắp đặt, ấn phẩm, trang phục, trình diễn nghệ thuật, ẩm thực, đặc sản địa phương và thao diễn nghề truyền thống...

Khu trưng bày “Nét văn hóa trà Việt” và “Nghệ thuật ẩm thực vùng miền” giới thiệu các loại trà, các công đoạn chế biến, dụng cụ dùng trà và nghệ thuật thưởng trà. Tại đây cũng diễn ra hoạt động trình diễn nghệ thuật thư pháp và giới thiệu nét tinh túy ẩm thực vùng miền đất nước.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Ngày hội còn có triển lãm “Di sản văn hóa, Du lịch nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam” tôn vinh 33 nghề được trao tặng danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Tại khu trưng bày của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cũng sẽ giới thiệu một số hình ảnh về thiên nhiên Việt Nam, tiêu biểu là thế giới côn trùng vô cùng đa dạng và phong phú do nhiếp ảnh gia của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đại học Florence Italia (Saulo Bambi) và Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (PGS.TS. Vũ Văn Liên) ghi lại được ở Việt Nam hơn 10 năm qua.

Trong khuôn khổ sự kiện còn có các buổi toạ đàm, chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật như: Tọa đàm “Di sản văn hóa nghề, làng nghề truyền thống hội nhập quốc tế 2019” với hoạt động nổi bật là lễ ký kết các điểm du lịch kết nối giữa các làng nghề, nghệ nhân tại Hà Nội, Hải Phòng, Sapa (Lào Cai), Hội An (Quảng Nam), Huế…

Bên cạnh đó cũng có rất nhiều các hoạt động tương tác dành cho khách tham quan như Cuộc thi vẽ tranh “Việt Nam quê hương em”; Chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật tôn vinh những di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận; Chương trình trình diễn di sản văn hóa phi vật thể và nghệ thuật dân gian truyền thống với các đêm giao lưu “Tuổi trẻ với Di sản văn hóa dân tộc Tây Nguyên” và giao lưu nhóm nhạc sinh viên với chủ đề “Tuổi trẻ với Di sản văn hóa, Du lịch Việt Nam”.

Tại chương trình, du khách sẽ được thưởng thức các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO tôn vinh, tiêu biểu như Nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, đờn ca tài tử Nam Bộ, hát then cổ, diễn xướng dân gian…

THÙY CHI (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
  • Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định 1616/QĐ-TTg ngày 13/11/2019 về tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) và Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 (Para Games 11) năm 2021 tại Việt Nam.
  • Tháo gớ vướng mắc trong thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành của cơ quan Bảo hiểm xã hội
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), từ ngày 01/01/2016, cơ quan BHXH được giao bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành (TTCN) đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT). Mặc dù đến nay, việc thực hiện chức năng TTCN của ngành BHXH đã mang lại nhiều kết quả khả quan song về mặt chính sách còn không ít vướng mắc, bất cập cần hoàn thiện đầy đủ để nâng cao hơn nữa hiệu quả TTCN BHXH.
  • Nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 30 năm công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Ba mươi năm trước, vào năm 1989, các nhà lãnh đạo thế giới đã đưa ra cam kết mang tính lịch sử cho trẻ em bằng việc thông qua Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Quyền trẻ em. Đến nay, đã được 196 quốc gia phê chuẩn, Công ước về Quyền trẻ em đã trở thành một văn kiện về quyền con người được phê chuẩn rộng rãi nhất trong lịch sử.
  • Hà Nội phát triển 3 khu đô thị sinh thái vào năm 2030
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký Quyết định số 6170/QĐ-UBND phê duyệt đề cương Chương trình phát triển đô thị toàn TP. Hà Nội đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 với nội dung chính là đặt vấn đề phát triển 3 khu đô thị sinh thái và thúc đẩy 5 huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng thành quận.
  • Sử dụng tín hiệu vệ tinh vào theo dõi sản xuất lúa tại Việt Nam
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Trên thực tế, việc áp dụng công nghệ viễn thám sẽ giúp hoạt động giám sát lúa, quản lý rủi ro thiên tai và bảo hiểm cây trồng được minh bạch, hiệu quả hơn.
Di sản văn hóa trong hội nhập và phát triển