Xuất khẩu dịch vụ - Mục tiêu và động lực cho năm 2020

(BKTO) - Năm 2019 là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam xuất siêu hàng hóa, tuy nhiên, cả nước chưa có năm nào xuất siêu dịch vụ. Ngay cả Mỹ - thị trường xuất khẩu và xuất siêu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam - thì Việt Nam cũng luôn nhập siêu dịch vụ từ Mỹ.



Nhập siêu dịch vụ tăng nhanh cùng với đà tăng xuất nhập khẩu hàng hóa vì trên 80% thị phần vận chuyển hàng biển, dù xuất khẩu hay nhập khẩu, cũng là do các hãng nước ngoài đảm nhận.

Bên cạnh đó, nhập siêu dịch vụ còn tăng mạnh cùng đà tăng của hàng triệu du khách quốc tế mỗi năm, do thị phần hàng không của Việt Nam cũng đa phần do hãng hàng không nước ngoài đảm nhận. Năm 2017, Việt Nam thu về 8,3 tỷ USD từ khách quốc tế, so với 12,6 tỷ USD ở Indonesia; 18,4 tỷ USD ở Singapore và 52,5 tỷ USD ở Thái Lan. Theo số liệu thống kê năm 2018 của Master Card, trung bình, du khách tại Bangkok chi tiêu mỗi ngày khoảng 173 USD (so với chỉ tiêu 96 USD mỗi ngày ở Việt Nam) do các hoạt động vui chơi giải trí diễn ra suốt ngày đêm ở đây… Việt Nam được xếp thứ 24/141 quốc gia về tài nguyên du lịch, nhưng chỉ đứng thứ 75/141 về năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu, mặc dù đã có nhiều chủ trương và chính sách phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn…

Các dịch vụ du lịch và tài chính - ngân hàng quốc tế và phục vụ ngoại giao đoàn hạn chế, nghèo nàn và ít giá trị gia tăng cũng làm chậm tăng các thu nhập từ xuất khẩu dịch vụ tại chỗ của Việt Nam và mất cơ hội cân bằng cán cân thanh toán dịch vụ tổng thể của nước ta.

Sự thiếu vắng dịch vụ logistics, bảo quản và chế biến nông sản nông nghiệp là căn nguyên của tình trạng hư hỏng và thất thoát tới 30% sản lượng nông sản; kéo dài tình trạng “được mùa mất giá” và hạ giá bán nông sản tại đầu bờ chỉ bằng 1/3 giá tại chợ và thậm chí bằng 1/10 giá xuất khẩu.

Mỗi năm có khoảng 40.000 người Việt ra nước ngoài để khám chữa bệnh với chi phí hàng tỷ USD, hay hàng chục nghìn học sinh đi học nước ngoài với chi phí hàng tỷ USD/năm cũng làm tăng kim ngạch nhập siêu dịch vụ của Việt Nam…

Việt Nam có nhiều lợi thế cả về điều kiện tài nguyên, khí hậu, con người, truyền thống để định hình và phát triển những dịch vụ truyền thống và mới, hiện đại, chất lượng cao, đa tiện ích.

Trong những năm qua, ngành răng - hàm - mặt Việt Nam đã vừa giữ được người bệnh trong nước, vừa thu hút hàng chục nghìn người nước ngoài đến điều trị bệnh mỗi năm. Đây là kết quả của những nỗ lực triển khai thành công nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu, hiện đại, ngang tầm khu vực và trên thế giới, như: phẫu thuật hàm mặt và sọ mặt; phẫu thuật chỉnh hình xương hàm mặt; cấy ghép nha khoa và nhiều lĩnh vực chuyên sâu nha khoa khác. Việt Nam cũng đã nghiên cứu, ứng dụng trong dự phòng và điều trị nhiều kỹ thuật chuyên môn cao tại nhiều bệnh viện T.Ư, tỉnh và huyện, như: can thiệp tim mạch, thụ tinh ống nghiệm, phẫu thuật nội soi, ghép tạng, ghép tế bào gốc đồng loại, ứng dụng Robot định vị trong phẫu thuật cột sống và phẫu thuật nội soi nhi khoa. Người đứng đầu một bệnh viện ung thư hàng đầu cả nước cũng cho rằng, trình độ điều trị của các bác sĩ trong nước không thua bất cứ quốc gia nào. Riêng về K, thậm chí bác sĩ Việt Nam tiếp xúc với nhiều loại ung thư hơn, nên còn có nhiều kinh nghiệm hơn trong chữa trị, điển hình là điều trị ung thư vú. Nhiều bệnh viện như: Việt Đức, Nhi T.Ư, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Đại học Y dược, Từ Dũ... còn giảng dạy cho nhiều khóa các bác sĩ nước ngoài trong lĩnh vực phẫu thuật nội soi, hiếm muộn...

Nhiều bệnh viện Việt Nam có đội ngũ phiên dịch hỗ trợ chuyên nghiệp và bác sĩ Việt biết tiếng Anh, rất khéo tay, chuyên môn cao, có đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng tất cả nhu cầu điều trị nha khoa cho người nước ngoài, trong khi giá rẻ từ 1/2 đến 5 lần, thậm chí chỉ bằng 1/10 ở Singapore…. Một thị trường du lịch kết hợp khám chữa bệnh và nghỉ dưỡng chất lượng cao chính là động lực mới cho ngành y tế nước nhà vươn lên, hướng tới một hệ thống dịch vụ tích hợp tiện ích, chuyên nghiệp, hiệu quả, chất lượng cao, bác sĩ giỏi và tận tâm, y đức cao, được “tính đủ, thu đủ” theo chuẩn quốc tế, lấy sự hài lòng của người bệnh làm mục tiêu và thước đo đánh giá cao nhất.

Về triển vọng, Việt Nam cần chủ động quy hoạch và đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển chuỗi các cơ sở dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu cho cả cộng đồng người dân trong và ngoài nước… Đồng thời, xây dựng hệ thống thông tin cập nhật, rõ ràng, chính xác danh mục địa chỉ và giá cả những dịch vụ chất lượng cao; tổ chức những hoạt động xúc tiến thị trường rộng rãi cả trong và ngoài nước một cách chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

Xuất khẩu dịch vụ (trước hết trong các dịch vụ chính phủ, dịch vụ du lịch, tài chính, vận tải và kinh doanh công nghệ cao khác, như: dịch vụ viễn thông, máy tính và thông tin, dịch vụ tư vấn, bảo hiểm và hưu trí, dịch vụ sở hữu trí tuệ…) phải được coi là mục tiêu và động lực mới của năm 2020, đặc biệt trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Điều đó không chỉ giúp cân bằng cán cân thanh toán thương mại hàng hóa - dịch vụ chung mà còn trực tiếp góp phần cải thiện cơ cấu kinh tế và khai phá các thị trường tiềm năng trị giá hàng trăm tỷ USD trong và ngoài nước; giúp người dân bớt tâm lý sính ngoại, cải thiện chất lượng sống, cải thiện việc làm, thu nhập, tạo sức hút vốn đầu tư và du khách nước ngoài tìm đến Việt Nam khám phá, trải nghiệm, gửi gắm niềm tin. Khi đó, lợi cho ta, lợi cho bạn, lợi cả đôi đường…!

TS. NGUYỄN MINH PHONG
Cùng chuyên mục
Xuất khẩu dịch vụ - Mục tiêu và động lực cho năm 2020