Xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm toán: Cần đảm bảo kịp thời, hiệu quả

(BKTO) - Ngày 21/11, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật được Quốc hội bàn thảo là mở rộng đối tượng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước. Bên cạnh đó, việc phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm toán cũng được nhiều đại biểu quan tâm.



Mở rộng phạm vi điều chỉnh góp phần lành mạnh hóa môi trường kinh doanh

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) ra khu vực ngoài nhà nước đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, vừa xuất phát từ một số cơ sở đòi hỏi từ chính các tổ chức, DN trong khu vực ngoài nhà nước. Công ước Liên hiệp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên đã quy định về áp dụng biện pháp PCTN đối với tổ chức, DN trong khu vực ngoài nhà nước.

Đồng tình với việc mở rộng từng bước về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật, đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) cho rằng, thực tế tình hình tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước đã xuất hiện và đang phát triển phức tạp và khó kiểm soát, nhất là trong các lĩnh vực như: vay vốn đầu tư, đấu thầu, ký kết hợp đồng giữa các DN, các khoản chi không chính thức để “lại quả” bằng các hình thức biếu quà, mời đi du lịch hoặc tạo việc làm cho người thân của các DN, cuối cùng đều tính vào giá thành sản phẩm và người tiêu dùng là người phải gánh chịu. Vì vậy, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự thảo luật ra khu vực ngoài nhà nước là phù hợp với thông lệ quốc tế đồng thời đảm bảo yêu cầu thống nhất quy định về hành vi tham nhũng giữa Bộ luật Hình sự và Luật PCTN.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: TTXVN

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cho rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh từng bước, có trọng tâm và trọng điểm như quy định trong Dự thảo luật là phù hợp với yêu cầu quản lý, khả năng kiểm soát của Nhà nước đối với khu vực này, đảm bảo tính khả thi, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nhằm lành mạnh hóa môi trường đầu tư kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, các nhà đầu tư và DN.

Tránh xung đột pháp luật và đảm bảo khả thi

Liên quan đến việc xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, KTNN, một số ý kiến đề nghị quy định theo hướng trường hợp phát hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng thì người ra quyết định thanh tra từ cấp tỉnh trở lên, người ra quyết định kiểm toán phải chỉ đạo xác minh, làm rõ tính chất, mức độ của hành vi tham nhũng, ra kết luận và khi có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện Kiểm sát cùng cấp biết.

Tuy nhiên, từ góc độ cơ quan thẩm tra, đa số ý kiến trong Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị giữ nguyên như quy định của Luật PCTN hiện hành. Theo đó, khi phát hiện hành vi tham nhũng thì cơ quan ra quyết định thanh tra, kiểm toán phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan điều tra nhằm đảm bảo xử lý hiệu quả, kịp thời tội phạm tham nhũng.

Các ý kiến này cho rằng, đa số các vụ việc tham nhũng đều có tính chất phức tạp, người có hành vi tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn, nên việc xác minh, điều tra để phát hiện tội phạm tham nhũng đòi hỏi phải có chuyên môn, nghiệp vụ tố tụng và có những quyền hạn nhất định thuộc về lĩnh vực tố tụng (như áp dụng các biện pháp theo dõi bí mật, điều tra đặc biệt…).

Do đó, khi phát hiện hành vi tham nhũng, nếu cơ quan ra quyết định thanh tra, kiểm toán giữ lại vụ việc để xác minh, làm rõ, ra kết luận thì có thể sẽ dẫn đến tình trạng xử lý kéo dài, người có hành vi tham nhũng có thể hợp thức hoá các chứng từ, che giấu dấu vết tội phạm, không loại trừ đối tượng có thể bỏ trốn… gây khó khăn cho hoạt động điều tra, xử lý sau này.

Mặt khác, khi vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra thì quá trình xác minh, điều tra làm rõ vụ việc có sự kiểm soát của Viện Kiểm sát nên sẽ bảo đảm khách quan hơn, tránh bỏ lọt tội phạm.

Ủng hộ quan điểm này, đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) cho rằng, về phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, Luật PCTN hiện hành đã quy định khá đầy đủ, chi tiết trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát trong việc phát hiện xử lý hành vi tham nhũng. Mặt khác, việc điều tra cần phải có chuyên môn, nghiệp vụ và quyền hạn nhất định, trong khi cơ quan thanh tra, kiểm toán hiện nay chưa được trang bị đầy đủ những điều kiện cần và đủ để tiến hành điều tra vụ án như các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Văn Khánh (Bình Dương) chỉ rõ, quy định này trong Dự thảo Luật là chưa thống nhất với Bộ luật Tố tụng hình sự về xác minh, điều tra, trình tự thủ tục chuyển hồ sơ có dấu hiệu tội phạm. Đồng thời quy định như vậy cũng không phù hợp với Luật Thanh tra, Luật KTNN đã quy định trách nhiệm cơ quan thanh tra, KTNN. Theo đó, khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm có hoạt động thanh tra, kiểm toán phải chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra. Đồng thời, thông báo bằng văn bản cho Viện Kiểm sát cùng cấp biết để cơ quan điều tra thực hiện việc điều tra theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, theo Dự thảo Luật, trường hợp kết luận hành vi tham nhũng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người ra quyết định thanh tra, kiểm toán yêu cầu hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý kỷ luật người có hành vi tham nhũng. Theo đại biểu, quy định này cũng chưa phù hợp với thực tiễn vì “để phát hiện tội phạm tham nhũng phải qua quá trình điều tra, xác minh bằng các biện pháp chuyên môn nghiệp vụ tố tụng mới xác định được hành vi tham nhũng đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa? Thẩm quyền này thuộc cơ quan tiến hành tố tụng”- đại biểu Khánh nói.

Tán thành những phân tích trên, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cũng đề nghị cần nghiên cứu lại quy định cơ quan thanh tra, kiểm toán xác minh, làm rõ tính chất, mức độ, hành vi tham nhũng. “Liệu có xung đột với các quy định của các luật hiện hành hay không, như Luật Thanh tra, Luật KTNN, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015? Tôi đề nghị Ban soạn thảo cũng cần nghiên cứu để quy định đảm bảo tránh xung đột pháp luật, dẫn đến lúng túng không áp dụng được trong thực tiễn” - đại biểu lưu ý.
         
Xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, Điều 73 Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) đưa ra 2 phương án xin ý kiến Quốc hội:
   Phương án 1 (Khoản 3, Khoản 4):
   3. Trường hợp phát hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng thì người ra quyết định thanh tra từ cấp tỉnh trở lên, người ra quyết định kiểm toán phải chỉ đạo xác minh, làm rõ tính chất, mức độ của hành vi tham nhũng, ra kết luận và khi có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện Kiểm sát cùng cấp biết.
   4. Trường hợp phát hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng nhưng cơ quan Thanh tra Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước không đủ điều kiện xác minh, làm rõ, kết luận thì người ra quyết định thanh tra, kiểm toán phải chủ động phối hợp và chuyển tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện Kiểm sát cùng cấp biết.
   Phương án 2: Bỏ Khoản 3 và Khoản 4, Điều 73 và áp dụng các quy định hiện hành của Luật Thanh tra, Luật KTNN.
   (Trích Tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi)
N.HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 47 ra ngày 23-11-2017
Cùng chuyên mục
Xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm toán: Cần đảm bảo kịp thời, hiệu quả