Xử lý dứt điểm bất cập tại các dự án BOT để thu hút vốn đầu tư

(BKTO) - Thời gian qua, mặc dù Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các cơ quan liên quan đã có nhiều phương án xử lý bất cập tại các dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) nhưng nhiều ý kiến cho rằng những giải pháp đó chỉ mang tính tình thế. Để giải quyết dứt điểm những bất cập này, cần có phương án xử lý phù hợp, công khai, minh bạch trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan, nếu không sẽ khó thu hút vốn vào các dự án BOT sắp tới.



Nhiều bất cập chưa đượcxử lý dứt điểm

Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện Bộ này đang quản lý 63 dự án BOT. Từ năm 2014 đến nay, Bộ đã chủ động phối hợp với KTNN, Thanh tra Chính phủ và thanh tra các Bộ, ngành thanh tra, kiểm toán tất cả các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Đến nay, đã có 48 kết luận thanh tra đối với 50 dự án, 61 kết luận kiểm toán đối với 55 dự án (có dự án thanh tra, kiểm toán 2 lần). Trên cơ sở kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm toán, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục cập nhật, rà soát, kiểm tra tính hợp pháp, hợp lý của các chi phí đầu tư xây dựng trong quá trình thẩm định dự toán và quyết toán dự án, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV diễn ra mới đây, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, thời gian qua, một số dự án BOT đã hoàn thành nhưng chưa đầy đủ thủ tục để thu phí. Một số dự án mới cho thu phí một phần như Dự án BOT Chợ Mới - Thái Nguyên, đã ít nhiều ảnh hưởng đến doanh thu và phương án tài chính của nhà đầu tư. Điều này có trách nhiệm lớn của Bộ GTVT với nhà đầu tư và xã hội. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Bộ GTVT đã có báo cáo tổng hợp chung gửi Thủ tướng Chính phủ về tất cả dự án BOT, trong đó có việc dừng 13 dự án. Tuy nhiên, những đề xuất của Bộ GTVT liên quan đến tài chính và tình hình tài chính quốc gia, do đó, Chính phủ giao Bộ GTVT nghiên cứu thật kỹ từng trường hợp. Hiện Bộ GTVT đang xem xét từng trường hợp cụ thể, trong đó có Dự án BOT Đèo Cả, BOT Chợ Mới - Thái Nguyên và một số dự án khác.

Trong báo cáo gửi Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Bộ GTVT khẳng định đã báo cáo Thủ tướng nội dung rà soát, kiến nghị các giải pháp xử lý bất cập tại các trạm BOT. Đến thời điểm này, một phần bất cập tại các trạm thu phí đã được giải quyết. Tuy nhiên, tại một số trạm thu phí, dù Bộ GTVT cùng các cơ quan liên quan và nhà đầu tư đã triển khai các biện pháp, khắc phục nhưng những bất cập này vẫn không thể xử lý dứt điểm. Bộ GTVT đang tổng hợp và sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có giải pháp xử lý dứt điểm đối với các trạm thu phí này.

Cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - người dân và nhà đầu tư

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về xử lý vướng mắc đối với các dự án BOT giao thông vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc khắc phục tình trạng phức tạp an ninh trật tự ở một số trạm BOT và việc KTNN đã kiểm toán các trạm BOT để từ đó loại bỏ các chi phí bất hợp lý. Để tiếp tục tập trung khắc phục triệt để các bất cập trong các dự án BOT, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát các dự án BOT, có phương án xử lý phù hợp, công khai, minh bạch trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - người dân - nhà đầu tư.

Đối với các dự án có sự sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu, Thủ tướng yêu cầu phải đánh giá kỹ, toàn diện các nguyên nhân, xem xét kỹ từng trường hợp, từ đó nêu rõ giải pháp phù hợp, khả thi, báo cáo Thủ tướng. Đối với các dự án tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo xử lý các vướng mắc, kiên quyết xử lý nghiêm đối với những đối tượng gây rối tại các trạm thu phí. Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư nghiêm túc khắc phục các bất cập của mình để lấy lại niềm tin của người dân, không làm ảnh hưởng đến chủ trương thu hút đầu tư theo hình thức BOT.

Thủ tướng cũng yêu cầu, Bộ GTVT nghiên cứu giải pháp tổng thể, toàn diện đối với các trạm BOT nói riêng và các dự án BOT nói chung để giải quyết triệt để các bất cập và kiến nghị của người dân, DN liên quan đến vị trí đặt trạm thu phí; thực hiện nghiêm Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12/2018. Đồng thời, KTNN tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kiểm toán đối với các dự án đầu tư nói chung và đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng nhằm bảo đảm loại bỏ những chi phí bất hợp lý trong đầu tư xây dựng; công bố công khai kết quả kiểm toán để nhân dân được biết, tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với chủ trương của Đảng và Nhà nước về thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 48 ra ngày 29-11-2018
Cùng chuyên mục
Xử lý dứt điểm bất cập tại các dự án BOT để thu hút vốn đầu tư