Xóa nợ thuế phải đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch

(BKTO) - Đó là nguyên tắc mà Bộ Tài chính nêu ra trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi, với số tiền khoảng 26.500 tỷ đồng.



Tiền nợ thuế lớnnhưng không xóa được

Theo Bộ Tài chính, các giải pháp xóa nợ thuế hiện hành chưa bao quát hết thực trạng kinh doanh, chưa xử lý được những bất cập về nợ thuế không thể thu hồi đã phát sinh do các nguyên nhân khách quan cũng như chưa phản ánh hết công tác quản lý nợ thuế của ngành tài chính.

Đặc biệt, có một số trường hợp khó xóa nợ vì vướng quy định. Chẳng hạn, với khoản nợ thuế quá 10 năm, nếu cơ quan thuế đã thực hiện tất cả các biện pháp cưỡng chế thì khoản nợ thuế này được xóa. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào được xóa nợ thuế do không đáp ứng được điều kiện “đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế” bởi nhiều lý do bất khả kháng và khó thực thi trong thực tế.

Nhiều trường hợp được Bộ Tài chính đề nghị xóa nợ thuế.

Hay trường hợp, người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà “không còn tài sản để nộp thuế” cũng được xóa nợ thuế. Song, không có cơ quan nhà nước nào chịu trách nhiệm về việc xác nhận cá nhân chết, mất tích còn tài sản hay không. Hoặc nếu còn tài sản thì tài sản này vẫn thuộc quyền sử dụng của gia đình, vợ, con và có thể chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu cơ bản trong sinh hoạt thông thường.

Việc cơ quan thuế thực hiện kê biên, bán đấu giá tài sản sử dụng chung của gia đình để thu hồi nợ thuế sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân những người phụ thuộc đó...

Do những vướng mắc trên nên số tiền thuế nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt tồn đọng qua nhiều năm còn lớn. Đến ngày 31/12/2017, số nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt do ngành thuế quản lý là 73.145 tỷ đồng; số nợ thuế các loại do ngành hải quan quản lý là 5.474 tỷ đồng. Như vậy, tổng số nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt là 78.619 tỷ đồng.

Điều đáng chú ý là tiền thuế còn nợ của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh, không có khả năng thu hồi lên tới 31.469 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 43% tổng nợ.

Trong số 5.474 tỷ đồng tổng nợ thuộc ngành hải quan quản lý, có tới 3.878 tỷ đồng (71%) là nợ không có khả năng thu. Như vậy, tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt tính đến ngày 31/12/2017 của các khoản nợ thuế không thể thu hồi đã phát sinh do nguyên nhân khách quan là 35.347 tỷ đồng, bằng 44,9% tổng nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Đề nghị xóa khoảng26.500 tỷ đồng nợ thuế không có khả năng thu hồi

Thực hiện yêu cầu của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội để xử lý xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi và giảm tỷ lệ nợ đọng thuế.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị xóa nợ 542,525 tỷ đồng (tính đến ngày 31/12/2015) tiền chậm nộp thuế đối với DN thực hiện cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn NSNN hoặc có nguồn chi từ NSNN nhưng chưa được thanh toán (bao gồm cả nhà thầu phụ).

Cùng với đó, Bộ Tài chính đề nghị xóa nợ tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 01/01/2018 của người nộp thuế gặp thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp khó khăn bất khả kháng, với tổng số tiền tính đến ngày 31/12/2017 ước khoảng 1.700 tỷ đồng.

Đặc biệt, DN, tổ chức thực tế đã giải thể (trừ trường hợp giải thể để chia tách, sáp nhập, chuyển đổi), phá sản hoặc chấm dứt kinh doanh trước ngày 01/01/2017 mà không còn khả năng nộp ngân sách và đã được cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng thuộc diện đề nghị được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định xoá nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 10 tỷ đồng trở lên; Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xoá nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xoá nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt dưới 5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề nghị xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của hộ, cá nhân kinh doanh đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh trước ngày 01/01/2017 với tổng số tiền là 24.302 tỷ đồng.

Tổng cộng số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi được Bộ Tài chính đề nghị xóa khoảng 26.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đề nghị cho phép khoanh nợ (tạm thời chưa thu và không tính tiền chậm nộp thuế) từ ngày 01/01/2018 đối với người nộp thuế nợ tiền thuế đã chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh quá 1 năm, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký DN, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.

Dự thảo Nghị quyết nêu rõ: Việc tổ chức thực hiện xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải bảo đảm bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, công bằng, công khai và minh bạch. Bộ Tài chính trình Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp tháng 5/2018 để xem xét thông qua Nghị quyết trên.

THU HƯỜNG
Theo Báo Kiểm toán số 10 ra ngày 08-3-2018
Cùng chuyên mục
Xóa nợ thuế phải đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch