Xây dựng thể chế, cải cách thủ tục hành chính: Còn nhiều việc phải làm

(BKTO) - Tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Tài chính năm 2015và triển khai nhiệm vụ năm 2016 diễn ra cuối năm 2015, Phó Thủ tướng Vũ VănNinh đã ghi nhận những nỗ lực của ngành trong xây dựng thể chế, cải cách thủtục hành chính. Điều này một lần nữa được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũngnhấn mạnh tại buổi gặp mặt báo chí đầu xuân mới đây. Tuy nhiên, đây mới chỉ làkết bước đầu và phía trước ngành Tài chính vẫn còn nhiều việc phải làm.




Năm 2015, Bộ Tài chính đã thay thế, bãi bỏ hơn 200 thủ tục trong lĩnh vực Hải quan. Ảnh: TS

Nhìn lại 5 năm qua (2010-2015), đặc biệt là năm 2015, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: Một hệ thống pháp luật về lĩnh vực tài chính, đặc biệt là lĩnh vực về thuế, đất đai đã được kiện toàn một bước theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, phù hợp với tình hình thực tế và cam kết hội nhập quốc tế. Điều này góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy DN hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý NSNN.

Khẳng định trên của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã được thực tế chứng minh. Theo báo của Bộ Tài chính, đến nay, Bộ đã hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng Luật của Quốc hội, Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH); trong đó 3 Luật và2 Nghị quyết đã được Quốc hội, UBTVQH thông qua (Luật NSNN, Luật Kế toán, Luật Phí và lệ phí; Nghị quyết của UBTVQH số 888a/2015/UBTVQH13; Nghị quyết số 1084/2015/UBTVQH13); 2 Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ X, Quốc hội khóa XIII (Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế). Tính đến ngày 25/12/2015, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ 16 Nghị định (đã ban hành 8 Nghị định); trình Thủ tướng Chính phủ 17 quyết định (đã ban hành 9 quyết định) và trình các cấp có thẩm quyền 15 đề án khác; ngoài ra, đã ban hành 192 thông tư, thông tư liên tịch. Nhìn chung, công tác xây dựng thể chế năm 2015 đã đáp ứng được yêu cầu đề ra, đảm bảo cả về “lượng” và “chất”, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ, năm 2015 Bộ Tài chính tiếp tục triển khai quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính với mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho DN, người nộp thuế. Tính đến hết năm 2015, số giờ nộp thuế giảm còn 117 giờ (vượt mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 19/NQ-CP là 121,5 giờ). Hiện tại, ngành Tài chính đang tiếp tục rà soát, chuẩn hoá 70 quy trình, quy chế và cắt giảm 63 thủ tục, đơn giản hóa 50 thủ tục về thuế nội địa; thay thế 128 thủ tục, bãi bỏ 84 thủ tục, đề xuất phương án đơn giản hóa 11 thủ tục trong lĩnh vực hải quan. Đối với việc mở rộng áp dụng nộp thuế điện tử, tính đến ngày 30/10/2015, đã thực hiện khai thuế qua mạng đối với 98,95% số DN đang thuộc diện quản lý thuế nội địa; triển khai hải quan điện tử tại 100% cục và chi cục hải quan địa phương. Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và kết nối kỹ thuật cơ chế một cửa ASEAN (ASW) đã chính thức thực hiện từ tháng 9/2015.

Những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan đã được cộng đồng DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Nhìn một cách khách quan, sự cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam thời gian qua có đóng góp không nhỏ của ngành Tài chính. Điều này đã được Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận trong báo cáo cải thiện môi trường kinh doanh năm 2016.

Rõ ràng, xây dựng thể chế, cải cách thủ tục hành chính đã có những thành công. Song thực tế còn bộn bề khó khăn, thách thức không cho phép ngành Tài chính bằng lòng với kết quả đạt được. Đúng như tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Kết quả trên mới chỉ là bước đầu. Cơ chế, môi trường thuận lợi đã có nhưng quan trọng vẫn là vấn đề tổ chức, đặc biệt là vấn đề cán bộ. Cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan phải làm sao để không còn tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”. Do đó, thời gian tới, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải đẩy mạnh đào tạo cán bộ để nâng cao trách nhiệm thực thi nhiệm vụ, tránh nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho DN.

Trong kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2016, ngành Tài chính cũng đã đặt ra nhiều nhiệm vụ cụ thể nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cụ thể, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ, theo đó mở rộng thực hiện hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc; đẩy mạnh nộp thuế qua mạng, thực hiện hoàn thuế điện tử; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ; phấn đấu đạt mức ASEAN-4 về cải cách hành chính đối với 03 nhóm chỉ tiêu mới là: Kiểm tra trước hoàn thuế; thực hiện quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; thời gian và kết quả xử lý những khiếu nại về thuế. Để những việc làm này mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa, một vấn đề được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đặt ra; đó là phải công khai, minh bạch việc nộp thuế, tạo thuận lợi cho DN và người dân cùng tham gia giám sát.

Những chỉ đạo trên của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho thấy, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính còn nhiều việc phải làm.
NGỌC MAI
Cùng chuyên mục
Xây dựng thể chế, cải cách thủ tục hành chính: Còn nhiều việc phải làm