Vướng mắc về đất đai trong quá trình cổ phần hóa DNNN: Bên nào sẽ chịu trách nhiệm?

(BKTO) - Từ đầu năm đến nay, cả nước chưa có DNNN nào được cổ phần hóa (CPH) theo kế hoạch. Tất cả những DN được CPH trong 11 tháng qua đều thuộc diện phải CPH từ năm 2017. Một trong những nguyên nhân chính khiến cho quá trình này diễn ra chậm trễ là do DN đang gặp vướng mắc về đất đai.



Cả doanh nghiệp và Bộ, ngành đều gặp vướng mắc về đất đai

Thông tin từ đại diện Bộ Tài chính cho biết: Trước đây, không ít DNNN được giao quản lý nhiều mảnh đất, nhưng do thiếu giấy tờ nên đến nay, việc xác nhận hồ sơ pháp lý cho những mảnh đất đó thường kéo dài hơn dự kiến, làm chậm tiến độ CPH.

Điển hình là trường hợp của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Theo kế hoạch, Ngân hàng này phải CPH trong giai đoạn 2016-2020 và trên thực tế Agribank đã ban hành kế hoạch CPH vào năm 2019. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, đến thời điểm này, phần lớn các mảnh đất của Agribank đều chưa hoàn thiện hồ sơ, thậm chí, nhiều mảnh trước đây đã được địa phương cho phép Agribank làm điểm giao dịch nhưng cũng không có hồ sơ, chứng từ. Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) - cho biết: Khi xử lý đất trước CPH, DN phải lập danh sách toàn bộ đất hiện có. Đây là căn cứ để đơn vị xây dựng phương án đất đai, như: giữ lại bao nhiêu, bàn giao bao nhiêu, bao nhiêu mảnh sử dụng không hiệu quả,… sau đó gửi UBND tỉnh phê duyệt. Trong quá trình này, DN cũng phải chốt lại với địa phương xem quy hoạch hiện tại có thay đổi so với kế hoạch đã lập hay không. Những mảnh đất được giữ lại phải áp dụng giá đất mới để xác định đúng giá trị.

Không chỉ Agribank, Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) cũng từng được giao rất nhiều đất để làm điểm giao dịch. Song phần lớn những mảnh đất này đều đang ở trong tình trạng chưa phân định rạch ròi về quyền sử dụng đất giữa Bưu điện Việt Nam và VNPT…

Từ góc độ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhận định: Việc cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty nông, lâm nghiệp ở địa phương còn chậm, việc thu hồi đất của các công ty này sau khi sắp xếp lại cũng chậm dẫn đến tình trạng vô chủ kéo dài, làm gia tăng tình trạng lấn chiếm đất…

Bên cạnh đó, đại diện Bộ Xây dựng cũng nêu một số vấn đề quan trọng khác như: Quy định về thời điểm phê duyệt phương án sử dụng đất chưa thống nhất, dẫn đến sự lúng túng trong quá trình xây dựng, phê duyệt phương án sử dụng đất và bảng giá đất khi CPH; chưa quy định cụ thể việc thực hiện đối với cơ sở đất đai được giao để đầu tư kinh doanh dự án khu đô thị, nhà ở. Nhiều địa phương chậm cho ý kiến về phương án sử dụng đất và giá đất khiến cho tiến độ CPH nhiều DNNN bị chậm so với kế hoạch…

Cần quy định trách nhiệmcủa các cơ quan gây chậm trễ

Theo quy định hiện hành, các DNNN phải thống kê, xây dựng phương án sử dụng nhà, đất để trình UBND phê duyệt. Đến thời điểm có kế hoạch CPH, DN gửi phương án đó cho UBND cấp tỉnh, thành phố để “chốt” phương án sử dụng đất. Nếu có thay đổi, UBND tỉnh, thành phố phải thông báo để DN điều chỉnh phương án, đồng thời thông báo giá đất mới để DN chuyển sang thuê đất trả tiền hằng năm. Phần chênh lệch giữa giá thuê đất cũ với giá thuê đất mới sẽ phải nộp ngân sách địa phương.

Quy định về xử lý đất đai như vậy - theo ông Đặng Quyết Tiến - là nhằm đảm bảo tính đúng, tính đủ, không làm thất thoát tài sản nhà nước nên mất nhiều thời gian hơn trước. Tuy nhiên, đối với những mảnh đất đã được DN nộp hồ sơ nhưng cả năm mới được UBND tỉnh phê duyệt thì sự chậm trễ này lại thuộc về trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Là một trong nhiều DN đang phải trải qua những trở ngại, vướng mắc nêu trên, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà và đô thị (HUD) đã đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu bổ sung quy định xử lý chi tiết đối với trường hợp quá thời hạn quy định nhưng các địa phương không có ý kiến chính thức về phương án sử dụng đất, giá đất cụ thể.

Đồng tình với quan điểm này, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị Chính phủ xem xét quy định thời hạn UBND trả lời về phương án sử dụng đất, giá đất phù hợp thực tế để xác định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan, bổ sung hướng dẫn đối với các cơ sở đất đai được Nhà nước giao cho DNNN đầu tư kinh doanh dự án khu đô thị, nhà ở, quy định rõ nguồn kinh phí thuê tư vấn xác định giá đất...

Đối với vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, hướng dẫn và chỉ đạo việc thực hiện rà soát, đo đạc, phê duyệt phương án sử dụng đất, lập bản đồ địa chính, cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, ký hợp đồng thuê đất cho các DN; xử lý các trường hợp cho thuê, lấn chiếm, tranh chấp; lập phương án quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp khi trả về địa phương.
         
Trao đổi với báo chí, TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế - cho rằng: Một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình CPH DNNN là chính sách đất đai cần rõ ràng hơn. Theo đó, chỉ DN 100% vốn nhà nước hoạt động công ích mới được áp dụng cơ chế đất đai riêng, còn những DN hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận thì cần thực hiện một cơ chế đất đai giống như các DN tư nhân khác để tránh trường hợp biến đất đai trở thành “mồi”, trở thành nơi đặc quyền, đặc lợi và làm thất thoát tài sản công.
   Với tinh thần như vậy, cơ quan quản lý cần quy định cách tính giá trị quyền sử dụng đất, đặc biệt là tính cả quyền thuê đất vào giá trị DN khi CPH để coi đó như một trong những tài sản của DN, thậm chí cần phải biến nó thành giá để đấu thầu. Một điểm nữa cũng rất quan trọng là Nhà nước không nên cho phép DNNN và DN CPH thuê đất trả tiền một lần cho suốt đời dự án, thay vào đó, DN cần phải ký hợp đồng theo thời hạn và Nhà nước điều chỉnh giá đất theo lộ trình để tránh trường hợp các nhà đầu tư mua cổ phần với giá rẻ, sau đó cũng được thuê đất giá rẻ và trả tiền một lần, như trường hợp đã xảy ra tại Hãng phim truyện Việt Nam.
THÙY ANH
Theo Báo Kiểm toán số 49 ra ngày 06-12-2018
Cùng chuyên mục
Vướng mắc về đất đai trong quá trình cổ phần hóa DNNN: Bên nào sẽ chịu trách nhiệm?