(BKTO) - Từ đầu năm đến nay, trong khi thị trường vàng, chứng khoán… liên tục biến động do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì tỷ giá USD/VND lại tương đối ổn định. Vậy đâu là yếu tố hỗ trợ tỷ giá và xu hướng này liệu có tiếp tục duy trì trong những tháng cuối năm 2020?




Từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND tương đối ổn định. Ảnh minh họa

Nhiều yếu tố hỗ trợ tỷ giá

Dịch Covid-19 đã khiến tỷ giá USD/VND biến động mạnh trong 2 tuần cuối của tháng 3/2020. Tuy nhiên, tỷ giá đã quay trở lại trạng thái ổn định với xu hướng giảm trong quý II và quý III. Theo báo cáo kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) thuộc Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), trong suốt quý III/2020, tỷ giá trung tâm và tỷ giá tại các ngân hàng thương mại đều ổn định, kết thúc quý lần lượt ở mức 23.215 VND/USD và 23.270 VND/USD.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù một số giai đoạn chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và biến động trên thị trường quốc tế nhưng về cơ bản, tỷ giá và thị trường ngoại tệ giữ được sự ổn định, tâm lý thị trường không xáo trộn, nhất là cân đối cung cầu vẫn khá thuận lợi, thanh khoản thông suốt. NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ.

Nhìn vào diễn biến tỷ giá thời gian qua, cả cơ quan quản lý và các chuyên gia đều chung nhận định, đồng Việt Nam ổn định hơn so với các đồng tiền khác trong khu vực cũng như đồng tiền của nhiều đối tác thương mại.

Theo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBVS), tỷ giá USD/VND ổn định trong quý II và quý III là nhờ xu hướng giảm giá rõ rệt của đồng USD trên thị trường quốc tế. Cụ thể, sau khi tăng vọt hơn 8% từ ngày 09 đến 20/3, chỉ số USD index đã giảm mạnh về mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua do các chính sách nới lỏng tiền tệ của Cục Dữ trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) và các gói hỗ trợ tài khóa của quốc gia này.

Bên cạnh đó, nhiều yếu tố tích cực từ nội tại nền kinh tế, trong đó có dự trữ ngoại hối cũng đã góp phần ổn định tỷ giá. Đến tháng 9/2020, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt trên 92 tỷ USD. Như vậy, dự trữ ngoại hối đã tăng thêm khoảng 13 tỷ USD tính từ đầu năm đến nay. Theo KBVS và nhiều tổ chức nghiên cứu kinh tế khác, con số này là kết quả của việc NHNN tích cực mua vào USD trong vòng gần 1 năm qua. Dự trữ ngoại hối tăng cũng đã phần nào chặn đà giảm của tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng và giúp VND giảm giá tương đối so với các đồng tiền khác trong rổ 8 đồng tiền tham chiếu, đặc biệt là với các đồng tiền như: Nhân dân tệ, EUR...

Ngoài ra, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - cho rằng, thời gian qua, tỷ giá cơ bản ổn định là do quan hệ cung cầu ngoại tệ của Việt Nam tương đối ổn định. Việt Nam xuất siêu khoảng 10 tỷ USD, giải ngân FDI vẫn đạt kết quả khá tích cực. Đặc biệt, việc găm giữ, đầu cơ ngoại tệ không còn xảy ra như trước đây bởi khả năng sinh lời của USD so với các kênh đầu tư khác như: vàng, chứng khoán thấp. Thêm nữa, Việt Nam kiểm soát lạm phát tương đối tốt, theo xu hướng giảm dần. Như vậy, tỷ giá ổn định là tương đối phù hợp với tình hình của nền kinh tế.

Tỷ giá tiếp đà ổn định

Về xu hướng tỷ giá thời gian tới, TS. Cấn Văn Lực nhận định, từ nay đến cuối năm 2020, dịch bệnh vẫn phức tạp, tỷ giá còn biến động nhưng cơ bản sẽ tương đối ổn định và có xu hướng giảm.

Lạc quan hơn, VERP dự báo: “Với nguồn cung ngoại tệ dồi dào nhờ vào thặng dư thương mại cao (thặng dư 16,5 tỷ USD trong 9 tháng của năm 2020), nguồn vốn FDI đăng ký mới không sụt giảm nhiều (chỉ giảm 5,2%), tỷ giá VND/USD có thể tiếp tục giữ mức ổn định cho tới cuối năm”.

Hơn nữa, nguồn cung ngoại tệ theo nhận định của KBVS là sẽ vẫn duy trì trạng thái dồi dào trong quý IV/2020 khi hoạt động xuất nhập khẩu hồi phục và vốn FDI giải ngân vẫn tương đối tốt. Trong khi đó, lượng kiều hối thường tăng mạnh giai đoạn cuối năm nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm trước Tết Nguyên đán. Việc FED khẳng định vẫn duy trì quan điểm nới lỏng tiền tệ ít nhất cho đến năm 2021 và chính sách tài khóa mở rộng của Hoa Kỳ có thể sẽ khiến USD tiếp tục nghiêng về xu hướng giảm trong quý IV.

Các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt cũng cho rằng, với nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào như hiện nay, NHNN vẫn còn room để có thể tiếp tục kiểm soát tỷ giá. Do đó, tỷ giá VND/USD khó có thể biến động mạnh trong thời gian tới.

Trong định hướng điều hành chính sách tiền tệ những tháng cuối năm, NHNN cũng đã cam kết tiếp tục điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; đảm bảo ổn định thị trường, tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi.

Tiếp Đoàn công tác cấp cao của Hoa Kỳ sang thăm và làm việc tại Việt Nam mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đều lần lượt khẳng định: Việt Nam điều hành chính sách tỷ giá trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung nhằm đạt mục tiêu xuyên suốt là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Chính sách tỷ giá của Việt Nam không nhằm mục đích tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế hay hỗ trợ cho từng ngành sản xuất. Trên thực tế, nếu phá giá đồng Việt Nam thì điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ổn định kinh tế vĩ mô, lòng tin của người dân, các nhà đầu tư, thậm chí gây thiệt hại lớn đối với cả nền kinh tế.

Cam kết điều hành từ phía Chính phủ cũng như NHNN và nhiều yếu tố tích cực được dự báo là cơ sở để giới chuyên gia kỳ vọng, tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm.

THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Vì sao tỷ giá ổn định?